Sau nhiều lần trì hoãn, thông tin nhiều ngân hàng sắp đổ bộ lên sàn đang khiến cổ phiếu ngành này nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư.

Hàng loạt ngân hàng sắp đổ bộ lên sàn để 'né' quy định mới

Phan Diệu | 10/10/2020, 13:48

Sau nhiều lần trì hoãn, thông tin nhiều ngân hàng sắp đổ bộ lên sàn đang khiến cổ phiếu ngành này nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư.

Thời gian gần đây, thông tin nhiều ngân hàng sắp đổ bộ lên sàn đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư chứng khoán. 

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc chính thức đưa cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Nam Á (NamA Bank) lên sàn UPCoM từ ngày 9.10. Theo đó, hơn 389 triệu cổ phiếu NamA Bank sẽ được giao dịch lần đầu trên sàn chứng khoán với giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch là 3.890 tỉ đồng, tương ứng với vốn điều lệ hiện tại của nhà băng này. Tỉ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với Nam A Bank là 30% vốn điều lệ, song ngân hàng này vẫn chưa có cổ đông lớn nước ngoài.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã nộp hồ sơ lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Nếu được chấp thuận, LienVietPostBank sẽ là ngân hàng niêm yết đầu tiên trong năm 2020. Đại diện LienVietPostBank cho biết do chuẩn bị kỹ càng, nộp hồ sơ sớm nên nhà băng này đã được HoSE chấp thuận nguyên tắc, tiến độ niêm yết cổ phiếu sớm hơn so với các ngân hàng khác từ 1-2 tháng.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) vừa công bố tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và chuẩn bị niêm yết tại HoSE. Theo MSB, niêm yết cổ phiếu MSB lên sàn là mục tiêu quan trọng tiếp theo góp phần giúp ngân hàng này nâng cao vị thế trên thị trường, bảo đảm quyền lợi tối đa của cổ đông, đối tác, khách hàng và cán bộ, nhân viên.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng trình đại hội thông qua tờ trình chuyển niêm yết từ UPCoM sang HoSE trong năm nay. Hồi đầu tháng 9, HoSE thông báo về việc đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của VIB.

Trong khi đó, nhiều cổ đông của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng đang chờ thời điểm OCB chính thức lên sàn để có thể dễ dàng giao dịch, đầu tư cổ phiếu này.

Như vậy, trong hệ thống ngân hàng đã có 18 ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Techcombank, MBBank, HDBank, TPBank, VPBank, Eximbank, Sacombank trên sàn HoSE và ACB, SHB, NVB trên sàn Hà Nội. LienVietPostBank, VIB, VBB, BAB và KLB thì niêm yết trên sàn UPCoM.

co-phieu-ngan-hang.jpg
Cổ phiếu ngân hàng đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư

Theo các chuyên gia, sở dĩ nhiều ngân hàng đang chạy đua để niêm yết lên sàn bởi một trong những yêu cầu của Thủ tướng với ngành ngân hàng giai đoạn 2016-2020 là bắt buộc các ngân hàng thương mại phải niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để đảm bảo tính minh bạch.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết việc đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM của Nam A Bank nhằm tăng tính minh bạch và tuân thủ quy định tại đề án "cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" do Thủ tướng phê duyệt. Việc niêm yết trên sàn UPCoM cũng giúp cổ phiếu NamA Bank tăng tính thanh khoản, nâng cao vị thế trên thị trường, đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông.

Mặt khác, từ ngày 1.1.2021 khi Luật chứng khoán có hiệu lực thì phải sau 2 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên trên hệ thống UPCoM, công ty đại chúng mới được nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chính thức. Do vậy, các ngân hàng đang chạy đua để kịp lên sàn trước thời điểm quy định.

Ngoài ra, cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây cũng đang nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nên cổ phiếu tăng nhanh, giao dịch sôi động. Do vậy lên sàn thời điểm này sẽ giúp các ngân hàng hưởng được không khí tích cực từ thị trường và tiếp cận được với nhiều nhà đầu tư.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng loạt ngân hàng sắp đổ bộ lên sàn để 'né' quy định mới