Theo Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân, trong quá trình bầu cử vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định, có nơi phải hủy bỏ kết quả bầu cử và tiến hành bầu cử lại, có địa phương bầu chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã phải tiến hành bầu thêm, vẫn có người đã trúng cử nhưng không đủ tư cách đại biểu…

Hội đồng bầu cử nhìn nhận hạn chế trong cuộc bầu cử vừa qua

Trí Lâm | 18/07/2016, 13:45

Theo Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân, trong quá trình bầu cử vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định, có nơi phải hủy bỏ kết quả bầu cử và tiến hành bầu cử lại, có địa phương bầu chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã phải tiến hành bầu thêm, vẫn có người đã trúng cử nhưng không đủ tư cách đại biểu…

Sáng nay(18.7), Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử trong cả nước nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện về cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Phát biểu tại hội nghị,Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, theo báo cáo kết quả bầu cử, cả nước có hơn 67 triệu cử tri với tỷ lệ trên 99% đã tham gia bỏ phiếu, bầu được 496 đại biểu Quốc hội khóa XIV, 3.908 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 25.181 đại biểu HĐND cấp huyện và 292.306 đại biểu HĐND cấp xã với cơ cấu, thành phần cơ bản phù hợp như dự kiến; tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, trẻ tuổi, trình độ trên đại học cao hơn so với nhiệm kỳ trước.

Tuy nhiên, trong quá trình bầu cử vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định, có nơi phải hủy bỏ kết quả bầu cử và tiến hành bầu cử lại,có địa phương bầu chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xãphải tiến hành bầu thêm, vẫn có người đã trúng cử nhưng không đủ tư cách đại biểu…

Về việc xác nhận tư cách ĐBQH, ngày 9.6, Hội đồng bầu cử quốc gia đã công bố danh sách chính thức những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Đến hết ngày 1.6, Ủy ban bầu cử các cấp đã hoàn thành việc công bố danh sách chính thức những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Đến nay, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp đã tiến hành xong việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Trình bày báo cáo tổng kết công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bổ sung thêm hạn chế của cuộc bầu cử vừa qua là không bầu đủ 500 ĐBQH như Ủyban Thường vụ Quốc hội dự kiến; trong đó có người trúng cử, có sai sót trong phiếu bầu phải huỷ bỏ và bầu lại, sơ suất trong số phiếu phát ra, thu vào, có bầu hộ, bầu thay.

“Một số cơ cấu, số lượng phân bổ đại biểu chưa đạt được như định hướng dự kiến ban đầu, nhất là tỷ lệ nữ, tỷ lệ người ngoài Đảng”, bà Tòng Thị Phóng nói.

Bà Tòng Thị Phóng cũng nhận định, việc Hội đồng bầu cử quốc gia phải “bác” tư cách đại biểu Quốc hội với 2 người trúng cử vì những vi phạm, không đáp ứng tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội chứng tỏ các cơ quan chưa làm tốt công tác hiệp thương giới thiệu ứng viên để đảm bảo kết quả bầu cử như dự kiến.

Được biết, hai trường hợp bị “bác” tư cách ĐBQH là ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Nếu như trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh dư luận có thể dự đoán thì trường hợp bà Nguyệt Hường là một sự bất ngờ lớn.

Ngày 20.7 tới đây, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc. Theo đó, nội dung làm việc của kỳ họp này chủ yếu là xem xét, quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các chức danh cấp cao trong bộ máy Nhà nước cho nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Sau khi quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ, Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Quốc hội cũng sẽ phê chuẩn danh sách các thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Ngoài vấn đề nhân sự, các vị đại biểu khoá mới sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng khác. Đó là báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016. Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014.

Quốc hội cũng xem xét, thông qua các nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề, nghị quyết về một số vấn đề quan trọng (nếu có).

Ngoài ra, các vị đại biểu Quốc hội sẽ tự nghiên cứu một số báo cáo, trong đó có báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 về kết quả tổ chức giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Các báo cáo của Chính phủ gửi đại biểu tự nghiên cứu gồm báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; báo cáo về tình hình, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp khắc phục tình trạng cá chết ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Trí Lâm
Bài liên quan
Bán nhà giá 1 euro cho người Mỹ thất vọng với kết quả bầu cử
Một ngôi làng trên đảo Sardinia của Ý đã nhìn ra cơ hội tiềm năng khi chính trị gia Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội đồng bầu cử nhìn nhận hạn chế trong cuộc bầu cử vừa qua