Hơn 1.000 người chết được cho là do đợt nắng nóng kéo dài gần 1 tuần ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đến nay. Nhiệt độ ở Tây Ban Nha có lúc lên tới 45,7 độ C.

Hơn 1.000 người chết ở 2 nước do nắng nóng kéo dài: Rủi ro gì khi nhiệt độ quá cao?

Sơn Vân | 18/07/2022, 23:03

Hơn 1.000 người chết được cho là do đợt nắng nóng kéo dài gần 1 tuần ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đến nay. Nhiệt độ ở Tây Ban Nha có lúc lên tới 45,7 độ C.

Nắng nóng mang đến rủi ro gì?

Nhiệt độ ảnh hưởng đến sức khỏe theo một số cách. Tình trạng kiệt sức do nhiệt bao gồm chóng mặt, đau đầu, run rẩy và khát, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai và thường không nghiêm trọng, miễn là người đó hạ nhiệt trong vòng 30 phút.

Tình trạng nghiêm trọng hơn là say nắng khi nhiệt độ phần lõi của cơ thể vượt quá 40,6 độ C. Đây là trường hợp cấp cứu y tế và có thể dẫn đến tổn thương cơ quan lâu dài, thậm chí tử vong. Các triệu chứng bao gồm thở nhanh, lú lẫn hoặc co giật và buồn nôn.

Ai có nguy cơ?

Một số người dễ bị tổn thương hơn là trẻ nhỏ và người lớn tuổi, cũng như những người phải hoạt động nhiều hoặc tiếp xúc nhiều hơn với nhiệt độ cao, chẳng hạn dân vô gia cư.

Các tình trạng hiện có, bao gồm các bệnh về hô hấp và tim mạch, cũng như bệnh tiểu đường, cũng có thể làm tăng nguy cơ và trầm trọng hơn do nhiệt.

Shakoor Hajat, nhà dịch tễ học môi trường tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh), nói: “Khi bạn nhìn thấy một ngày nắng nóng như hôm nay, tỷ lệ tử vong ở tất cả nhóm bệnh này có khả năng tăng đột biến”.

Trên toàn cầu, ước tính chỉ có dưới nửa triệu ca tử vong mỗi năm do nhiệt độ quá cao, theo một nghiên cứu năm ngoái trên Tạp chí The Lancet, dù thiếu dữ liệu từ nhiều quốc gia thu nhập thấp. Các nhà nghiên cứu cho biết nhiều người chết vì lạnh hơn, nhưng điều đó được dự báo sẽ thay đổi.

Hiệp hội Khí tượng Thế giới cảnh báo tuần trước, ô nhiễm không khí cũng gia tăng trong các đợt nắng nóng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nhiệt cũng có thể dẫn đến tình trạng sinh con nhẹ cân và sinh non cho phụ nữ mang thai.

Lawrence Wainwright, giảng viên môi trường tại Đại học Oxford (Anh), nói tỷ lệ tự tử và các vấn đề sức khỏe tâm thần thường tăng cao trong các đợt nắng nóng.

Các nhà khoa học cho biết hiện vẫn chưa có bằng chứng về bất kỳ tác động nào với bệnh nhân COVID-19 hoặc COVID-19 kéo dài.

Vấn đề thời gian

Các chuyên gia nói nhiều ca tử vong xảy ra sớm hơn vào mùa hè, khi cơ thể người dân chưa có cơ hội thích nghi. Vị trí cũng đóng vai trò quan trọng, khi người dân có nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những nơi không quen với cái nóng như vậy, kể cả ở các vùng của châu Âu.

Tuy nhiên, điều gì cũng có giới hạn và nhiều người trên khắp thế giới có nguy cơ gặp rủi ro trong thời tiết cực kỳ nóng do biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt là những ai phải tiếp tục làm các công việc chân tay.

Eunice Lo, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Bristol (miền tây nước Anh), cho biết: “Ở tất cả những nơi tôi đã thấy trên thế giới mà chúng tôi có dữ liệu, nguy cơ tử vong gia tăng khi người dân tiếp xúc với nhiệt độ cao”.

Cần làm gì?

Một số cơ quan y tế công cộng châu Âu đã đưa ra lời khuyên về việc giữ mát, bao gồm cả tránh gắng sức nếu có thể và giữ đủ nước.

Say nắng là trường hợp cấp cứu y tế và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Họ cũng khuyên bạn nên kiểm tra những người dễ bị tổn thương. Trong đợt nắng nóng ở châu Âu năm 2003, hơn 20.000 người được cho đã chết, nhiều người trong số họ đã lớn tuổi và bị cô lập.

Châu Âu chiến đấu với cháy rừng trong nắng nóng gay gắt

Các nhà chức trách ở khắp miền nam châu Âu đã chiến đấu để kiểm soát các vụ cháy rừng lớn ở các quốc gia bao gồm Tây Ban Nha, Hy Lạp và Pháp, với hàng trăm người chết được cho do nhiệt độ tăng cao.

hon-1000-nguoi-chet-o-2-nuoc-do-nang-nong-gan-1-tuan.jpg
Lính cứu hỏa làm việc để ngăn chặn đám cháy tại Louchats khi cháy rừng tiếp tục lan rộng ở vùng Gironde, tây nam nước Pháp ngày 17.7 - Ảnh: Reuters

Tại Tây Ban Nha, máy bay trực thăng đã thả nước dập lửa khi nhiệt độ trên 40 độ C và địa hình đồi núi khiến công việc của lính cứu hỏa trở nên khó khăn hơn.

Những người dân bàng hoàng khi chứng kiến ​​những làn khói dày đặc bốc lên trên thung lũng Jerte phía tây, cho biết sức nóng khiến ngôi nhà của họ trước đây xanh mát giờ giống miền nam khô cằn ở Tây Ban Nha.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả mọi người”, cư dân Miguel Angel Tamayo nói.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 6 trên Tạp chí Environmental Research: Climate (Nghiên cứu Môi trường: Khí hậu) đã kết luận rằng rất có khả năng biến đổi khí hậu đang làm cho các đợt nắng nóng trở nên tồi tệ hơn.

Hơn 1.000 người chết được cho là do đợt nắng nóng kéo dài gần 1 tuần ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đến nay. Nhiệt độ ở Tây Ban Nha đã lên tới 45,7 độ C.

Cơ quan thời tiết của Tây Ban Nha đã ban hành cảnh báo nhiệt độ cho ngày 17.7, với dự báo cao nhất là 42 độ C ở vùng Aragon, Navarra và La Rioja. Cơ quan này cho biết đợt nắng nóng sẽ kết thúc vào ngày 18.7, nhưng cảnh báo nhiệt độ sẽ vẫn "cao bất thường".

Hỏa hoạn đã bùng phát ở một số khu vực khác bao gồm Castille và Leon ở miền trung Tây Ban Nha và Galicia phía miền bắc chiều 17.7. Các nhân viên cứu hỏa đã ổn định một đám cháy ở Mijas, thuộc tỉnh Malaga và cho biết những người được sơ tán có thể trở về nhà.

William và Ellen McCurdy (người Anh) đã chạy trốn để đảm bảo an toàn cùng những người di tản khác tại một trung tâm thể thao địa phương từ nhà của họ hôm 16.7 khi đám cháy đến gần.

"Nó rất nhanh... Tôi không quá coi trọng nó. Tôi nghĩ rằng họ đã kiểm soát được nó và tôi khá ngạc nhiên khi nó dường như đang di chuyển theo hướng của chúng tôi", William (68 tuổi) nói với Reuters.

Tại Pháp, cháy rừng hiện đã lan rộng hơn 11.000 ha ở vùng Gironde phía tây nam và hơn 14.000 người phải sơ tán, các nhà chức trách khu vực cho biết chiều 17.7. Hơn 1.200 nhân viên cứu hỏa đang cố gắng kiểm soát ngọn lửa.

Pháp đã ban hành cảnh báo đỏ, mức cao nhất có thể, cho một số khu vực, với người dân cần "hết sức cảnh giác".

Tại Ý, nơi các đám cháy nhỏ hơn bùng phát trong những ngày gần đây, các nhà dự báo cho rằng nhiệt độ trên 40 độ C ở một số khu vực trong những ngày tới.

Nhiệt độ tương tự đã được ghi nhận ở Bồ Đào Nha ngày 17.7 và được dự báo tại Anh vào 18.7 và 19.7, cao hơn mức kỷ lục chính thức trước đó là 38,7C được thiết lập ở Cambridge năm 2019.

Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Anh đã ban hành cảnh báo "nhiệt độ cực cao" màu đỏ đầu tiên cho các vùng nước này. Hành khách đường sắt được khuyến cáo chỉ đi du lịch nếu thực sự cần thiết và có thể xảy ra tình trạng chậm trễ cũng như hủy chuyến trên diện rộng.

Khoảng 1.000 nhân viên cứu hỏa đã cố gắng kiểm soát 13 đám cháy rừng và nông thôn ở trung tâm lẫn phía bắc của Bồ Đào Nha. Vụ cháy lớn nhất gần thành phố Chaves, miền bắc Bồ Đào Nha.

Hôm 16.7, Bộ Y tế Bồ Đào Nha cho biết 7 ngày qua, 659 người đã chết do đợt nắng nóng, hầu hết trong số họ là người cao tuổi. Bộ Y tế Bồ Đào Nha thông báo đỉnh điểm là 440 người chết hôm 14.7 khi nhiệt độ vượt quá 40 độ C ở một số khu vực và 47 độ C tại một trạm khí tượng ở quận Vizeu, trung tâm đất nước.

Theo số liệu của Viện Y tế Carlos III, đến ngày 16.7, đã có 360 trường hợp tử vong do nắng nóng ở Tây Ban Nha.

Theo dữ liệu từ Viện khí tượng quốc gia, Bồ Đào Nha đang phải vật lộn với hạn hán khắc nghiệt ngay cả trước đợt nắng nóng gần đây. Khoảng 96% đất liền đã bị hạn hán nghiêm trọng hoặc cực đoan vào cuối tháng 6.2022. Andre Fernandes, chỉ huy Cơ quan Bảo vệ Dân sự và Khẩn cấp, kêu gọi người dân cẩn thận không để bùng phát các đám cháy mới trong điều kiện khô khốc như vậy.

Ở Hy Lạp, đội cứu hỏa nói vào ngày 16.7 có 71 ngọn lửa đã bùng phát trong khoảng thời gian 24 giờ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 1.000 người chết ở 2 nước do nắng nóng kéo dài: Rủi ro gì khi nhiệt độ quá cao?