Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho hay, hợp đồng bảo hiểm thường được in sẵn, đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, vì tin tưởng nên người dân không đọc hoặc đọc cũng không hiểu rõ, nên điều khoản bất lợi thường thuộc về bên mua.
Thanh tra ngân hàng liên kết bán bảo hiểm
Sáng 10.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15.
Ban Dân nguyện của Quốc hội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính và bộ ngành có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với các ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, Ban Dân nguyện kiến nghị các cơ quan của Chính phủ kiểm tra, rà soát lại những hợp đồng mẫu về một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ để đảm bảo tính minh bạch của thị trường bảo hiểm và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho hay nhiều người gặp rủi ro khi gửi tiền tiết kiệm, mua trái phiếu, mua bảo hiểm... Theo đó, ông Chiến đề nghị tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán bất động sản, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng mua thẻ kỳ nghỉ.
“Đây thường là các hợp đồng được in sẵn, đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, vì tin tưởng nên người dân không đọc hoặc đọc cũng không hiểu rõ nên điều khoản bất lợi thường thuộc về bên mua, gây thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho người dân”, ông Chiến nêu.
Trước đó, vào đầu tháng 5.2023, Bộ Tài chính cho biết thông qua đường dây nóng, đến cuối tháng 4 bộ đã tiếp nhận 192 kiến nghị, phản ánh và 299 kiến nghị, phản ánh qua email liên quan đến bán sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng.
Bộ Tài chính cũng phân loại xử lý 350 đơn tố cáo liên quan đến phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance). Thanh tra bộ đã chủ trì buổi tiếp dân với sự tham gia của đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, làm việc với 5 công dân đại diện cho nhóm người đến Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính cũng thu thập hồ sơ, tài liệu, phân tích, đánh giá 5 doanh nghiệp bảo hiểm thuộc kế hoạch thanh tra năm 2023 theo kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đã được bộ phê duyệt.
Đối với các thông tin phản ánh qua đường dây nóng về việc bị ép mua bảo hiểm khi giải ngân khoản vay, Bộ Tài chính đã chuyển thông tin cho cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước để phối hợp quản lý, giám sát.
Vì sao ngân hàng ép khách mua bảo hiểm?
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, trong thực tế, đa số người mua bảo hiểm thường chỉ quan tâm tới quyền lợi mà đôi khi “bỏ quên” tìm hiểu những điều kiện ràng buộc. Trong khi đó những điều khoản này sẽ quyết định việc người tham gia có được nhận quyền lợi hay không khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.
“Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã quy định chặt chẽ hơn quyền kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, cần quản lý chặt chẽ hơn trách nhiệm của đại lý bảo hiểm, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào đạo đội ngũ tư vấn viên đảm bảo đủ tâm, đủ tầm”, ông Thịnh nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC phân tích sản phẩm bảo hiểm tốt và cần thiết nhưng bán rất khó, nên bảo hiểm phải chấp nhận chi phí bán hàng cao, tức trả thù lao cao (tiền công, phí, hoa hồng). Đó cũng là lý do hấp dẫn nên có rất nhiều đại lý bán bảo hiểm, trong đó có ngân hàng.
Ngoài ra, theo ông Đức, cả khách hàng gửi và vay tiền của ngân hàng đều là khách hàng tiềm năng rất lớn của bảo hiểm, bên bảo hiểm có khả năng bán được nhiều sản phẩm và có hiệu quả cao (có thể ví như thay vì bán lẻ thì bán qua ngân hàng giống như kiểu bán buôn bảo hiểm). Chính vì vậy, bảo hiểm càng sẵn sàng trả phí hoa hồng cao cho ngân hàng và nhân viên ngân hàng.
“Tôi được biết có nhiều trường hợp, bảo hiểm trả hoa hồng cho ngân hàng cao gấp đôi trần khống chế của Bộ Tài chính, tất nhiên phải được hợp thức hóa. Chẳng hạn có trường hợp thỏa thuận giữa bảo hiểm và ngân hàng về việc bên bảo hiểm giới thiệu, quảng cáo, phát tờ rơi cho bên ngân hàng nhưng không được nhận thù lao, mà ngược lại phải trả phí cho ngân hàng”, ông Đức nói và nêu thêm.
Về phía ngân hàng, ông Đức cho hay việc ngân hàng gia nhập vào đội ngũ bán bảo hiểm với thế mạnh, cơ hội, lợi thế vô cùng lớn và nguồn lợi thu được rất lớn, khoản thu nhập từ dịch vụ rất an toàn và không phải đầu tư, chi phí nhiều.
Thêm vào đó, bảo hiểm cho khoản cấp tín dụng của ngân hàng thông qua hợp đồng bảo hiểm tài sản bảo đảm tiền vay, tài sản của người vay và tính mạng, sức khỏe của người vay. Khi xảy ra rủi ro thì ngân hàng là người thụ hưởng tiền bồi thường bảo hiểm hoặc khắc phục rủi ro cho người vay và tài sản bảo đảm, dẫn đến hạn chế rủi ro cho ngân hàng.
“Ngân hàng bán hàng nhưng về cơ bản không chịu trách nhiệm với khách hàng, mà bên bảo hiểm mới là người chịu”, ông Đức nói và nhấn mạnh, khách hàng gửi tiền thì thường là rất tin tưởng vào uy tín và sự chuyên nghiệp của ngân hàng, nên dễ chấp nhận mua bảo hiểm.
“Khách hàng vay tiền thường là rất cần được vay vốn ngân hàng, mà ở đâu cũng vậy. Tuy các ngân hàng rất cạnh tranh, nhưng việc mời chào khách hàng “tự nguyện” mua bảo hiểm thì dường như khá giống nhau. Thậm chí, rất nhiều khách hàng không hiểu rõ bản chất của bảo hiểm, dễ dãi và không đủ tỉnh táo, thận trọng khi tặc lưỡi , gật đầu chấp nhận vô điều kiện”, ông Đức nêu.
Tất cả điều này dẫn đến thực trạng “cả bảo hiểm, ngân hàng và nhân viên ngân hàng đều tranh thủ tận dụng tối đa cơ hội và lợi ích. Ngân hàng thì đặt kế hoạch cao, giao chỉ tiêu nặng cho nhân viên bán bảo hiểm. Tất cả đều lao vào lợi nhuận, tận dụng, khai thác khách hàng, mà chẳng hề đặt mình vào vị trí của thượng đế bất đắc dĩ, quên đi cảm xúc của đối tác, thậm chí là ân nhân của mình”, ông Đức nói.
Ông Trương Thanh Đức cho rằng hậu quả là mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro, nhưng đối với rất nhiều khách hàng của ngân hàng kiêm bảo hiểm thì lại là một giao dịch rất rủi ro.