Các chuyên gia cho rằng dù cả kinh tế thế giới lẫn trong nước sang năm vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% năm 2024 có thể thực hiện được.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Khó khăn còn lớn, mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% năm tới có khả thi?

Lam Thanh 02/12/2023 16:15

Các chuyên gia cho rằng dù cả kinh tế thế giới lẫn trong nước sang năm vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% năm 2024 có thể thực hiện được.

Mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% năm 2024 không dễ

Tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội đã thống nhất đưa ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6 - 6,5%.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết có một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, xây dựng mục tiêu tăng trưởng nói trên là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng từ 5 - 6%.

Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế; tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024; bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra.

tang-truong-3.jpeg
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng năm tới dự báo kinh tế trong nước lẫn thế giới vẫn còn nhiều khó khăn; hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến nay, các DN đã dần nắm bắt lại thị trường. Do đó, mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% năm 2024 có thể thực hiện được.

Còn theo TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, năm 2024 và 2025, dự báo tình hình kinh tế thế giới từng bước phục hồi, lạm phát được kiếm chế và dần về mức dưới 3% năm 2025… Khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt khoảng 6% năm 2024 và 6,5% năm 2025.

Tuy nhiên, theo ông Lực, nếu Việt Nam có thể củng cố tốt hơn các động lực tăng trưởng hiện hữu và khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới thì mức tăng trưởng có thể cao hơn.

Còn TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định: Với những bất ổn toàn cầu gia tăng và dự báo kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn thì Việt Nam với nền kinh tế có độ mở cao cũng sẽ bị ảnh hưởng.

tang-truong-1.jpeg
Mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% năm 2024 theo các chuyện gia có thể đạt được

Ngoài ra, theo ông Việt, động lực tăng trưởng là xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm cầu trên thế giới. Các khó khăn từ đầu tư công cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước vẫn còn rất lớn. Do đó, khả năng duy trì hoặc bứt phá của các động lực bên trong cũng chưa rõ ràng cho năm 2024.

“Một số chỉ tiêu mà năm 2023 đã không đạt và năm 2024 lại bị đặt xuống thấp hơn kế hoạch 2023 là tăng năng suất lao động và tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP. Cả hai chỉ tiêu này là nền tảng để tạo động lực tăng trưởng cả ngắn và dài hạn. Với việc các chỉ tiêu này bị hạ xuống của năm 2024, khả năng hoàn thành kế hoạch cho 2 chỉ tiêu này, lẫn chi tiêu tăng trưởng GDP cho cả giai đoạn 2021-2025 là rất khó khăn”, ông Việt nêu.

Nhiều động lực cho kinh tế 2024

Dù kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên theo TS Nguyễn Quốc Việt, với những tiến bộ của các động lực tăng trưởng trong nước và sự thành công duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cộng với nỗ lực ngoại giao xuất sắc dịp cuối năm 2023… kỳ vọng sẽ có những đột phá mới, hỗ trợ môi trường kinh doanh và tăng trưởng trong năm 2024.

Ông Việt nhấn mạnh rằng các chính sách hỗ trợ tổng cầu là rất quan trọng trong giai đoạn kinh tế có nhiều biến động và nguy cơ suy giảm.

Theo đó, việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn là rất cần thiết lúc này, nên tiếp tục các chính sách hỗ trợ thuế, phí (giãn/hoãn/miễn) một số khoản thuế, phí cho DN. Ngoài ra, cần cải cách chính sách hoàn thuế GTGT để thực sự hỗ trợ DN giảm chi phí tuân thủ và phòng/chống việc trốn/tránh/gian lận thuế.

tang-truong-2.jpeg
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Trong báo cáo mới đây, VNDIRECT kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ trên đà phục hồi trong năm tới và dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,3% so với cùng kỳ vào năm 2024.

Đơn vị này cho rằng sản xuất và xuất khẩu sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi trong năm tới từ mức nền thấp của năm 2023 nhờ đơn đặt hàng bên ngoài tăng trong bối cảnh lạm phát và tồn kho giảm ở các thị trường phát triển.

“Chúng tôi dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 7,5 - 8% so với cùng kỳ trong năm tới. Hoạt động sản xuất phục hồi cũng kích thích nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị. Dự báo kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng 9 - 9,5% so với cùng kỳ trong năm tới”, VNDIRECT nêu.

Ngoài ra, đơn vị này cũng cho rằng dòng vốn FDI vào Việt Nam cải thiện trong nửa cuối năm 2023 và năm tới sẽ góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi của ngành sản xuất, xuất khẩu năm 2024.

Cũng theo VNDIRECT, theo sau sự phục hồi của ngành công nghiệp, việc làm và tiền lương sẽ được cải thiện trong năm 2024 và góp phần củng cố nhu cầu trong nước.

Hơn nữa, việc Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024 sẽ tác động lớn đến những người được hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Chính phủ cũng giữ lại một số gói kích thích tài chính để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong nửa đầu năm 2024.

VNDIRECT cũng cho biết sự phục hồi của thị trường bất động sản khi được tháo gỡ khó khăn về tài chính và pháp lý cũng mang đến những tác động tích cực cho nền kinh tế.

Song song với đó, sự ấm lên của đầu tư tư nhân nhờ việc DN sẽ triển khai các dự án mới và mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng và sự phục hồi của đơn hàng xuất khẩu; lãi suất cho vay thấp hơn, điều kiện tài chính toàn cầu nới lỏng hơn trong nửa cuối năm 2024 và sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư tư nhân mới.

Tuy vậy, đơn vị này cũng cho rằng rủi ro cần chú ý là lạm phát cao hơn dự kiến ở Mỹ và châu Âu sẽ khiến Fed duy trì chính sách tiền tệ “diều hâu”; áp lực tỷ giá hối đoái của Việt Nam; tăng trưởng chậm hơn dự kiến của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam sẽ làm chậm quá trình phục hồi ở lĩnh vực sản xuất…

Bài liên quan
Nhu cầu chip AI của Nvidia vẫn bùng nổ nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại khiến nhà đầu tư lo ngại
Nvidia hôm 20.11 dự báo mức tăng trưởng doanh thu chậm nhất trong 7 quý, không đáp ứng được kỳ vọng cao của một số nhà đầu tư đã biến hãng chip trí tuệ nhân tạo (AI) Mỹ này thành công ty có giá trị nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó khăn còn lớn, mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% năm tới có khả thi?