Hầu hết các quan điểm về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016 là những quan điểm khá lạc quan, khi năm này được kỳ vọng là thời điểm kinh tế Việt Nam sẽ có sự bứt phá với hàng loạt cơ hội thuận lợi.

Khó khăn ngân sách đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp

Một Thế Giới | 10/03/2016, 11:59

Hầu hết các quan điểm về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016 là những quan điểm khá lạc quan, khi năm này được kỳ vọng là thời điểm kinh tế Việt Nam sẽ có sự bứt phá với hàng loạt cơ hội thuận lợi.

Tuy nhiên, theo một khía cạnh khác có phần ít lạc quan hơn, thì 2016 lại là một năm sẽ mang đến đầy khó khăn khi mà nền kinh tế sẽ có sự xáo động lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây dò các hiệp định thương mại lớn đem lại, đồng thời cũng là lúc các vấn đề của nền kinh tế tích tụ trong nhiều năm cũng sẽ bùng phát trong thời điểm này. Tính đến thời điểm này, các lợi ích mà Việt Nam có thể nhận được vẫn chưa thấy đâu, còn các vấn đề khó khăn thì đã dần hiện diện, mà một trong số đó là những khó khăn của ngân sách quốc gia, và nó đang tác động trực tiếp đến nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nước.

Nếu nhìn nhận một cách bớt lạc quan hơn và bao quát hơn một chút về nền kinh tế Việt Nam 2016, thì chúng ta sẽ thấy bức tranh chủ đạo vẫn đang là một màu xám khá ảm đạm. Các lợi ích mà những hiệp định thương mại như TPP hay các FTA lớn với EU và Hàn Quốc là có thực, thông qua con số tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2015 và đầu năm 2016 đã tăng vọt đạt mức kỷ lục, nhưng để đến khi những con số đầu tư kỷ lục này ra hoa kết quả cũng là cả một thời gian không phải ít. Trong khi đó, các vấn đề khó khăn mà nền kinh tế gặp phải do sự xáo trộn lớn về cơ cấu nền kinh tế (do các hiệp định thương mại, chẳng hạn như lượng vốn FDI đổ vào quá nhiều) thì các vấn đề tích tụ trong nhiều năm qua giờ mới bắt đầu bùng phát. Mà điển hình là những sức ép nặng nề đối với ngân sách quốc gia.

Các chỉ số vĩ mô của ngân sách Việt Nam ở thời điểm hiện tại đang cho thấy vấn đề đang trầm trọng đến mức nào. Theo báo cáo của Chính phủ ngày 7.3.2016 về tình hình chi ngân sách quốc gia, thì hiện tại tỷ lệ bội chi ngân sách trong năm 2015 lên tới 6,1%, dư nợ công đến cuối năm 2015 lên đến 62,2% GDP, nợ chính phủ là 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia là 43,1%. Tất cả các con số thống kê này đều rất đáng lo ngại trong bối cảnh hiện tại. Đầu tiên là tỷ lệ bội chi ngân sách, tỷ lệ này trong năm 2015 lên đến 6,1%, vượt quá mức Quốc hội cho phép là 4,5%; trong 5 năm gần nhất chỉ có duy nhất năm 2011 tỷ lệ này đạt mức 4,4%, còn lại đều vượt trần cho phép (năm 2012 là 5,36%, năm 2013 là 6,6%, năm 2014 là 5,69% và năm 2016 là 6,1%).

Hai chỉ số vĩ mô còn lại của ngân sách là dư nợ công và nợ chính phủ cũng rất đáng lo ngại. Trong đó, nợ chính phủ đã chính thức vượt mức giới hạn cho phép là 50% GDP khi đã lên tới 50,3%; còn dư nợ công thì cũng đã lên tới 62,2% sắp chạm mức kịch trần cho phép là 65% GDP. Theo tính toán của Chính phủ và Bộ Tài chính, dư nợ công đến hết năm 2016 dự kiến sẽ lên đến trên 64% GDP trước khi giảm dần và trở lại mức trên dưới 60% trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên, với mức độ gia tăng nợ công rất nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây, thì quả thực là rất khó để có thể hãm lại được đà tăng nợ công sau năm 2016 mà vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao đã đặt ra là từ 6,5-7%/năm.

Áp lực lớn do tỷ lệ bội chi cao, dư nợ công và nợ chính phủ kịch trần đang đè nặng lên ngân sách quốc gia ở một mức độ lớn chưa từng thấy. Số tiền mà ngân sách nhà nước (NSNN) phải bỏ ra để chi trả hằng năm cho các khoản nợ công cả gốc và lãi đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, báo cáo dựa trên số liệu của Bộ Tài Chính và Ngân hàng phát triển châu Á, thì con số NSNN chi trả trong năm 2015 lên tới 83.410 tỉ đồng, của năm 2014 là 68.059 tỉ đồng, của năm 2013 là 48.130 tỉ đồng, của năm 2012 là 39.884 tỉ đồng, của năm 2011 là 29.786 tỉ đồng. 
Chi trả lãi đang ngày càng chiếm một tỷ lệ lớn hơn trong thu chi NSNN, từ 3,2% trong năm 2010 lên đến 6,7% trong năm 2014. Ở thời điểm hiện tại, chi trả lãi chỉ thấp hơn các khoản chi cho giáo dục đào tạo (chiếm 17,3%), lương hưu và an sinh xã hội (10,8%) và quản lý hành chính (7,9%), trong khi vượt qua tất cả các khoản chi thường xuyên khác.

Điều tương tự cũng diễn ra trong chi trả nợ gốc, con số mà NSNN chi trả trong năm 2015 lên tới 65.060 tỉ đồng, trong năm 2014 là 50.691 tỉ đồng, trong năm 2013 là 55.570 tỉ đồng. Quy mô đảo nợ cũng đang ngày càng lớn hơn, tới năm 2013 thì khối lượng nợ gốc phải đảo nợ là 70.200 tỉ đồng, thì đến năm 2014 đã tăng lên 77.000 tỉ đồng.

Dù Việt Nam ở thời điểm hiện tại không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh toán nợ, do phần lớn khối lượng nợ công là thuộc diện được huy động từ thị trường trong nước, nhưng nó đang gây ra một sức ép rất lớn đối với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Trước hết, mức chi trả lãi và nợ gốc hằng năm đang ngày càng lớn và lạm vào ngân sách dành cho đầu tư phát triển khiến cho nguồn vốn dành cho đầu tư vào nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặt khác, việc liên tục phải phát hành trái phiếu mà phần lớn là kỳ hạn ngắn cũng đang khiến số nợ gốc phải trả tăng lên.

Ngân sách gặp sức ép lớn từ việc chi trả nợ cũng khiến cho các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh lẽ ra cần tạo mọi điều kiện giúp doanh nghiệp phát triển. Việc liên tục phát hành trái phiếu chính phủ để đảo nợ đang khiến mặt bằng lãi suất tăng cao, do để phát hành trái phiếu thành công thì lãi suất phải lớn mới thu hút được người mua. Tăng lãi suất vay vốn ở thời điểm hiện tại là không có lợi đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp. Ngoài ra nó cũng phát sinh ra nhiều sức ép khác đè nặng lên doanh nghiệp trong nước. 
Ngoài việc có thể dẫn đến trường hợp Chính phủ tăng các nguồn thu thuế từ doanh nghiệp để bù đắp và cân bằng ngân sách, thì ngân sách khó khăn hiện nay cũng đang khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn nghiêm trọng ở các khâu khác, như chậm hoàn thuế. Tình trạng các doanh nghiệp than phiền về sự chậm trễ trong việc hoàn thuế đang ngày càng nhiều hơn và tăng lên đáng kể trong thời gian vừa qua, có những trường hợp chậm hoàn thuế lên đến 12 tháng.

Tình trạng chậm hoàn thuế đang khiến khá nhiều doanh nghiệp lao đao, do số tiền hoàn thuế quá lớn so với quy mô tài chính của doanh nghiệp, từ hàng chục đến hơn trăm tỉ đồng. Nó đang gây ra tình trạng hy hữu là các doanh nghiệp buộc phải đi vay tiền với lãi suất cao để tiếp tục hoạt động vì không có tiền do hoàn thuế quá chậm. Theo đánh giá từ một số chủ doanh nghiệp, thì việc chậm hoàn thuế với con số lớn và thời gian kéo dài như hiện nay có tác động xấu tới doanh nghiệp hơn nhiều so với việc tăng thuế thu nhập doanh nghiệp hay lãi suất cao, vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng hoạt động sản xuất và tồn tại của doanh nghiệp, thậm chí có thể đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF)


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó khăn ngân sách đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp