Trong khi các chung cư cũ ở khu vực trung tâm được các chủ đầu tư “săn đón” về cải tạo thì ở những khu vực vùng ven lại phải chịu cảnh chẳng ai “dòm ngó” tới. Đây là một trong những lý do khiến tốc độ cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM đang diễn ra chậm chạp, mà theo các chuyên gia, phải cần đến 100 năm mới có thể cải tạo hết số chung cư đã xuống cấp trong thành phố hiện nay.
Để khắc phục tiến độ “rùa bò” trong cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM, mới đây UBND thành phố đã có quyết định giao quyền xử lý về cho các quận, huyện, thay vì phải báo cáo phương án lên thành phố, thậm chí là Trung ương như trước. Điều này theo các chuyên gia đã giúp đơn giản hóa những thủ tục phức tạp, rút ngắn thời gian chờ phê duyệt. Tuy vậy, vẫn còn hàng loạt vấn đề thách thức cơ quan quản lý cũng như các nhà đầu tư trong việc cải tạo chung cư cũ.
“Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”
Rắc rối đầu tiên là mức độ quan tâm của chủ đầu tư đối với từng vị trí dự án khác nhau. Theo số liệu của Sở xây dựng TP.HCM, thành phố hiện có gần 500 chung cư cũ được xây từ trước năm 1975 cần phải cải tạo. Tuy nhiên, trong số này chỉ có một số chung cư ở khu vực trung tâm nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, chẳng hạn chung cư Nguyễn Thiện Thuật ở quận 3, chung cư Cô Giang ở quận 1, chung cư Trần Hưng Đạo, Nguyễn Kim ở quận 5.
Theo Hiệp hội Bất động sản (BĐS)TP.HCM, riêng 88 chung cư cũ tại khu vực quận 1 đã thu hút hơn 30 nhà đầu tư nộp hồ sơ đấu thầu, trong đó có nhiều chủ đầu tư lớn không chỉ ở phía Nam mà trên cả nước. Tuy nhiên, những chung cư cũ ở những vị trí ít thuận lợi thì lại chẳng ai “dòm ngó” tới. Nếu trông chờ vào sự quan tâm của các chủ đầu tư thì những chung cư này có lẽ không bao giờ được xây mới. Do đó, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội BĐS TP.HCM, một giải pháp mang tính khả thi là chia thành các gói và buộc các chủ đầu tư phải nhận theo hình thức “bia kèm lạc”.
Bồi thường, tái định cư: Thế nào là thỏa đáng?
Nhưng vấn đề lớn nhất mà Hiệp hội BĐS nhận thấy, đó là vấn đề tạm cư, tái định cư cho cư dân tại các chung cư cũ. Đối với những chung cư ở xa trung tâm thì hầu như không gặp rắc rối. Chẳng hạn như chung cư Thanh Đa bị sụt lún, các cư dân đều đồng thuận phương án tái định cư do chủ đầu tư đưa ra là chuyển đến một chung cư khác ở Bình Thạnh. Tuy nhiên, đối với những chung cư có vị trí thuận lợi thì cư dân đều có nguyện vọng được tái định cư tại chỗ, tức là họ sẽ dọn ra ngoài trong thời gian chờ xây mới rồi chuyển trở lại sau khi công trình hoàn tất. Vấn đề phát sinh là sắp xếp chỗ ở cho họ ra sao, nếu trả tiền thì bao nhiêu.
Sau khi công trình hoàn thành, thông thường thì diện tích, vị trí, cấu trúc căn hộ đã khác so với trước, cư dân sẽ nhận lại căn hộ của mình với những tiêu chí nào, giá cả ra sao đối với chênh lệch diện tích, căn góc hay căn thường, căn hộ ở tầng trệt hay tầng cao… Chính ở chỗ những chênh lệch này mà chủ đầu tư và cư dân trong chung cư nhiều khi không thể đạt đến một thỏa thuận, dẫn đến ách tắc trong tiến độ xử lý chung cư cũ.
Trường hợp 10 hộ dân cố gắng bám trụ trong chung cư Trần Hưng Đạo, quận 5, bất chấp việc chung cư đã mục nát, sắp sập là một ví dụ. “Vấn đề là người dân nghi ngờ không được đền bù thỏa đáng, cũng như nghi ngờ năng lực tài chính của chủ đầu tư”, ông Châu nhận định. Theo ông, các chủ đầu tư hiện nay đã khác trước nhiều, có đủ năng lực về tài chính mới có thể bám trụ trên thị trường, lại qua thẩm định của các cơ quan chức năng nên không cần phải quá lo ngại.
Kim Vân