Đội ngũ quan chức hàng đầu của không quân Mỹ theo dõi chặt chẽ đà tiến công của quân đội Nga trong cuộc chiến tại Ukraine suốt hơn 3 tuần qua.

Không quân Mỹ học được gì từ xung đột Nga - Ukraine?

Cẩm Bình | 22/03/2022, 09:06

Đội ngũ quan chức hàng đầu của không quân Mỹ theo dõi chặt chẽ đà tiến công của quân đội Nga trong cuộc chiến tại Ukraine suốt hơn 3 tuần qua.

Với những gì quan sát được, họ nhận định chiến lược đối phó quân đội Nga và chi tiêu cho không quân Mỹ hiện tại không cần xem xét lại.

Tham mưu trưởng không quân Mỹ Charles Brown Jr phát biểu tại một hội nghị đầu tháng 3: “Đối với cá nhân tôi, quan điểm của tôi không thay đổi. Nhưng chúng tôi sẽ tìm hiểu nhiều hơn để đưa ra đánh giá về Nga trong tương lai”.

Chiến dịch quân sự Nga thực hiện tại Ukraine thời gian qua bộc lộ một số vấn đề nghiêm trọng như hậu cần, chỉ huy - kiểm soát, duy trì kiểm soát vùng trời. Đà tiến công vào Kyiv cùng vài thành phố lớn đã bị chững lại mặc dù nhiều cuộc không kích vẫn diễn ra.

Tình hình hiện tại minh chứng cho nhận định mà Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall từng đưa ra, rằng Nga chỉ là đối thủ “gần ngang hàng” chứ chưa thể ngang hàng với Mỹ về sức mạnh quân sự. Ông cho biết kế hoạch đối phó Nga trong thế kỷ 21 vẫn đang được tiến hành: mua chiến đấu cơ F-15EX Eagle II để thay thế F-15C thực hiện nhiệm vụ kiểm soát trên không ngăn chặn máy bay Nga và các mối đe dọa khác; nâng cấp hệ thống giám sát vệ tinh, thông tin liên lạc; tăng cường hiện diện tại Bắc cực; hiện đại hóa khu vũ khí hạt nhân. Cuộc chiến tại Ukraine đến nay chưa khơi dậy ý tưởng phát triển máy bay mới hay đại tu cách thức huấn luyện đối phó quân đội Nga nào.

khthumbs_b_c_06c4894c8d9775aa1a5cd5d7ca597a7e.jpg
Mỹ theo dõi chặt chẽ chiến dịch quân sự Nga thực hiện ở Ukraine - Ảnh: DW

Tham mưu trưởng Brown chỉ ra rằng việc quan sát các chiến thuật Nga dùng ở Syria đã giúp đoán trước cách Moscow tấn công Ukraine. Ông đặc biệt chú ý đến chiến thuật dùng binh lực lớn khuất phục các thành phố Syria - điều đang lặp lại ở Ukraine.

Chuyên gia không quân Justin Bronk thuộc Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh (RUSI) thì cho biết ở phía tây và phía nam Nga gần Ukraine có khoảng 300 máy bay phản lực đồn trú trước lúc tiến hành chiến dịch quân sự - dấu hiệu rõ ràng cho thấy Moscow sẽ sử dụng chúng cho nhiệm vụ tuần tra trên không và tấn công giống như từng thực hiện tại Syria năm 2015.

Theo chuyên gia Bronk, quân đội Nga rút được nhiều kinh nghiệm khi thực hiện những nhiệm vụ trên không phức tạp tại Syria. Nhưng họ thường dựa vào đội hình nhỏ (1 - 2 máy bay cùng lúc) và không cho các loại máy bay khác nhau bay cùng nhau.

“Đội ngũ chỉ huy tác chiến có ít kinh nghiệm thực tế về lập kế hoạch, tóm tắt và điều phối hoạt động không quân phức tạp liên quan đến hàng chục hoặc hàng trăm máy bay trong môi trường nguy cơ cao”, chuyên gia Bronk nhận định.

Theo Bộ trưởng Kendall, Nga nhiều năm trước xác định năng lực tác chiến thông thường của Mỹ sẽ chiếm ưu thế trong một cuộc chiến đối đầu trực tiếp, vì vậy Moscow đi theo con đường khác thay vì xây dựng kho vũ khí hạt nhân ngang bằng với Mỹ.

Nga cũng tìm cách nâng cấp khí tài không quân: mua khoảng 350 máy bay quân sự mới trong đó có máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35S, Su-30SM, máy bay ném bom Su-34; thúc đẩy nâng cấp máy bay chiến đấu MiG-31 và máy bay tấn công mặt đất Su-25. Ngoài ra Tư lệnh Bộ Chỉ huy không quân Mỹ Mark Kelly còn nhận định tên lửa phòng không do Nga sản xuất rất nguy hiểm.

Lực lượng Nga hoạt động hiệu quả nhất khi họ kiểm soát bầu trời và chùn bước khi không có ưu thế trên không, theo tướng Kelly. Còn Phó tham mưu trưởng Không quân Mỹ Clint Hinote chỉ ra rằng Nga gặp khó khăn trong duy trì liên lạc và chỉ huy trên chiến trường - cả hai đều cần thiết cho một chiến dịch quân sự phức tạp. Đây cũng là hai năng lực Mỹ cần củng cố để bảo vệ liên minh NATO.

Tập trung vào Trung Quốc

Khi thấy Nga gặp khó khăn trong cuộc chiến tại Ukraine, đội ngũ quan chức hàng đầu của không quân Mỹ tin rằng Trung Quốc mới là mối đe dọa hàng đầu mà Washington cùng đồng minh phải đối phó.

Bộ trưởng Kendall khẳng định Mỹ trong chiến lược quốc phòng - an ninh sắp tới sẽ xác định Trung Quốc là đối thủ địa chính trị hàng đầu.

Không chỉ vì nhược điểm trong tác chiến khiến Nga bị hạ bậc thành mối đe dọa chiến lược cấp 2, mà còn vì tham vọng cùng nguồn lực của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Nga.

Để kiềm chế Trung Quốc, Bộ trưởng Kendall cam kết ngân sách năm tài khóa 2023 sẽ ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực như vũ khí tiên tiến, máy bay tự hành và duy trì ưu thế không quân. Tuy nhiên ông cũng nhắc nhở không nên lơ là Nga.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không quân Mỹ học được gì từ xung đột Nga - Ukraine?