Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, người dân có quyền lựa chọn sử dụng nguyên liệu nên việc cấm đoán đó đi ngược lại với kinh tế thị trường và sự lựa chọn của người dân.
Theo Chỉ thị 19 của Chính phủ, 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Quảng Nam) phấn đấu đến ngày 1.6.2016 đạt 100% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5 và 100% lượng xăng RON A92 được thay thế bằng xăng E5.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, đến ngày 1.6.2016 đạt tối thiểu 50% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5 và 50% lượng xăng RON A92 được thay thế bằng xăng E5.
Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ bỏ hẳn xăng khoáng truyền thống A92 thay thế bằng xăng sinh học E5 tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Các tỉnh, thành còn lại phải có tối thiểu 50% cây xăng trên địa bàn bán xăng sinh học E5.
Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam khẳng định các nhà máy sản xuất ethanol hiện nay đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu và ổn định lâu dài để pha chế E5 với chất lượng và giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, Hiệp hội này cũng thừa nhận, lộ trình đưa xăng E5 thay xăng A92 còn khó khăn khi thị trường chưa đón nhận nguồn nhiên liệu mới này. Điều này khiến các nhà máy sản xuất ethanol trong nước rơi vào tình trạng ngưng trệ.
Hiệp hội này cũng cho rằng việc cho phép bán song song xăng sinh học lẫn xăng A95 và A92 dẫn đến các nhà bán lẻ phải đầu tư mới bồn chứa, trụ bơm mới để bán xăng sinh học thì rất tốn kém. Điều này khiến các cơ sở kinh doanh xăng dầu, nhất là các cửa hàng tư nhân - chiếm hơn 10.000 cây xăng trên toàn quốc - khó thực hiện chủ trương bán xăng E5.
Cho đến nay, theo khảo sát của phóng viên báo điện tử Một Thế Giới tại nhiều cây xăng trên địa bàn Hà Nội thì việc bán xăng A92 vẫn khá phổ biến và số người dân chuyển sang dùng xăng E5 rất ít ỏi. Điều này cũng không khác với dự đoán của nhiều chuyên gia trước đó khi chỉ thị chuyển sang bán xăng E5 được Chính phủ ban ra.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Bùi Danh Liên,Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, trước tiên, về chủ trương sử dụng nhiên liệu sạch là đúng đắn, là một trong những tiêu chí mà Việt Nam đã ký với Liên Hợp Quốc trong vấn đề bảo vệ môi trường.
“Cho nênviệc thay thế nhiên liệu sạch là cần thiết phải làm, đó là xu hướng chung của cả thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Việc sản xuất xăng E5 để thay thế xăng A92 thì cũng hợp lý, lộ trình thực hiện cũng thỏa đáng, phù hợp”,ông Liên nói.
Tuy nhiên, theo ông Liên, nếu nhưbây giờ đề xuất bỏ hoàn toàn xăng A92 tại một số tỉnh mà thay bằng E5 thì không được. Đó là mệnh lệnh hành chính, Nhà nước không thể nào dùng mệnh lệnh hành chính để làm trái với quy luật thị trường được.
“Người dân có quyền lựa chọn sử dụng nguyên liệu nên việc cấm đoán đó đi ngược lại với kinh tế thị trường và sự lựa chọn của người dân”,ông Liên nhấn mạnh.
Ông Liên cho rằng, muốn làm phải cải tiến công nghệ của các nhà máy sản xuất E5 lên mức cao hơn, thế giới hiện nay đã lên tới E10 rồi. Chất lượng xăng được nâng cao thì người tiêu dùng tự khắc sẽ lựa chọn chứ không cần phải đợi có mệnh lệnh hành chính.
“Hiện nay đa phần các nhà máy sản xuất E5 đều có công nghệ lạc hậu của Trung Quốc khiếnchất lượng sản phẩm không thể so được với những công nghệ tiên tiến mới nhất. Sản phẩmấyđã lạc hậu với thế giới, giá thành lại cao, người dân không tin tưởng vào chất lượng, chưa quen sử dụng cũng là điều dễ hiểu. Điều này phải cải thiện dần dần”, ông Liên cho hay.
Theo ông Liên, để khuyến khích người dân sử dụng xăng E5 thì ngoài việc nâng cao chất lượng còn cần phải áp dụng các phương thức tiếp thị, khuyến mãi, ví dụ Nhà nước có thể sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để giảm giá xăng E5, để thu hút, khuyến khích người dân. Khi người dân tin tưởng, cảm thấy hiệu quả thì sẽ tựnguyện tìm đến xăng E5 chứ không phải là bị bắt buộc sử dụng.
“Không thể dùng mệnh lệnh hành chính để làm trái quy luật thị trường để cứu các nhà máy ethanol được”,ông Liên nói.
Trước đó, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công thương) cũng cho rằng, việc thay thế hoàn toàn xăng RON A92 bằng xăng E5 từ tháng 6 là không khả thi vì còn phụ thuộc vào thói quen sử dụng của người dân.
Trí Lâm