Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến nay đã thu hút được 109 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỉ đồng.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chưa được như kỳ vọng

Tuyết Nhung 10/05/2024 17:30

Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến nay đã thu hút được 109 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỉ đồng.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Khu CNC Hòa Lạc) chiều nay 10.5.

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Hà Nội lắng nghe và đối thoại với các nhà đầu tư đang hoạt động tại Khu CNC Hòa Lạc, không lâu sau khi Khu CNC Hòa Lạc được chính thức chuyển giao quyền quản lý từ Bộ Khoa học - Công nghệ về UBND TP.Hà Nội vào tháng 11.2023.

Theo Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Khu CNC Hòa Lạc đến nay đã thu hút được 109 dự án đầu tư (bao gồm 95 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỉ đồng, tỷ lệ dự án đăng ký đầu tư tại khu đạt khoảng gần 40%. Trong số đó, nhiều dự án đã đi vào hoạt động, đang góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 người lao động có tay nghề, doanh thu năm 2023 đạt khoảng 30.000 tỉ đồng.

anh-10.5-13.jpg
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị

"Con số này rất đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh việc đầu tư phát triển một mô hình mới như Khu CNC Hòa Lạc đã và vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên kết quả thực sự chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng", Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhận định.

Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nói hội nghị hôm nay là cơ hội để chính quyền TP gặp gỡ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cùng chia sẻ thông tin, lắng nghe ý kiến và đặc biệt là sẽ giải đáp, có phương án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư đang hoạt động tại Khu CNC Hòa Lạc, qua đó có thể tạo ra một sức hút mới, xung lực mới và một khí thế mới cho Khu CNC Hòa Lạc.

"Chính quyền TP cam kết luôn đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp trong Khu CNC Hòa Lạc, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trước mắt là tập trung cải cách hành chính, trực tiếp là cải cách thủ tục đầu tư; hướng tới xây dựng hệ giá trị cốt lõi", Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Hiện nay, trong Khu CNC Hòa Lạc có khoảng 24.000 chuyên gia, cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên đang học tập và làm việc. Đã có một số dự án hạ tầng xã hội (trường học, nhà hàng, cửa hàng tiện ích...) đi vào hoạt động, một số dự án dịch vụ lưu trú và thương mại đang trong quá trình xây dựng.

Ông Lê Thanh Sơn - Phó trưởng ban Quản lý khu CNC cao Hòa Lạc cho biết đến nay khu có 109 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó, có 74 dự án đầu tư vào phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao: 33 dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử viễn thông; 19 dự án trong lĩnh vực tự động hóa; 13 dự án trong lĩnh vực vật liệu mới; 9 dự án trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Các nhà đầu tư đã nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển các công nghệ cao thuộc 55 nhóm công nghệ cao, 31 nhóm sản phẩm công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Trong số các dự án đầu tư ở khu, có một số công ty, tập đoàn trong nước hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông như FPT, Viettel, CMC… đã hình thành được chuỗi liên kết giữa đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao trong lĩnh vực phát triển phần mềm, trí tuệ thông minh; sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao có giá trị gia tăng cao, thay thế hàng nhập khẩu, có tính dẫn dắt, lan tỏa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tiêu biểu như rada cảnh giới biển ứng dụng công nghệ mạng thế hệ 5G (Viettel), cấu kiện động cơ máy bay, nanocucurmin,…

Đặc biệt, Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút các dự án sản xuất các sản phẩm CNC có giá trị gia tăng cao thay thế hàng nhập khẩu và tham gia thị trường thế giới.

UBND TP.Hà Nội đang chỉ đạo Ban Quản lý xây dựng định hướng phát triển Khu CNC Hòa Lạc 2030. Theo đó, đến năm 2025 hoàn thành cơ bản công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại. Đến năm 2030 đi vào hoạt động hoàn chỉnh, vận hành theo hướng thông minh, hiện đại.

Sau năm 2030, Khu CNC Hòa Lạc trở thành một thành phố khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo sinh thái và thông minh, có đầy đủ và toàn diện các chức năng theo mô hình "4 trong 1", tập trung đầu tư và phát triển theo chiều sâu, dần chuyển đổi các hoạt động sản xuất công nghiệp sang hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm, đào tạo, ươm tạo.

anh-10.8.jpg
Quy hoạch chung Khu CNC Hòa Lạc đến năm 2030

Khu CNC Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 1998 với tính chất là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế khu vực và cả nước với vai trò là cầu nối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các CNC mới; là điểm thử nghiệm, thí điểm rút kinh nghiệm cho việc đẩy mạnh phát triển các khu CNC trong cả nước; hiện được quy hoạch xây dựng trên diện tích 1.586ha, thuộc địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai, TP.Hà Nội, được chia thành 8 khu chức năng...

Bài liên quan
Cần đẩy mạnh hạ tầng, chăm chút cho Khu CNC Hòa Lạc để đón ‘đại bàng’
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, nếu coi Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc là một trong những “cái tổ lớn” để đón “đại bàng” - những nhà đầu tư lớn vào Hà Nội - thì phải đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, chăm chút cho Khu CNC Hòa Lạc để doanh nghiệp nhìn vào là muốn đến đầu tư ngay.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chưa được như kỳ vọng