Tình trạng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và căng thẳng thương mại với Mỹ không chỉ làm tổn thương người lao động lương thấp làm việc trong ngành xuất khẩu, mà nay còn ảnh hưởng đến lực lượng tốt nghiệp nhiều trường đại học danh tiếng.
Sắp phải kết thúc thời gian thực tập tại công ty tư vấn Hill & Knowlton Strategies (Bắc Kinh) vào tháng 3 tới, nhưng Wang Xiangtong - tốt nghiệp thạc sĩ tại đại học Glasgow của Scotland năm ngoáivẫn đánh giá bản thân may mắn khi có được trải nghiệm này. Hầu hết doanh nghiệp Trung Quốc mà anh nộp đơn xin việc đều không hề đáp lại.
“Mọi vị trí ứng tuyển đều phù hợp với những gì tôi đã học. Tôi cũng đáp ứng mô tả công việc họ đưa ra, nên nghĩ rằng ít nhất họ sẽ phúc đáp. Tuy nhiên, nhiều đơn vị trong số này còn chẳng hề trao cơ hội phỏng vấn”, Wang chia sẻ. Anh đánh giá hiện tại xin việc là “cuộc chiến đổ máu” vì ngày càng có nhiều người tốt nghiệp thạc sĩ.
Theo giới phân tích, đối tượng chịu thiệt hại từ tình trạng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc cùng căng thẳng thương mại với Mỹ không chỉ là người lao động lương thấp làm việc trong ngành xuất khẩu mà nay còn có lực lượng tốt nghiệp từ nhiều trường đại học danh tiếng.
Học viên cao học của một trường hàng đầu Bắc Kinh cho biết: “Tôi cảm thấy thị trường việc làm đang bị thu hẹp đối với đối tượng như tôi. Nhà tuyển dụng có vẻ hạn chế hoặc ngừng tuyển lao động”.
Norman Zhou, nhân viên cấp cao của công ty tư vấn Korn Ferry China, phân tích: “Khi kinh tế Trung Quốc trải qua quá trình chuyển đổi, đối mặt với áp lực tăng trưởng giảm thì các doanh nghiệp phải hoạt động trong môi trường bất ổn hơn, nên sẽ cẩn thận trong tuyển dụng lao động có bằng cấp hơn”.
Chính quyền đang quan tâm đến vấn đề này. Giới chức Bắc Kinh vào tháng 12.2018 vừa giới thiệu một số chính sách mới giúp lực lượng lao động từ trường đại học tìm được việc làm, ngăn chặn doanh nghiệp sa thải nhân viên.
Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng tại hai lĩnh vực tài chính và công ty công nghệ. Kiểm soát chặt chẽ thị trường tài chính khiến việc làm khó tìm hơn. Tiến hành khảo sát 40 đơn vị thường xuyên tuyển lao động từ đại học, công ty Nghiên cứu thị trường Trung Quốc (CMR) phát hiện hơn 80% không tăng số lượng nhân viên trong năm 2018, hơn 50% không mở rộng, trong đó ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ngoài ra, tài chính cùng công nghệ sau thời gian phát triển bùng nổ cũng đã đến lúc sụt giảm thì tiêu dùng yếu đi, theo nhà kinh tế học Charles Yue thuộc công ty đầu tư CICC. Ông nhận định lực lượng lao động từ đại học nói riêng lẫn thị trường lao động nói chung đang và sẽ phải chịu nhiều áp lực trong thời gian tới.
Cẩm Bình (theo Financial Times)