Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Kông dẫn các nguồn tin cho biết, Trưởng đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) sắp chính thức rút dự luật dẫn độ gây tranh cãi trong ngày hôm nay 4.9.
Quyết định này đồng nghĩa với việc chính phủ Hồng Kông đã đồng ý với một trong năm yêu cầu của những người biểu tình - những người đã xuống đường trong suốt 13 tuần qua không chỉ để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi phạm tới các khu vực tài phán mà Hồng Kông chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục, mà còn phản đối lãnh đạo thành phố. Một số cuộc biểu tình đã biến thành bạo động.
SCMPdẫn các nguồn tin giấu tên của chính quyền Hồng Kông cho biết, bà Lâm sẽ nhấn mạnh rằng việc rút dự luật nhằm hợp lý hóa chương trình nghị sự của cơ quan lập pháp trước khi Hội đồng Lập pháp Hồng Kông hoạt động trở lại vào tháng 10 sau kỳ nghỉ hè. Và đây có thể là thủ tục mang tính kỹ thuật.
Trước áp lực của các cuộc biểu tình, đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga hồi tháng 7 cũng đã tuyên bố dự luật dẫn độ gây tranh cãi “đã chết”, đồng thời thừa nhận chính quyền đã “thất bại hoàn toàn” trong tiến trình thông qua dự luật.
Tuy nhiên, những nhượng bộ do bà Lâm đưa ra dường như vẫn chưa đủ thuyết phục để làm dịu cơn giận dữ của những người biểu tình, vì không có yêu cầu chính nào của họ - bao gồm rút lại dự luật dẫn độ hoàn toàn; mở cuộc điều tra độc lập về hành động trấn áp của cảnh sát; ngừng mô tả các cuộc biểu tình là bạo loạn; không buộc tội những người bị bắt và nối lại cải cách chính trị, được đáp ứng. Họ cho rằng chừng nào dự luật còn nằm trong chương trình nghị sự lập pháp, nó vẫn sẽ có mọi cơ hội để được đem ra thảo luận trước khi Hội đồng Lập pháp hiện tại kết thúc nhiệm kỳ vào năm tới.
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn thạo tin hôm 30.8 cho biết, trưởng đặc khu Lâm đã từng đệ trình một báo cáo lên Văn phòng điều phối trung ương về các vấn đề Hồng Kông và Macao (HKMAO, trong đó đánh giá tình hình bất ổn ở Hồng Kông, đồng thời đề xuất việc chấp thuận một số yêu cầu từ người biểu tình và cho rằng việc này có thể xoa dịu khủng hoảng chính trị tại đây.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc sau đó đã không tán thànhđề xuất của bà, đồng thời yêu cầu bà không được phép nhượng bộ bất kỳ yêu cầu nào của người biểu tình tại thời điểm đó. Chính quyền đại lục cũng mong muốn bộ máy của bà Lâm chủ động hơn trong việc kiểm soát tình hình.
Hoàng Vũ (theo SCMP)