Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink ngày 26.4 cho biết muốn mở rộng hợp tác an ninh với Papua New Guinea, trong bối cảnh Washington lo ngại về động cơ của Trung Quốc khi ký thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon gần đó.
Tuần trước một phái đoàn Mỹ đã sang gặp Thủ tướng Papua New Guinea James Marape cùng Bộ trưởng Quốc phòng của đảo quốc. Hai bên có kế hoạch tổ chức thêm vài cuộc thảo luận về an ninh trong những tháng tới.
“Cả hai đều mong muốn sẽ có bước đi cụ thể để mở rộng hợp tác an ninh”, Trợ lý Kritenbrink nói với báo giới.
Vào ngày 22.4, Mỹ lên tiếng cảnh báo Thủ tướng Solomon Mannaseh Sogavare rằng Washington sẽ rất lo ngại và đáp trả tương ứng trước bất cứ động thái nhằm thiết lập hiện diện quân sự thường xuyên của Trung Quốc nào.
Quần đảo Solomon cùng Trung Quốc vừa ký một hiệp ước an ninh song phương – bước đi tạo điền kiện cho Trung Quốc triển khai lực lượng đến phía nam Thái Bình Dương.
Theo hiệp ước, tàu hải quân Trung Quốc được phép tiếp tế hậu cần, dừng chân hoặc quá cảnh tại Quần đảo Solomon. Ngoài ra Bắc Kinh cũng có thể triển khai “lực lượng thích hợp” để bảo vệ nhân viên cùng dự án của nước này ở Quần đảo Solomon.
Phía Quần đảo Solomon có thể yêu cầu Trung Quốc điều động cảnh sát vũ trang, binh sĩ của nước này đến đảo quốc Bình Dương thực hiện nhiệm vụ nhân đạo hoặc gìn giữ an ninh.
Dù Trung Quốc tuyên bố hiệp ước trên không đem lại rủi ro gì cho Mỹ, nhưng Mỹ cùng Úc, Nhật Bản và Đài Loan đều tỏ ý phản đối mạnh mẽ.
Trợ lý Kritenbrink - thành viên phái đoàn Mỹ công du Quần đảo Solomon, Papua New Guinea và Fiji tuần qua - cho biết Thủ tướng Sogavare cam kết hiệp ước ký với Trung Quốc chỉ tập trung vào các nhu cầu an ninh trong nước và không cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự. Tuy nhiên Washinton vẫn sẽ theo dõi chặt chẽ vì nghi ngờ sự thiếu minh bạch cũng như động cơ của Trung Quốc.
Nắm giữ vị trí chiến lược đối với các tuyến đường vận chuyển và thông tin liên lạc ở Thái Bình Dương, Quần đảo Solomon vài năm gần đây là nơi cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ - Úc.
Trung Quốc từng đề nghị giúp nâng cấp một căn cứ hải quân tại Papua New Guinea vào năm 2018, nhưng chính quyền đảo quốc cuối cùng lại lựa chọn Mỹ - Úc.