Hieupc từ Mỹ trở về Việt Nam sau khi chuyển từ mũ đen sang mũ trắng.
Báo Nikkei (Nhật) vừa có bài viết về Ngô Minh Hiếu (biệt danh Hieupc) và cho rằng anh là một trong những hacker giỏi nhất thế giới. Nội dung như sau:
Lần đầu gặp Ngô Minh Hiếu, từng là hacker tuổi teen khét tiếng sinh ra ở Gia Lai, lớn lên tại Cam Ranh và trở thành cái tên mà chính quyền Mỹ miêu tả là một trong những tên trộm danh tính đình đám nhất tại nhà tù liên bang, tôi nhớ về Leonardo DiCaprio ở bộ phim Catch Me If You Can (Hãy bắt tôi nếu có thể) năm 2002.
Cũng giống như nhân vật Frank Abagnale do Leonardo DiCaprio đóng, Hiếu đã thực hiện các vụ lừa đảo trên mạng nhiều năm trước khi bị bắt và hợp tác để giúp các đặc vụ Mỹ bắt nhiều hacker hơn. Thế nhưng giống với nhân vật Rami Malek trong Mr. Robot - bộ phim truyền hình nổi tiếng Mỹ, Hiếu đã trải qua thời thơ ấu trong một cửa hàng máy tính do người chú làm chủ để học những kỹ năng mà sau này anh sử dụng cho điều tồi tệ và tốt hơn.
Sau khi chấp hành xong bản án 7 năm tù giam (giảm từ 13 năm) vì bán hồ sơ 13.000 người trong hơn 200 triệu danh tính mà anh thu thập được bằng cách hack vào nhiều cơ sở dữ liệu thông tin người tiêu dùng khác nhau, Hiếu từ Mỹ trở về TP.HCM sống.
Hiếu đầu quân cho Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia (NCSC) thuộc Bộ Thông tin và truyền thông vào tháng 12.2020, có chuyến đi để nhận lỗi, giảng dạy về an ninh mạng cho sinh viên Việt Nam, các giám đốc điều hành và nhiều người vào thời gian rảnh rỗi.
Việt Nam có tỷ lệ máy tính bị nhiễm phần mềm độc hại cao rất cao.
Hiếu quyết tâm không quay trở lại con đường cũ, nhưng khi chia tay sau một cuộc phỏng vấn, chúng tôi đi ngang qua một cây ATM đang mở khi đang được bảo dưỡng.
“Có một sự cám dỗ ngay tại đó”, Hiếu nói và đọc được suy nghĩ của tôi. Thật khó để biết anh có đang nói đùa hay không.
Tuy nhiên, những tội của Hiếu trước đây ở Mỹ đều thực hiện trên mạng. Bằng cách xâm nhập vào cơ sở dữ liệu riêng tư bao gồm số An sinh xã hội và địa chỉ cá nhân, Hiếu đã có thể bán thông tin cho các mạng lưới tội phạm.
Vào thời điểm Hiếu bị Mật vụ Mỹ (thuộc FBI) bắt giữ vào năm 2013, các nhà chức trách ước tính rằng anh đã kiếm được khoảng 2 triệu USD, số tiền mà anh sử dụng để mua những chiếc ô tô thể thao chạy đường phố hoặc trải qua những chuyến du lịch nước ngoài, gồm cả Malaysia và Thái Lan.
"Tôi là một người ích kỷ. Ngày trước, tôi mê những thứ xa xỉ. Điều đó thật vô nghĩa. Bây giờ tôi nói với mẹ, nếu tôi có thể ăn ba bữa một ngày thì tốt hơn là đồ ăn trong tù", Hiếu (hiện 31 tuổi) nói.
Tại thời điểm bị bắt ở Mỹ, Hiếu nghĩ rằng tội trộm cắp danh tính rằng không tồi tệ như những việc khác mà anh đã làm như bán dữ liệu thẻ tín dụng. Bây giờ, Hiếu muốn nhấn mạnh rằng anh hiểu hành vi trộm cắp danh tính có thể gây tổn hại như thế nào.
Theo FBI, sử dụng dữ liệu bị đánh cắp bởi Hiếu, những hacker đã nộp 65 triệu USD tiền khai thuế giả ở Mỹ.
“Tôi không biết tội phạm mạng nào khác đã gây ra thiệt hại về tài chính cho nhiều người Mỹ hơn Ngô [Hiếu]”, Mật vụ Matt O'Neill nói với KrebsOnSecurity, blog mạng cho biết các bài viết của họ đã cảnh báo Matt O'Neill về các hoạt động hack từ Hiếu.
Đổi chiếc mũ đen lấy mũ trắng, Hiếu giúp chính phủ Mỹ truy tìm tội phạm mạng. Hiếu đưa ra lời khai về chuyên môn và lời khuyên cho các sĩ quan đóng giả mình trong một chuỗi các vụ theo dấu trên mạng góp phần bắt được 20 hacker. Hiếu đã sử dụng các phương pháp tương tự khi anh bị Mật vụ Mỹ bắt: Giao dịch tin nhắn trực tuyến với hacker... nhưng thực chất là cảnh sát.
Bị một người mà anh nghĩ là hacker khác dụ đến lãnh thổ Guam thuộc Thái Bình Dương của Mỹ, Hiếu bị triệu tập đến phòng điều tra sân bay ngay sau khi máy bay hạ cánh.
“Tôi như phát điên lên, mất hết cảm giác, tôi như không còn hồn. Đó là một nhà tù thực sự”, anh Hiếu nói và cho biết thêm rằng vẫn còn ớn lạnh khi nhớ lại 2 tháng bị giam giữ ở Guam, nơi anh ngủ trên sàn nhà mà không một cây bàn chải đánh răng.
Cuối cùng, Hiếu được đưa đến đất liền Mỹ, nơi anh bị kết tội và kết án. Hiếu dành thời gian học origami, trị liệu nhóm, gọi FaceTime về Việt Nam và giúp đỡ các quan chức thực thi pháp luật. Anh từng bị cùm cổ tay và cổ chân đến 15 nhà tù khác nhau trên cả nước, thường xuyên mặc "quần áo như tờ giấy" giữa trời lạnh.
"Bạn cảm thấy cuộc sống của mình vô giá trị, bạn cảm thấy như mình là một con vật", Hiếu thổ lộ.
“Chính quyền Mỹ muốn tôi sử dụng đầu óc tội phạm để bắt tội phạm", Hiếu chia sẻ. Công việc hiện tại của Hiếu ở Việt Nam là quét web đen để tìm các mối đe dọa và đào tạo về an ninh.
Hiếu cho biết anh nhận công việc mới với điều kiện: “Tôi đã nói thẳng với họ rằng tôi muốn giúp đỡ cộng đồng. Phần còn lại tôi không biết".
Giúp đỡ nghĩa là gì? Hiếu trả lời bằng cách rút hai chiếc điện thoại. Một là điện thoại phổ thông Philips, chỉ được sử dụng cho các cuộc gọi thoại. "Nó không thông minh nhưng bảo vệ tôi", Hiếu nói.
Chiếc còn lại là smartphone Huawei được trang bị một ứng dụng do Hiếu phát triển có tên Chong Lua Dao (hay Fight Scams). Ngoài giờ làm việc, Hiếu sử dụng ứng dụng, trang Facebook có 200.000 follow hoặc thậm chí qua các bài phát biểu tại các trường đại học và hội nghị để đưa ra lời khuyên mọi người giữa cho máy tính và mạng an toàn, được cập nhật để hacker khó có thể truy cập hay kiểm soát.
Là một trong sáu nền kinh tế lớn của Đông Nam Á vào năm 2020, Việt Nam đã có bước nhảy vọt lớn nhất về khách hàng kỹ thuật số lần đầu tiên theo báo cáo của Google, Temasek và Bain. Điều đó bao gồm nhiều người dùng internet mới chưa quen với việc họ có thể dễ dàng bị nhắm làm mục tiêu trực tuyến. Với tổng dân số 100 triệu người, đó không phải là đối tượng tồi cho những người đưa ra lời khuyên an toàn trực tuyến.
Sau khi lớn lên giữa những cánh đồng lúa mì gần Vịnh Cam Ranh, Hiếu đã chọn TP.HCM để tái sử dụng kỹ năng máy tính của một thanh niên lầm lỡ.
"Tôi lẽ ra có thể làm rất nhiều thứ, sử dụng các kỹ năng của mình, thay vì đuổi theo con đường ma quỷ", Hiếu nói.
Hiếu cho hay “con quỷ làm mù anh là tiền”, vung lòng bàn tay trái qua mắt để minh chứng. Hiếu cho biết đang thực hiện một cuốn hồi ký và nhận được lời đề nghị từ một hãng phim trong nước muốn mua bản quyền phim truyện của anh.