Lực lượng KH-CN cần trang bị đủ năng lực và tiềm ực để đón đầu các xu hướng mới, giải quyết các vấn đề mới đặt ra trong thực tiễn…

Bộ trưởng Bộ KH-CN: ‘Lực lượng KH-CN cần trang bị đủ năng lực, tiềm lực đón đầu xu hướng mới’

Thu Anh | 18/05/2021, 08:45

Lực lượng KH-CN cần trang bị đủ năng lực và tiềm ực để đón đầu các xu hướng mới, giải quyết các vấn đề mới đặt ra trong thực tiễn…

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt nhân Ngày KH-CN Việt Nam (18.5).

KH-CN, đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, trong những năm qua, lực lượng KH-CN đã không ngừng nỗ lực sáng tạo, cống hiến trí tuệ, nhiệt huyết và tâm sức để đưa nền KH-CN nước nhà phát triển, đóng góp cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Trong định hướng phát triến đất nước 10 năm (2021 – 2030) và tầm nhìn đến năm 2045, KH-CN và đổi mới sáng tạo được Đảng và Chính phủ Việt Nam xác định như một đột phá chiến lược, là động lực chính góp phần đưa Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

bt-bo-khcn-huynh-thanh-dat.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt 

GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết KH-CN và đổi mới sáng tạo đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp, đưa nước ta trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản. Nhiều nông sản Việt Nam đã có mặt trên các thị trường khó tính,  đòi hỏi chất lượng cao, nâng cao đời sống nông dân và làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất.

Điển hình nhất, KH-CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu GII theo WIPO tăng 17 bậc; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế đạt 45,7%, tăng đáng kể so với mức 33,6% của giai đoạn 2011 - 2015; Tăng năng suất lao động đạt 5,9%/năm, cũng cao hơn so với mức tăng bình quân 4,3%/năm của giai đoạn trước.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN, trong bối cảnh mới với các diễn biến phức tạp, khó đoán định của thế giới hiện đại và sự thay đổi chưa từng có tiền lệ trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp mới và đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, đòi hỏi chúng ta phải luôn chủ động, sáng tạo và linh hoạt để ứng phó kịp thời.

“Lực lượng KH-CN cần trang bị đủ năng lực và tiềm lực để đón đầu các xu hướng mới, giải quyết các vấn đề mới đặt ra trong thực tiễn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ và đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội, tạo xung lực cho đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững”, Bộ trưởng Bộ KH-CN nhấn mạnh.

Để làm được điều này, Bộ trưởng nêu rõ, bên cạnh sự chung tay của toàn xã hội, cần sự quyết tâm, nỗ lực hơn nữa của lực lượng KH-CN. Với vai trò đầu mối quản lý hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo, Bộ KH-CN sẽ tiếp tục tham mưu với Chính phủ tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn Ngày KH-CN Việt Nam (18.5) phải trở thành hoạt động thường niên có ý nghĩa của các Viện, Trường, doanh nghiệp; lan tỏa tới cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ tình yêu khoa học, khát vọng sáng tạo.

"Các cán bộ KH-CN cần kiên trì theo đuổi giấc mơ lớn và niềm đam mê khoa học; vượt lên khó khăn, thách thức để tạo ra nhiều thành quả KH-CN thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân, xã hội, đóng góp cho kho tàng tri thức của nhân loại", Bộ trưởng chia sẻ.

thieu-tuong-gs-ts-ngdn-nguyen-lac-hong-pgd-hvktqs.jpg
GS.TS.NGND Nguyễn Lạc Hồng - Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự

Mong muốn nhiều hơn những cơ chế, chính sách phù hợp

Đối với Học viện Kỹ thuật quân sự, GS.TS.NGND Nguyễn Lạc Hồng – Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện rất hùng hậu, được đào tạo tương đối bài bản, có nhiệt huyết. Trong giai đoạn vừa qua, với trí tuệ của mình đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều sản phẩm, phục vụ kinh tế quốc dân cũng như lĩnh vực khoa học quân sự.

“Chúng tôi, những người lính, những nhà khoa học quân đội sẽ đem hết tâm huyết của mình để nghiên cứu, phục vụ cho việc phát triển lĩnh vực KH-CN nước nhà tốt hơn”, GS.TS, Nguyễn Lạc Hồng nhấn mạnh.

Thời gian qua, lĩnh vực KH-CN nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Theo GS.TSKH. Phạm Hoàng Hiệp – Viện Toán học, Viện Hàn Lâm KH-CN Việt Nam, Đảng và Nhà nước trong những năm qua đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà nghiên cứu khoa học. Kinh phí đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học thông qua các quỹ đầu tư phát triển khoa học cũng đã được quan tâm và tăng lên theo thời gian.

Cụ thể, đối với Trung tâm nghiên cứu và đào tạo toán học dưới sự bảo trợ của UNESCO, hàng năm đều được sự quan tâm của Nhà nước về kinh phí và cơ chế tổ chức. Ngày 12.5.2021, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện giữa Việt Nam và Tổ chức giáo dục khoa học và văn hoá của Liên hiệp quốc về thành lập trung tâm nghiên cứu và đào tạo toán học quốc tế dưới sự bảo trợ của UNESCO tại Hà Nội.

Chia sẻ xoay quanh Ngày KH-CN Việt Nam, các nhà khoa học đều tin tưởng rằng ngành KH-CN sẽ có những cơ chế chính sách phù hợp, thực sự đột phá để sử dụng một cách hiệu quả nguồn nhân lực KH-CN quốc gia.

“Mong muốn của tôi cũng như nhiều anh em đang làm việc trong các doanh nghiệp là Nhà nước cần nhiều hơn các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc ứng dụng các thành tựu và kết quả của KH-CN vào việc phát triển sản phẩm cũng như phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp KH-CN”, TS. Đỗ Tuấn Đạt – Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) chia sẻ.

Bài liên quan
Linh hoạt gắn kết, tăng cường hợp tác phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo
Trong thời gian qua, nhiều chương trình hợp tác phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo đã được triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Bộ KH-CN: ‘Lực lượng KH-CN cần trang bị đủ năng lực, tiềm lực đón đầu xu hướng mới’