Hãng tin AP cho biết lượng ngũ cốc xuất khỏi Ukraine sụt giảm ngay cả khi có thỏa thuận xuất khẩu do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Lúc cuộc chiến chuẩn bị chạm mốc 1 năm, số tàu được kiểm tra để chở hàng giảm đến một nửa so với 4 tháng trước và số tàu chờ ngày càng tăng.
Mùa hè năm ngoái, nhờ Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc cùng nhiều nông sản khác qua Biển Đen - diễn biến giúp giải quyết khủng hoảng lương thực cũng như làm hạ nhiệt giá cả toàn cầu.
Nhưng Trung tâm Điều phối chung (JCC) tại Istanbul ghi nhận lượng ngũ cốc xuất từ 3 cảng của Ukraine giảm từ 3,7 triệu tấn tháng 12.2022 xuống 3 triệu tấn tháng 1.2023. JCC là nơi đoàn kiểm tra có đầy đủ đại diện Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hợp Quốc, Nga, Ukraine kiểm tra tàu hàng nhằm đảm bảo chúng chỉ chở nông sản và không mang vũ khí.
Lượng sụt giảm tương đương mức tiêu thụ 1 tháng của Kenya và Somalia cộng lại. Số tàu được kiểm tra trung bình mỗi ngày giảm từ 10,6 tháng 10.2022 xuống 5,7 tháng 1.2023, đến tháng này là 6 - dẫn đến tình trạng số tàu chờ ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ hiện lên đến 152 chiếc (tăng 50% so với tháng 1).
Đại diện Ukraine tham gia JCC Ruslan Sakhautdinov cho biết thời gian trung bình từ lúc đăng ký chở hàng cho đến lúc được kiểm tra tăng lên 28 ngày - dài hơn tháng trước đến 1 tuần.
Loạt yếu tố như thời tiết xấu ảnh hưởng công tác kiểm tra, nhu cầu vận chuyển lớn, hoạt động của cảng, sức chứa của tàu ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển.
Nhà phân tích William Osnato (công ty dữ liệu nông nghiệp Gro Intelligence) cảnh báo: “Tôi nghĩ chuyện này sẽ trở thành vấn đề nếu công tác kiểm tra tiếp tục chậm như vậy. Bạn sẽ nhận ra trong 1 - 2 tháng có đến vài triệu tấn hàng không thể xuất khẩu”.
Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power cùng Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield đổ lỗi Nga làm đình trệ. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cùng Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov cáo buộc nhân sự Nga cố ý khiến công tác kiểm tra chậm trễ suốt nhiều tháng, tận dụng cơ hội để thúc đẩy vận chuyển qua các cảng biển Nga trên Biển Đen.
Nhà phân tích Osnato cũng nghĩ tới khả năng Nga làm chậm công tác kiểm tra hòng thu hút doanh nghiệp mua lúa mì nước này. Dữ liệu Refinitiv cho thấy xuất khẩu lúa mì của Nga vào tháng trước tăng hơn gấp đôi lên 3,8 triệu tấn.
Phát ngôn viên phái đoàn Nga tại các tổ chức Liên Hợp Quốc Alexander Pchelyakov đã lên tiếng phủ nhận. Phía Moscow cũng phàn nàn phân bón của nước này không được xuất khẩu theo thỏa thuận và dọa không gia hạn.