Báo The Wall Street Journal (WSJ) đưa tin chính phủ Malaysia tính phạt đòn roi kẻ tiết lộ bí mật quốc gia, một đề nghị gây lo ngại trong xã hội.

Malaysia tính phạt đòn roi kẻ tiết lộ bí mật quốc gia

Một Thế Giới | 24/03/2016, 15:42

Báo The Wall Street Journal (WSJ) đưa tin chính phủ Malaysia tính phạt đòn roi kẻ tiết lộ bí mật quốc gia, một đề nghị gây lo ngại trong xã hội.

Theo WSJ, chính phủ Thủ tướng Malaysia Najib Rajak đang cố gắng chống đỡ vụ tai tiếng tham nhũng ở Quỹ phát triển Malaysia (1MDB).
Thủ tướng Najib hiện chịu sức ép chính trị mãnh liệt kể từ khi báo WSJ đưa tin vào năm ngoái về việc các nhà điều tra chính phủ phát hiện hàng trăm triệu USD được chuyển vào các tài khoản ngân hàng của ông Najib, thông qua các ngân hàng, công ty và các cá nhân liên quan 1MDB. Cuộc điều tra không nêu nguồn gốc số tiền hoặc không giải thích điều gì đã xảy ra với số tiền này.

Ông Najib, 62 tuổi, khẳng định không làm gì sai phạm và phủ nhận đã bỏ túi 681 triệu USD. 1MDB cũng bác bỏ mọi cáo buộc và nói rằng không chuyển tiền vào tài khoản của ông Najib. Họ nói đang hợp tác với cuộc điều tra.

Năm 2016, Chưởng lý Mohamed Apandi Ali đã tuyên bố rằng tiền chuyển vào tài khoản của ông Najib là “quà” của hoàng tộc Ả Rập Saudi chứ không phải của 1MDB. Và đa phần số tiền tặng này đã được trả lại.
Nhà báo giấu nguồn tin cũng có thể bị đánh roi
Vài tháng qua, chính phủ Malaysia thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế sự tìm kiếm thông tin về 1MDB. Nay, chính phủ Malaysia tính quất roi kẻ tiết lộ bí mật quốc gia. Chưởng lý Apandi là người đề xuất hình phạt này. Ông nói rằng kẻ có hành động tiết lộ bí mật quốc gia là vi phạm Luật bí mật quốc gia của Malaysia.

Theo luật này, các quan chức có thể tuyên bố bất kỳ tài liệu hoặc thông tin nào là bí mật quốc gia, cần hạn chế tiếp cận hoặc đóng dấu mật. Chính phủ giải thích họ nghi ngờ các tài liệu bí mật liên quan vụ Quỹ đầu tư 1MDB đã bị “rò rỉ”.

Chưởng lý Apandi muốn nâng mức phạt sự vi phạm luật trên lên mức tù chung thân, thay vì mức án hiện nay là từ 1 đến 7 năm tù. Ông cũng đề nghị áp dụng luật này với các nhà báo và biên tập viên từ chối tiết lộ nguồn tin của họ.

Hồi tháng trước, Chưởng lý Apandi từng giải thích về đề xuất của ông với nhật báo Sin Chew: “Ở một số nước, làm lộ bí mật quốc gia là tội nghiêm trọng. Ví dụ ở Trung Quốc, kẻ vi phạm có thể bị tuyên án tử hình”. Ông nói thêm: “Chúng tôi có thể truy tố nhà báo từ chối khai báo nguồn tin của họ”.
Bất kỳ sự thay đổi nào về Luật bí mật quốc gia đòi hỏi phải có sự phê duyệt của Quốc hội Malaysia. Từ ngày 27.3, Quốc hội nước này sẽ bắt đầu một giai đoạn ngắn để xem xét các luật mới hoặc các đề xuất sửa đổi luật.  
Đề xuất đánh roi kẻ tiết lộ bí mật quốc gia (như hình phạt phụ) của vị chưởng lý thu hút sự quan tâm của dư luận Malaysia. Nghị sĩ Wong Chen thuộc phe đối lập tuyên bố việc đánh đòn người tiết lộ bí mật quốc gia là “quá nặng tay, không khác gì thời hung nô”.
Một số người nói đề xuất của vị chưởng lý khiến xã hội Malaysia “rùng mình”, và ngay chính Luật bí mật quốc gia hiện nay cũng đã bị phản đối vì làm giảm sự minh bạch trong các hoạt động của chính phủ.

Jahabar Sadiq, cựu biên tập viên của trang tin điện tử Malaysia Insider (đã bị chính phủ Malaysia buộc giải tán) nói: “Đây là một ngày buồn khi chúng tôi trở thành kẻ thù cần bị trừng phạt vì muốn bảo vệ sự trong sạch và tinh thần trách nhiệm của chính phủ”.

Shamini Darshni, lãnh đạo của tổ chức Nhân quyền Malaysia nói: “Đề xuất tù chung thân và 10 roi phạt đưa vào Luật bí mật quốc gia là một đường hướng đáng lo ngại của một luật mang tính đàn áp nhằm triệt hạ sự tự do dân sự ở Malaysia”.  
Chinh phu Malaysia tinh quat  roi ke tiet lo bi mat quoc gia-hinh-anh-1
Một tù nhân bị quản giáo nhà tù Kajang đánh bằng roi mây
Tiếng roi mây rít lên, rồi cơn đau ập xuống...
Hình phạt đánh bằng roi được chính quyền Anh đô hộ Malaysia áp dụng hồi thế kỷ 19 và tiếp tục vận dụng sau khi Malaysia giành độc lập năm 1957. Malaysia đã áp dụng hình phạt đánh đòn hàng ngàn người/năm, là những người phạm các tội hình sự như hiếp dâm, buôn lậu ma túy, trộm cắp và tàng trữ vũ khí.
Các tổ chức nhân quyền đã phản đối việc dùng roi mây đánh đòn tù nhân là phi nhân đạo. Chính phủ Malaysia giải thích đó là cách để giảm sự tái phạm tội hình sự, nhưng không cung cấp thống kê để biện hộ cho sự giải thích này.

Năm 2009, Low Siew Meng bị đánh 20 roi khi ông gần mãn án 7 năm tù vì tội tàng trữ ma túy. Gần đây, Low kể lại chuyện quản ngục ở nhà tù Kajang (gần thủ đô) trói tay, chân ông vào một khung gỗ chữ A, rồi vụt roi vào mông ông.

Low kể ông nghe tiếng roi mây rít trong không khí, rồi cú roi giáng xuống như xé thịt ở phần mông: “Tôi bị siết vào khung gỗ chặt đến độ hai tuần sau tôi không thể giơ cánh tay phải lên, và không thể ngồi suốt 3 tháng. Ngày nay, các vết thương đã lành nhưng vết sẹo vẫn còn y nguyên".

Bảo Vĩnh (theo The Wall Street Journal)

Bài liên quan
Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ sẽ không cho công chức liên bang làm việc từ xa
Đài CNN cho biết Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk cùng doanh nhân Vivek Ramaswamy lãnh đạo dự kiến thúc đẩy chấm dứt hình thức làm việc từ xa với tất cả cơ quan liên bang nhằm cắt giảm công chức.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Malaysia tính phạt đòn roi kẻ tiết lộ bí mật quốc gia