Trong quan niệm của người Việt, Táo Quân là thần định đoạt sự cát hung, phúc đức cho gia đình, thế nên, dù bận rộn thế nào thì các gia đình Việt đều nên dành thời gian để làm lễ cúng cho đủ đầy vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm.
>>Cúng ông Táo 23 tháng Chạp, khấn như thế nào mới đúng
Tập tục cúng đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp là phong tục được lưu truyền từ xưa đến nay. Theo truyền thuyết, vào ngày này ông Táo sẽ cưỡi cá chép bay về trời để bẩm báo những điều tốt, xấu của gia đình trong suốt năm qua với Ngọc Hoàng. Vào đêm 30 Tết, Táo quân mới trở lại trần gian, tiếp tục công việc cai quản chuyện bếp núc của các gia đình.
Chính vì vậy, đây cũng là lễ cúng quan trọng trong năm. Tuy nhiên, không phải ai cũng quan niệm và biết cách cúng đúng.
Chia sẻ trên một số tờ báo mạng, chuyên gia phong thủy Phạm Cương cho hay, trong lễ cúng ông Công ông Táo nếu nhà ai có bàn thờ Táo quân, thường đặt ở bếp thì cúng ở đây. Còn nếu không thì thắp ở bàn thờ thần linh hoặc gia tiên chứ không thắp qua loa ở bếp, bởi xưa nay, bàn thờ luôn được coi là ăng ten để giao tiếp giữa hai thế giới âm – dương.
Lễ cúng ông Công ông Táo thường được thực hiện vào trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, có một số gia đình bận bịu có thể cúng trước đó, vào ngày 22 tháng Chạp. Theo một số nhà phong thủy thì tốt nhất là nên cúng trước 12g ngày 23 tháng Chạp để kịp đưa ông Táo lên trời, nếu trễ quá họ sẽ không nhận được lễ vật thành tâm của gia chủ.
Để chuẩn bị cho ông Táo lên trời, thời xưa các gia đình sẽ đốt vàng mã, mũ áo, hia và phóng sinh một con cá chép để làm “ngựa” cho ông Táo cưỡi. Người ta tin rằng, cá chép sau khi phóng sinh sẽ hóa rồng, là “phương tiện” để đưa ông Công lên trời.
Về cỗ cúng ông Táo, gia chủ có thể lễ chay hay mặn đều được. Lễ chay thì gồm có giấy vàng, giấy bạc, tờ tiền, cau trầu, nước, bánh kẹo, hoa quả. Nếu gia chủ muốn cúng lễ mặn thì có thể cúng giò chả, chân giò, xôi và một số món ăn khác. Tuy nhiên có một số loại thịt người như vVịt, chim, ngỗng, trâu, bò, dê, chó.. kiêng kỵ cúng. Nói chung cỗ đem cúng phổ biến là làm từ thịt lợn, thịt gà.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ mâm lễ cúng và vàng mã, gia chủ bắt đầu nghi lễ thắp nhang cúng. Lưu ý là mỗi bát hương chỉ nên cắm 1 hoặc 3 nén nhang là đủ, không nên cắm quá nhiều, cái quan trọng là sự thành tâm của người cúng. Khi nhang cháy đến khoảng 2/3 hoặc nhang tàn thì mang giấy tiền vàng mã ra đốt, rồi đổ vào đống tro đó 3 chén rượu và đưa cá chép đi thả hoặc đốt.
Minh An