Các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam không lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng với mặt hàng tương tự của Đài Loan (Trung Quốc).

Mỹ kết luận ống thép Việt Nam không lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại

Tuyết Nhung | 11/08/2023, 20:25

Các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam không lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng với mặt hàng tương tự của Đài Loan (Trung Quốc).

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) ngày 11.8 cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra sản phẩm ống thép hàn carbon và ống thép hàn không hợp kim dạng tròn nhập khẩu từ Việt Nam có lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp dụng với Đài Loan (Trung Quốc) hay không.

ong-thep.jpg
Mỹ kết luận ống thép từ Việt Nam không lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại - Ảnh: Internet

Theo đó, DOC kết luận các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam không lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng với mặt hàng tương tự của Đài Loan (Trung Quốc) do không sử dụng thép cán nóng (HRS) có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc).

Đối với các sản phẩm ống thép khác cùng bị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (khởi xướng ngày 29.7.2022), ngày 20.7.2023, DOC thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng đến ngày 2.11.2023 (thay vì ngày 4.8.2023 như thông báo trước đây).

Trước đó, ngày 6.4.2023, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ của các vụ việc trên, cho rằng có hiện tượng các doanh nghiệp Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ.

Tuy nhiên, DOC cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam tham gia cơ chế tự xác nhận không sử dụng nguyên liệu thép cán nóng (HRS) có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ để được miễn áp dụng biện pháp.

Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá ống thép dạng vuông/chữ nhật và ống thép carbon dạng tròn có đường hàn, nhập từ Trung Quốc với mức lần lượt là hơn 69-86% và 249-265%; áp thuế chống trợ cấp là 30-616% và 2,2-201% từ năm 2008. Với Hàn Quốc, mức thuế chống bán phá giá ống thép carbon dạng tròn được Mỹ áp là 4,91-11,63% từ 1992.

Bộ Công Thương cũng lưu ý về số vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại tăng nhanh. Tính đến hết năm 2022, đã có 226 vụ việc hàng Việt Nam liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại. Riêng trong năm 2022, có 17 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên vụ việc đang điều tra hoặc rà soát.

Mỹ là một trong những quốc gia thường xuyên sử dụng "đòn thương mại" này. Tính đến hết tháng 6.2022, Mỹ đã điều tra tổng cộng 1.177 vụ việc và áp dụng 832 biện pháp phòng vệ thương mại. Mỹ đã điều tra 53 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, chiếm khoảng 25% tổng số vụ việc nước ngoài điều tra với hàng Việt.

Trong năm 2022, Mỹ đã khởi xướng điều tra mới 12 vụ việc, trong đó chủ yếu là điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. Các mặt hàng bị điều tra gồm các sản phẩm thép, tủ gỗ, pin năng lượng mặt trời, ghim dập... Ngoài ra, Mỹ cũng tiến hành rà soát một số biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng trước đó, như rà soát hành chính thuế chống trợ cấp với lốp xe, rà soát hành chính thuế chống bán phá giá với cá tra, basa.

Bộ Công Thương nhìn nhận việc bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chân chính Việt Nam. Đồng thời, điều này cũng làm giảm sức cạnh tranh của cả nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ.

Do vậy, cùng với việc cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần thận trọng, tuân theo các quy định của thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro.

Bài liên quan
Xử phạt 55 triệu đồng với cơ sở kinh doanh hàng giả ống thép Hòa Phát tại Vĩnh Phúc
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 55 triệu đồng đối với Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Nam Sơn Thịnh (Vĩnh Phúc) vì kinh doanh ống thép hộp giả mạo nhãn hiệu Hòa Phát và một nhãn hiệu khác đã được bảo hộ tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ kết luận ống thép Việt Nam không lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại