Trong 7 tháng đầu năm nay, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất của hàng hóa Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 52,4 tỉ USD.

Mỹ là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, kỳ vọng kim ngạch vượt mốc 100 tỉ USD

Tuyết Nhung | 30/07/2023, 13:20

Trong 7 tháng đầu năm nay, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất của hàng hóa Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 52,4 tỉ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 57,21 tỉ USD, tăng 2,5% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

xk-sang-my.jpeg
Ảnh: Internet

Tính chung 7 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 374,23 tỉ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,6%, nhập khẩu giảm 17,1%.

Việt Nam xuất siêu 15,23 tỉ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,34 tỉ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,58 tỉ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,81 tỉ USD. Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai thị trường xuất nhập khẩu hàng đầu.

Trong quý 1/2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ giảm sâu. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý 1, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 20,764 tỉ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ, chiếm 54,2% tổng mức giảm của cả nước. Nhập khẩu từ Mỹ đạt 3,023 tỉ USD, giảm 12,1% (thấp hơn tốc độ giảm của cả nước).

Do tốc độ giảm và mức giảm của xuất khẩu lớn hơn của nhập khẩu, nên xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ cũng bị giảm sâu so với cùng kỳ năm trước (17,741 tỉ USD so với 22,823 tỉ USD, giảm 5,082 tỉ USD). Mặc dù mức xuất siêu với Mỹ vẫn còn lớn hơn nhiều lần tổng mức xuất siêu của cả nước (gấp gần 3,7 lần), nhưng việc xuất siêu vào Mỹ bị sụt giảm lớn sẽ làm cho tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tổng xuất siêu của cả nước sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Về mặt hàng, trong tổng 34 mặt hàng xuất khẩu lớn (từ 10 triệu USD trở lên) có tới 29 mặt hàng bị giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm sâu (trên 100 triệu) có 10 mặt hàng. Mức giảm lớn nhất là dệt may (1,324 tỉ USD), tiếp đến là gỗ và sản phẩm gỗ (1,016 tỉ USD); giày dép (832,2 triệu USD); điện thoại (630,8 triệu USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (521,8 triệu USD); thủy sản 290,7 triệu USD); sắt thép (156,3 triệu USD); sản phẩm từ chất dẻo (137,2 triệu USD); túi xách, ví, va li, mũ, ô dù (120,3 triệu USD); phương tiện vận tải (102,8 triệu USD).

Bối cảnh có nhiều yếu tố bất lợi trong những năm gần đây đang khiến Việt Nam mất dần vị thế tại các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, trước các nước khác có lợi thế nguồn cung và giá thành sản xuất thấp, giá bán cạnh tranh hơn như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia... Điển hình là sản phẩm tôm - mặt hàng chiến lược của ngành thủy sản Việt Nam, ngày càng sụt giảm thị phần tại Mỹ khi những thị trường này tràn ngập tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ.

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, nhiều báo cáo, phân tích chỉ ra, nền kinh tế Mỹ suy thoái trong năm 2023, tuy nhiên sự suy giảm này sẽ tương đối nhẹ và ngắn, tăng trưởng sẽ phục hồi vào năm 2024 khi lạm phát tiếp tục giảm và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong năm 2023, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ dự báo hoàn toàn có thể kỳ vọng kim ngạch thương mại hai chiều giữa 2 nước tiếp tục vượt mốc 100 tỉ USD. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần tích cực tìm kiếm bạn hàng, duy trì các mối khách cũ, tận dụng mọi cơ hội để khôi phục xuất khẩu sang thị trường quan trọng bậc nhất này.

Các chuyên gia thương mại khuyến cáo Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu trọng tâm của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, mặc dù là thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng nhưng Mỹ lại là thị trường vô cùng khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải nâng cao năng lực, chủ động hợp tác để xây dựng chuỗi cung ứng mới có thể thành công khi xuất khẩu.

Bên cạnh đó, một số ngành hàng như thủy-hải sản, nông sản thực phẩm, các quy định, quy chuẩn khắt khe đối sản phẩm nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, giảm lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, về lâu dài đây lại là yếu tố thúc đẩy phát triển bền vững nếu biết chủ động thích nghi, kiên trì giữ thị trường, thực hiện nghiêm các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bộ Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau phối hợp xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, qua đó mang lại nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình này.

Bài liên quan
Nỗi lo của người Mỹ: Rừng già sẽ trở thành nguồn phát thải khí carbon
Một báo cáo mới của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết các khu rừng của nước này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu, thay vì giảm bớt, bởi chúng sẽ thải khí carbon nhiều hơn là hấp thụ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, kỳ vọng kim ngạch vượt mốc 100 tỉ USD