Người trẻ vung tiền mua sắm có thể sẽ không còn đóng vai trò động lực tiêu dùng chính ở Trung Quốc nữa, thay vào đó là thế hệ mới về hưu sẵn sàng mở hầu bao hơn.
Giáo sư Phàn Cương thuộc đại học Bắc Kinh - người từng 3 lần được bổ nhiệm vào Ủy ban Chính sách tiền tệ thuộc ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) - xem thế hệ mới về hưu là đối tượng dân số giàu có bị lãng quên có thể cung cấp sức phát triển cho kinh tế.
Tuổi nghỉ hưu trung bình của Trung Quốc là khoảng 54. Ở doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực công, tuổi nghỉ hưu theo quy định là 60 với nam và 55 với nữ. Với nữ công nhân là 50 tuổi.
Không giống thế hệ trước, thế hệ mới về hưu ngày nay dư dả để tiêu dùng nhiều hơn. Giáo sư Phàn chỉ ra: “Họ đi du lịch, họ ăn tối sang trọng và có những kỳ nghỉ”.
Về phần dân số trẻ, nhà phân tích Manu Bhaskaran thuộc tổ chức phân tích Centennial Asia Advisors cho biết nhóm đối tượng này hiện tại ít chịu chi tiêu hơn trong khi đang tìm cách chống lại chủ nghĩa vật chất cùng văn hóa làm việc vắt kiệt sức lực.
Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cũng nhận định thay đổi nhân khẩu học sẽ định hình tiêu dùng ở Trung Quốc 10 năm tới, trọng tâm có khả năng chuyển từ “tiêu dùng trẻ” sang “nhu cầu gia đình và kế hoạch nghỉ hưu”.
Theo báo cáo Morgan Stanley công bố vào tháng 1, nhóm dân số Trung Quốc trên 55 tuổi đến năm 2030 ước tính đạt 123,9 triệu – tương đương dân số Nhật Bản. Ngược lại nhóm dân số 20 - 54 tuổi ước tính giảm 63,5 triệu người.
Chính phủ Trung Quốc dự báo đến năm 2033, nước này có 400 triệu người từ 60 tuổi trở lên.
Sự chuyển hướng quan trọng
Người về hưu chiếm tỷ lệ ngày một lớn trong thị trường tiêu dùng Trung Quốc, đúng vào thời điểm chiến lược kinh tế của Bắc Kinh rất xem trọng nhu cầu nội địa. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 đến 2025) tìm cách chuyển từ kinh tế định hướng xuất khẩu sang dựa vào tiêu dùng trong nước.
Morgan Stanley tính toán thị trường tiêu dùng tư nhân của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng gấp đôi lên 12,7 nghìn tỉ USD vào năm 2030 – tương đương quy mô thị trường Mỹ hiện tại. Tăng trưởng tiêu dùng tư nhân Trung Quốc có khả năng duy trì ở mức 7,9% hàng năm trong một thập kỷ - cao hàng đầu thế giới - nhờ thu nhập tính trên đầu người khả dụng của hộ gia đình đạt 12.000 USD.
Đơn vị phân tích thị trường McKinsey and Company tháng trước xác định tiêu dùng của nhóm dân số Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên dự kiến tăng khoảng 150% – nhanh gấp đôi so với mức tăng trưởng tiêu dùng chung cả nước.
Nhưng không phải ai cũng lạc quan về sức mua của thế hệ mới về hưu như giáo sư Phàn. Nhà kinh tế Rajiv Biswas thuộc công ty phân tích IHS Markit lưu ý rằng số lượng người về hưu tăng đồng nghĩa với việc chi phí chăm sóc sức khỏe lẫn an sinh xã hội tăng.
“Nhu cầu tiết kiệm cá nhân để chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và hưu trí sẽ tăng, qua đó làm giảm chi tiêu tiêu dùng”, ông Biswas nói thêm.
Chi tiêu thực sự cứu được kinh tế?
Tổng chi tiêu tiêu dùng Trung Quốc tăng từ 49% GDP năm 2010 lên 57,8% GDP năm 2019, rồi lại bị đại dịch làm giảm còn 54,3% GDP vào năm ngoái.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Julian Evans-Pritchard thuộc đơn vị nghiên cứu thị trường Capital Economics vẫn hoài nghi về khả năng chi tiêu tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng: “Giới lãnh đạo Trung Quốc hơn một thập kỷ nay luôn nói cải tổ kinh tế theo hướng tiêu dùng. Nhưng trên thực tế thì đây dường như chẳng phải ưu tiên hàng đầu”.
Ông nhận định chính sách kinh tế của Bắc Kinh vẫn nghiêng về trọng đầu tư hơn tiêu dùng. PBoC vào tháng 3 từng đưa ra báo cáo tuyên bố “tiêu dùng chưa bao giờ là động lực tăng trưởng”.
Theo nhà kinh tế Evans-Pritchard, một mình chi tiêu tiêu dùng mức cao không thể đóng vai trò động lực tăng trưởng dài hạn. Cách để duy trì tăng trưởng dài hạn là tăng cường năng lực sản xuất.
Trung Quốc đã không còn tăng trưởng mạnh mẽ 2 con số. Nhưng nhà phân tich Bhaskaran không xem đây là điều đáng lo: “Họ đang bình thường hóa, trở lại tăng trưởng bình thường hơn. Trung Quốc có thể đạt tốc độ tăng trưởng lành mạnh vào khoảng 5,5 - 6% hàng năm”.