Cậu bé Alviano Dava Raharjo (8 tuổi) biết cha mẹ được đưa đến bệnh viện ở Đông Kutai thuộc tỉnh Đông Kalimantan (Indonesia), em cứ thắc mắc tại sao họ chưa về.

Tại sao mẹ vẫn chưa về nhà hả ngoại?

Cẩm Bình | 09/08/2021, 09:23

Cậu bé Alviano Dava Raharjo (8 tuổi) biết cha mẹ được đưa đến bệnh viện ở Đông Kutai thuộc tỉnh Đông Kalimantan (Indonesia), em cứ thắc mắc tại sao họ chưa về.

“Tại sao mẹ vẫn chưa về nhà hả ngoại?”, Alviano hỏi ông ngoại Yatin hồi giữa tháng 7. Cậu bé không biết mẹ của mình - Lina Safitri 32 tuổi đang mang thai 5 tháng - vừa qua đời do mắc COVID-19, còn cha Kino Raharjo mất sau vợ một ngày, cũng do dịch.

Số lượng trẻ mồ côi tại như Alviano đang tăng nhanh khi Indonesia tiếp tục ghi nhận số ca tử vong mỗi ngày cao hàng đầu thế giới. Ngày 8.8 nước này có thêm 1.498 ca tử vong, nâng tổng số người chết từ lúc đại dịch bùng phát cho đến nay lên 107.096 người.

Bộ trưởng Nội vụ Indonesia Tri Rismaharini cuối tuần trước cho biết từ ngày 20.7 đến nay có ít nhất 11.045 trẻ em trên toàn quốc mất cha/mẹ hoặc cả cha mẹ.

Dựa trên số liệu chính thức về ca tử vong tính đến ngày 3.8, ông Tata Sudrajat thuộc tổ chức hỗ trợ trẻ em Save the Children Indonesia đưa ra con số khủng khiếp hơn: ít nhất đã có 15.229 trẻ mồ côi do dịch bệnh gây ra.

Một số trẻ còn còn có thể dựa vào bà con thân thuộc. Số khác kém may mắn hơn, bị bỏ lại và không thể tự nuôi sống bản thân.

yq-indocov-07082021.jpg
Đại dịch khiến nhiều trẻ em mất cha mẹ - Ảnh: Straits Times

Dù nhà nước có nhiều giải pháp như nhận con nuôi, chăm sóc thay thế ngoài gia đình hay trại trẻ mồ côi, giới chuyên gia khẳng định chăm sóc từ gia đình (chẳng hạn như ông bà) vẫn là tốt nhất.

“Gửi đến trại trẻ mồ côi nên là giải pháp cuối cùng. Trong khuôn khổ chăm sóc thay thế, chúng ta nên kêu gọi người thân gần nhất đảm nhiệm chuyện nuôi dưỡng”, theo ông Tata. Đối tượng trẻ này phải chịu ảnh hưởng tâm lý lẫn tinh thần từ cái chết của cha mẹ (cảm thấy mất mát và đau buồn) nên tình hình sẽ tồi tệ hơn nếu chúng bị những người thân khác xa lánh hoặc bỏ rơi.

Ông Nahar - quan chức cấp cao thuộc Bộ Bảo vệ trẻ em và Trao quyền cho phụ nữ Indonesia - có cùng quan điểm: “Ở Indonesia, mối quan hệ gia đình khá bền chặt. Chúng tôi tin trẻ em có thể được người thân khác nuôi dưỡng”.

Tỉnh Đông Java có hơn 5.400 trẻ mồ côi do đại dịch, cơ quan bảo vệ trẻ em và trao quyền cho phụ nữ địa phương tìm cách hỗ trợ tâm lý cho các em, đồng thời lên kế hoạch tổ chức lớp đào tạo cơ bản, chẳng hạn như cách sản xuất đồ ăn vặt hoặc xà phòng, để chuẩn bị cho thiếu niên 15 - 17 tuổi có thể làm việc.

Ông Andriyanto thuộc cơ quan bảo vệ trẻ em và trao quyền cho phụ nữ Đông Java cho biết họ cố gắng hỗ trợ vì nếu bị bỏ lại một mình thì trẻ mồ côi sẽ trở thành “con mồi” của tệ nạn ma túy, tảo hôn, chủ nghĩa cực đoan hoặc những hành vi phạm tội khác.

May mắn cho Alviano, cậu vẫn được sống trong vòng tay ông ngoại cùng nhiều bà con ở tỉnh Trung Java, được chơi đá bóng với trẻ con tại nơi ở mới. Ông Yatin cho biết Alviano hiện vẫn đang cố vượt qua cú sốc mất cha mẹ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao mẹ vẫn chưa về nhà hả ngoại?