Hayes choàng tỉnh khi “một cơn hoảng loạn khủng khiếp” ập đến. Tim ông đập nhanh và mạnh. Ông có thể cảm nhận được mạch đập ở cổ, trán và cánh tay. Lồng ngực ông căng cứng. Hai cánh tay ông bị chuột rút. Ông phải gắng sức để thở.

Nếu không thể đương đầu với sự khó chịu, bạn không thể đối mặt với những vấn đề khó khăn

Hạ Vĩ | 26/05/2023, 11:00

Hayes choàng tỉnh khi “một cơn hoảng loạn khủng khiếp” ập đến. Tim ông đập nhanh và mạnh. Ông có thể cảm nhận được mạch đập ở cổ, trán và cánh tay. Lồng ngực ông căng cứng. Hai cánh tay ông bị chuột rút. Ông phải gắng sức để thở.

Địa ngục ở tầng sâu và chạm đáy

Steven Hayes là một nhà tâm lý học lâm sàng có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong thời đại chúng ta, và là giáo sư giảng dạy tại Đại học Nevada ở Reno, thuộc bang Nevada nước Mỹ. Ông đã viết 44 quyển sách, hướng dẫn luận án cho vô số học viên tiến sĩ và là một trong 1.500 học giả được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới.

Hayes kể rằng trong suốt ba năm, ông đã “rơi xuống địa ngục vì chứng rối loạn hoảng sợ”. Đối với một người vừa bảo vệ xong luận văn tiến sĩ ngành tâm lý học như Hayes, chuyện này đặc biệt khiến ông kiệt sức và mất phương hướng. Lẽ ra Hayes phải thật vững vàng, nhưng ông lại cảm thấy lo lắng cực độ trong các buổi họp bộ môn. Dần dần, cảm giác lo lắng bất an đó đã xâm lấn sang cả cuộc sống riêng tư của ông, ảnh hưởng đến ông khi ông đang đi chơi cùng bạn bè, tập thể dục và thậm chí khi ở nhà.

Vào cái đêm kinh hoàng đó của năm 1982, Hayes hồi tưởng: “Lúc đó tôi muốn gọi cấp cứu. Tôi nghĩ mình bị đau tim. Nhưng là một bác sĩ tâm lý, tôi biết rất rõ đây là những triệu chứng của chứng hoảng loạn, nhưng bộ não tôi cứ liên tục truyền đi thông điệp rằng không phải như vậy, rằng đây thật sự là một cơn đau tim”. Hayes đã rất muốn bỏ chạy, chiến đấu hoặc lẩn trốn, gì cũng được miễn là không phải ở trong tình cảnh hiện tại của mình.

nghethuatsongvungvang-quote2a.jpg

Ông còn nhớ đã nghĩ rằng mình chắc chắn không thể lái xe được trong tình trạng đó, nên tốt hơn hết ông nên gọi cấp cứu. Nhưng Hayes hình dung diễn biến tiếp theo của câu chuyện. “Họ sẽ gấp rút đưa tôi tới bệnh viện. Họ sẽ cắm dây nhợ và các thiết bị vào người tôi. Sau đó, một bác sĩ, một chàng trai trẻ với nụ cười khinh khỉnh, sẽ bước vào phòng và nói: ‘Steve, anh không bị đau tim. Anh chỉ hoảng loạn mà thôi’.” Hayes biết sự thật đúng là vậy. Ông kết luận: “Đây chỉ là địa ngục ở tầng sâu hơn, sâu chạm đáy”.

Nhưng cũng chính lúc này, Hayes bỗng quay lại trạng thái bình thường và một “con đường” khác xuất hiện. Con đường đó dẫn đến phần nội tâm sâu kín trong con người ông, nơi ông hiếm khi lui tới. Ông còn nhớ phần nội tâm này đã nói: Tôi không biết anh là ai, nhưng rõ ràng là anh có thể tổn thương tôi. Anh có thể khiến tôi khổ sở. Nhưng tôi sẽ nói cho anh biết một việc anh không thể làm được. Anh không thể khiến tôi quay lưng lại với những trải nghiệm của chính mình. Với suy nghĩ đó, Hayes đã đứng dậy.

Ông nhìn xuống tấm thảm màu vàng nâu dưới chân và tự hứa sẽ không bao giờ quay lưng với bản thân hoặc trốn tránh hoàn cảnh của mình nữa. “Lúc đó, tôi không biết mình phải làm gì để giữ lời hứa đó và cũng không biết làm thế nào để những người khác cũng thực hiện lời hứa đó cho chính họ. Nhưng tôi biết mình sẽ làm vậy. Tôi không muốn trốn chạy nữa.”

Sau khi vượt qua trải nghiệm đau đớn đó, Hayes đã quyết tâm phải hiểu được những chuyện mình gặp phải và biết cách ứng dụng kinh nghiệm có được vào cuộc sống – không chỉ cho chính mình mà còn để giúp người khác. Điều này đã mở ra một hành trình nghiên cứu khoa học kéo dài suốt 40 năm. Thông qua hàng trăm thí nghiệm, Hayes đã phát hiện ra rằng người ta càng cố né tránh các tình huống, suy nghĩ, cảm giác và thôi thúc khó chịu – chính là những gì Hayes đã làm trước khi “tỉnh ngộ” vào cái đêm định mệnh ấy – thì chúng càng trở nên mạnh mẽ hơn và xuất hiện thường xuyên hơn. Ông chia sẻ: “Nếu không thể đương đầu với sự khó chịu mà không đè nén nó, bạn không thể đối mặt với những vấn đề khó khăn một cách lành mạnh”.

Học cách chấp nhận và nhìn rõ hoàn cảnh

Từ công trình nghiên cứu của Hayes, một mô hình trị liệu đã ra đời và được gọi là Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết, viết tắt là ACT (Acceptance and Commitment Therapy). Nói ngắn gọn, ACT hoạt động dựa trên niềm tin rằng khi bạn đang gặp phải một tình huống khó khăn hay đáng sợ thì việc phủ nhận hay chối bỏ tình huống đó gần như luôn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trong trường hợp này, giải pháp hiệu quả hơn chính là chấp nhận những gì đang diễn ra; nhìn nhận nó, cảm nhận nó một cách sâu sắc và để cho nó được hiện diện ở đó. Tiếp theo, bạn phải cam kết sống theo đúng những giá trị cốt lõi của mình dù cho có chuyện gì xảy ra. Bạn cảm nhận và chấp nhận thực tại. Bạn nhìn thực tại như đúng bản chất của nó. Thay vì trốn chạy, bạn đồng hành với thực tại và thực hiện những hành động hữu ích.

nghethuatsongvungvang-31-1tg.jpg

Một phần không thể thiếu trong liệu pháp ACT là bạn phải cho phép bản thân rơi vào những “nốt trầm” chứ không phải lúc nào cũng rộn rã tươi vui. Bạn cần cảm nhận nỗi đau, sự tổn thương, cảm giác khó chịu, thiếu thốn, giận dữ, ghen tị, buồn bã, bất an, trống rỗng và tất cả những cảm xúc không mong muốn khác mà loài người chúng ta có.

Phật giáo có một lời dạy cổ xưa rằng trong kiếp người, mỗi chúng ta sẽ trải qua một vạn niềm vui và một vạn nỗi buồn. Nếu không chấp nhận bóng tối cố hữu của đời người, bạn cũng sẽ không bao giờ tìm được ánh sáng vĩnh hằng của niềm vui đích thực. Đó là do bất cứ khi nào gặp phải những trải nghiệm hay tình huống không vui, bạn sẽ chỉ muốn chúng biến đi ngay; thế nhưng, như nghiên cứu của Hayes và kinh nghiệm đương đầu với chứng OCD đã chỉ ra, chính sự kháng cự đó sẽ khiến những trải nghiệm này càng có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn, khiến bạn khó chịu hơn và do đó khó thay đổi hơn. Thay vì phủ nhận thực tế của bản thân và giả vờ như mọi thứ vẫn đang tốt đẹp, bạn phải học cách chấp nhận và nhìn rõ hoàn cảnh trước mắt.

Mục tiêu của ACT không phải là loại bỏ những khó khăn trong cuộc sống, mà là nhận thức rõ mọi điều mà bạn gặp phải trên đường đời và sống đúng với các giá trị cốt lõi của bản thân, cho dù hiện tại bạn cảm thấy chuyện đó thật khó thực hiện.

Tuy Hayes và các cộng sự đã đưa ra một kết quả nghiên cứu mang tính đột phá – đó là ACT có thể cải thiện đáng kể tình trạng trầm cảm, lo âu, chứng OCD, tình trạng kiệt sức vì công việc và thậm chí còn giúp nâng cao hiệu quả làm việc – nhưng nền tảng hình thành nên ACT lại không hoàn toàn mới mẻ. Có thể Hayes sẽ là người đầu tiên nói cho bạn biết công trình nghiên cứu khoa học của ông ngày nay chỉ đang đưa ra bằng chứng thực tiễn cho lời dạy của các bậc tiền nhân thông thái xưa mà thôi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu không thể đương đầu với sự khó chịu, bạn không thể đối mặt với những vấn đề khó khăn