Các nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, gắn với phát triển các giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn để phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Thu Anh | 20/10/2021, 19:10

Các nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, gắn với phát triển các giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Ban Chủ nhiệm chương trình “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH)” mã số KX.01/16-20 mới đây đã tổ chức hội nghị đánh giá, tổng kết.

Báo cáo tại hội nghị, GS.TS Trần Thọ Đạt (Chủ nhiệm chương trình) cho biết, qua 5 năm thực hiện, 52 đề tài của chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về các sản phẩm ứng dụng, phục vụ việc xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước…

nghien-cuu-ve-khxv-nv-nham-phat-trien-kt-xh-gia-tri-van-hoa-va-con-nguoi-2-.jpg
GS.TS Trần Thọ Đạt (Chủ nhiệm chương trình) phát biểu tại hội nghị - Ảnh: BTC

Trong số này có 40% đề tài có kết quả đóng góp trực tiếp, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. 80% đề tài có kết quả, gồm các kiến nghị, giải pháp, mô hình và sản phẩm khoa học góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách ở Bộ, ngành, địa phương.

90% số đề tài có kết quả cung cấp những luận giải cho việc nâng cao nhận thức lý luận và thực tiễn, góp phần phát triển KHXH-NV. Gần 400 bài báo từ kết quả nghiên cứu của các đề tài đã được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế…

Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, chương trình KX.01/16-20 đã bám sát 4 nội dung nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học về vấn đề trọng yếu thuộc lĩnh vực KHXH-NV, đề xuất chính sách và giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác hoạch định, thực thi chính sách vì mục tiêu phát triển KT-XH ở Việt Nam.

100% đề tài thuộc chương trình tạo ra các sản phẩm khoa học đặc thù, trong đó có bản đồ, các mô hình chuỗi sản phẩm du lịch nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, làm tài liệu cho các cơ quan quản lý du lịch trên địa bàn.

Viện đổi mới Sáng tạo được hình thành từ đề tài KX.01.17, đặt tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM đã triển khai các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giới trẻ ở các lĩnh vực CNTT, IoT, thương mại điện tử, giáo dục STEM, sản xuất thương mại, Fintech, du lịch...

Toàn bộ kết quả nghiên cứu trong chương trình được chuyển giao cho các ban, bộ, ngành trung ương phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách. Một số kết quả được chuyển giao cho doanh nghiệp và địa phương ứng dụng vào thực tế.

nghien-cuu-ve-khxv-nv-nham-phat-trien-kt-xh-gia-tri-van-hoa-va-con-nguoi.jpg
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: BTC

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho biết giai đoạn 2016-2020, Bộ KH-CN đã phê duyệt triển khai 7 chương trình KH-CN trọng điểm do Bộ trực tiếp quản lý, trong đó chương trình KX.01/16-20 là chương trình KHXH-NV duy nhất.

Sau 5 năm thực hiện, chương trình đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Nhiều đề tài có kết quả nghiên cứu mới, một số đề tài đã kịp thời cung cấp kết quả nghiên cứu cho việc phục vụ cho công tác soạn thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cũng như xây dựng và hoàn thành các chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển của Bộ, ngành và địa phương.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, trong giai đoạn tới, các chương trình vẫn được tái cấu trúc và vẫn dành vị trí quan trọng cho mảng KHXH-NV. Thứ trưởng đề nghị cần có các tiêu chí đánh giá tác động KT-XH, cũng như hiệu quả KT-XH mà chương trình mang lại; có phương pháp, có bộ tiêu chí đánh giá dựa trên cơ sở khoa học...

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng và triển khai các chương trình, Thứ trưởng đề nghị phải chú ý đến tính tích hợp, liên ngành giữa các chương trình, các vấn đề nghiên cứu cũng như tính kế thừa kết quả nghiên cứu giữa các đề tài để tăng tính hiệu quả của chương trình.

Trong giai đoạn tới, chương trình KHXH-NV cần được tiếp tục thực hiện và tập trung giải quyết các vấn đề trọng điểm cấp quốc gia trong lĩnh vực KHXH-NV.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Các nghiên cứu cần hướng đến các vấn đề mang tính dài hạn, xuyên suốt nhằm phát triển KT-XH một cách bền vững, gắn với khai thác và phát triển các giá trị văn hóa, con người Việt Nam”.

Đặc biệt, chương trình cần thực sự tạo ra các kết quả mang tính dẫn dắt, định hướng phục vụ phát triển KT-XH, văn hóa và con người Việt Nam trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nền kinh tế tri thức, hội nhập.

Bài liên quan
Con người có thể trẻ mãi không già?
Với mục tiêu đảo ngược các dấu hiệu lão hóa, phương thuốc do nhóm nghiên cứu đến từ Trường Y khoa – Đại học John Hopkins (Mỹ) nhắm vào loại chất béo mang tên glycosphingolipids (GLS), là yếu tố khiến tóc dần bạc, da dần nhăn nheo theo tuổi tác.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn để phát triển kinh tế - xã hội bền vững