Thâm Quyến phải vật lộn để kiềm chế đợt bùng phát dịch COVID-19 hiện tại khiến nhiều người dân lo lắng.
Đã xuất hiện một số lời đổ lỗi cho người vượt biên trái phép từ thành phố láng giềng Hồng Kông mặc dù Thâm Quyến chưa bao giờ thông báo dịch bùng phát cách đây 1 tháng như thế nào.
Việc Thâm Quyến ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong hơn 1 tháng qua và các cư dân được yêu cầu xét nghiệm mỗi ngày khiến cảm giác thất vọng ngày càng tăng.
Guo Qiaoqiao, nữ doanh nhân đã được yêu cầu xét nghiệm trong 25 ngày qua, muốn việc này dừng lại.
“Thâm Quyến bây giờ dành rất nhiều nguồn lực cho việc xét nghiệm sàng lọc để có được Zero COVID. Tôi cảm thấy điều đó là không thể. Sự bùng phát dịch được cho là lây lan từ Hồng Kông bởi những người vào Thâm Quyến bất hợp pháp, nhưng ngay cả khi điều đó không đúng, có rất nhiều hoạt động giao thương giữa hai thành phố và không có cách nào chúng ta có thể chặn được”, Guo Qiaoqiao nhận xét.
Sự lan rộng của biến thể Omicron, đặc biệt là dòng phụ BA.2 (còn gọi là Omicron “tàng hình”), đồng nghĩa là không còn truy tìm được nguồn gốc các đợt bùng phát dịch khác nhau.
Jin Dongyan, nhà vi rút học Đại học Hồng Kông, cho biết nhiều người, kể cả những ai đã tiêm vắc xin, có thể đã nhiễm Omicron nhưng ít hoặc không có triệu chứng.
“Các ca mắc COVID-19 ở Thâm Quyến có thể đến từ Hồng Kông hoặc không. Họ cũng có thể đến từ bất cứ đâu vì Thâm Quyến mở cửa cho tất cả các tỉnh và thành phố khác nhau ở Trung Quốc, không riêng Hồng Kông”, Jin Dongyan nói.
Những tuần gần đây, Trung Quốc đã ghi nhận các ca mắc COVID-19 trên khắp cả nước, chỉ có Ninh Hạ, Tây Tạng và Tân Cương là không có đợt bùng phát dịch mới nhất.
Từ lâu được coi là một trong những câu chuyện thành công lớn nhất về COVID-19 cả nước, Thượng Hải đã chứng kiến hơn 1.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 tại địa phương trong tháng này.
Tỉnh Cát Lâm ở phía đông bắc Trung Quốc đang phải chống chọi với đợt tăng số ca mắc COVID-19 lớn nhất kể từ đầu đại dịch với hơn 10.000 trường hợp có triệu chứng và không có triệu chứng. Đây là đợt bùng phát dịch mà các nhà chức trách tin rằng bắt nguồn từ một người nhập cảnh nhiễm biến thể Omicron và vi rút lây lan âm thầm vào tháng trước.
Zhang Yan, Phó giám đốc ủy ban y tế của Cát Lâm, cho biết vào đầu tuần này: “Lây truyền vi rút SARS-CoV-2 âm thầm là một trong những đặc điểm của đợt bùng phát dịch. Người nhiễm hầu hết không có triệu chứng hoặc có rất ít triệu chứng, khó phát hiện ở giai đoạn đầu nhưng lại dễ lây lan trong cộng đồng, khiến việc truy tìm và kiểm soát ca bệnh khó khăn hơn rất nhiều”.
Các cơ quan y tế tin biện pháp kiểm soát dịch mạnh mẽ hơn có thể hạn chế các đợt bùng phát dịch hiện nay, nhưng Jin Dongyan cảnh báo rằng để các trường hợp không triệu chứng của Omicron lây lan đồng nghĩa Trung Quốc có thể đối mặt với làn sóng dịch lớn hơn so với ở Cát Lâm.
“Chắc chắn là có thể những nơi khác ở Trung Quốc đã xuất hiện lây truyền âm thầm mà không được chú ý… Một đợt bùng phát dịch lớn không phải là không thể ở Trung Quốc. Bạn chỉ cần một trường hợp để kích hoạt một thảm họa. Nguy cơ là rất cao”, Jin Dongyan nhận định.
Nicholas Thomas, Phó giáo sư tại khoa nghiên cứu châu Á và quốc tế tại Đại học Thành phố Hồng Kông, cho biết Omicron sẽ khiến Trung Quốc khó khăn một vài tháng.
Trải nghiệm của các quốc gia khác cho thấy Omicron có thể đạt đỉnh sau vài tuần và tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 có xu hướng giảm khi trời ấm lên, lúc đó tình hình của Trung Quốc có thể cải thiện.
Nicholas Thomas cho biết chiến lược zero COVID giúp Trung Quốc có thêm thời gian để tiêm vắc xin cho người dân, nhưng bây giờ họ cần phải thay đổi kế hoạch về chiến lược của mình.
Trung Quốc đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 87% dân số nhưng chủ yếu bằng các loại vắc xin COVID-19 với hiệu quả tương đối thấp khi đối mặt với Omicron.
“Tôi nghĩ rằng tình hình chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn. Nếu các nhà chức trách đưa ra loại vắc xin hiệu quả hơn, tác động đó sẽ ít gây gián đoạn hơn những gì vẫn thường xảy ra”, Nicholas Thomas bình luận.
Trong khi đó, Hồng Kông đang rơi vào thảm cảnh với tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới.
Đợt bùng phát đại dịch tồi tệ nhất của Hồng Kông đến vào đầu năm 2022, nhưng tình cảnh như đầu năm 2020 ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.
Các bệnh viện tại Hồng Kông tràn ngập người, nhà xác và lò hỏa thiêu quá tải khi số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tăng cao. Các nhân viên chăm sóc sức khỏe báo cáo tình trạng kiệt sức và tinh thần thấp khi làm việc 80 giờ một tuần.
Ngoài ra, các viện dưỡng lão cũng đang bị tàn phá, với tỷ lệ tiêm vắc xin thấp ở những người lớn tuổi, khiến tỷ lệ tử vong trên đầu người do COVID-19 ở Hồng Kông lên mức cao nhất thế giới, theo trang Our World in Data. Xem chi tiết tại đây.