Ukraine đã kêu gọi các chuyên gia CNTT và hacker toàn cầu tham gia đội quân chống lại Nga trên không gian mạng. Nhiều người đã hồi đáp lời thỉnh cầu này.
Bên dưới là chia sẻ của những người trên chiến tuyến kỹ thuật số.
Kali đã học cách sử dụng công nghệ bằng cách vọc smartphone của ông mình. Bây giờ, thiếu niên Thụy Sĩ đang cố gắng làm tê liệt sự hiện diện kỹ thuật số của chính phủ Nga và đường sắt Belarus.
Kali cùng nhiều người trong bài này từ chối chia sẻ tên thật vì một số hành động đang thực hiện là bất hợp pháp và lo sợ Nga trả đũa.
Kali là một trong số hơn 300.000 người đã đăng ký vào một nhóm trên ứng dụng Telegram có tên Đội quân CNTT của Ukraine. Theo đó, những người tham gia được giao các nhiệm vụ để chiến đấu với Nga. Khi làm như vậy, họ đang cố gắng san bằng sân chơi giữa một trong những siêu cường của thế giới với Ukraine khi nước này phải hứng chịu sự bắn phá.
Theo NetBlocks, công ty giám sát kết nối internet toàn cầu, đội quân hacker đông đảo đã thành công trong việc phá vỡ các dịch vụ web của Nga. NetBlocks cho biết tính khả dụng của các trang web Điện Kremlin và Duma (Hạ viện Nga) "không liên tục" kể từ khi cuộc tấn công Ukraine bắt đầu. Trang web cho các dịch vụ truyền thông thuộc sở hữu nhà nước Nga, một số ngân hàng và tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom cũng bị nhắm mục tiêu.
Alp Toker, Giám đốc NetBlocks, nói: “Các cuộc tấn công có nguồn lực từ cộng đồng đã thành công trong việc phá vỡ các trang web truyền thông của chính phủ và nhà nước Nga”. Ông nói thêm rằng Nga đã cố gắng giảm thiểu các cuộc tấn công và ngăn chặn hacker bằng cách lọc quyền truy cập vào các trang web nhất định, điều này gây thêm sự gián đoạn.
Giống như nhiều đồng nghiệp của mình, Kali đã được Mykhailo Fedorov, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng phụ trách Chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine, hướng đến nhóm Telegram (có cả phiên bản tiếng Ukraina và tiếng Anh).
Mykhailo Fedorov (31 tuổi) đã sử dụng hồ sơ Twitter rộng lớn của mình để cầu xin giám đốc điều hành các công ty công nghệ lớn nhất thế giới cắt đứt quan hệ với Nga. Vào ngày 26.2, Mykhailo Fedorov đăng một liên kết đến nhóm Telegram, được thành lập bởi Bộ trưởng Chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine. Ông nói: “Chúng tôi cần những tài năng kỹ thuật số. Sẽ có nhiệm vụ cho tất cả mọi người".
Trong khi Thụy Sĩ từ lâu vẫn duy trì chính sách trung lập về quân sự, Kali đã bị thúc giục hành động khi nhìn thấy dòng tweet của Mykhailo Fedorov.
“Tôi muốn giúp đỡ và sử dụng các kỹ năng tấn công mạng của mình để giúp Ukraine. Tôi đến từ Thụy Sĩ, nhưng tôi là một hacker mạnh mẽ và rất tiếc cho mọi người Ukraine. Tôi làm điều đó vì sát cánh với Ukraine và muốn giúp đỡ bằng cách nào đó. Tôi nghĩ nếu chúng tôi hack cơ sở hạ tầng của Nga thì có lẽ họ sẽ dừng lại vì không có gì sẽ hoạt động nữa”, Kali chia sẻ.
Kali nói rằng cha mẹ không đặc biệt quan tâm đến những gì anh đang làm, mặc dù anh cố gắng không nói với họ nhiều về điều đó. Kali không phải là người duy nhất tham gia Đội quân CNTT Ukraine.
Caroline (20 tuổi đến từ khu vực đô thị New York, Mỹ) nói với cha mẹ rằng cô đã gia nhập Đội quân CNTT Ukraine chỉ vài giờ trước khi nói chuyện qua điện thoại với tờ Guardian.
“Họ bắt đầu lo lắng cho tôi”, Caroline nói.
Kinh hoàng khi xem các video trên Twitter và Instagram tiết lộ tác động tàn khốc mà cuộc chiến đang gây ra với dân thường Ukraine, Caroline cảm thấy buộc phải hành động khi thấy dòng tweet của Mykhailo Fedorov. Caroline từng thấy sự lan truyền thông tin sai lệch có sức tàn phá như thế nào trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.
“Cuộc bầu cử năm 2016 là một sự mở mang tầm mắt cho tác động đáng tiếc của những điều này và nó thực sự ảnh hưởng như thế nào đến một số mối quan hệ của chúng ta trong thế giới thực”, cô nói.
Chỉ có một vấn đề: Caroline không biết Telegram là gì. Không giống Kali, cựu giáo viên mầm non không phải là một hacker. Lúc đầu, Caroline lo ngại rằng Telegram, ứng dụng được thành lập bởi hai tỷ phú người Nga lưu vong Pavel và Nikolai Durov, là một cái bẫy. Song sau một số nghiên cứu, Caroline đã tải xuống Telegram và tham gia nhóm Đội quân CNTT của Ukraine.
Caroline cảm thấy hụt hẫng khi quản trị viên của nhóm yêu cầu hacker đánh sập các trang web nhà nước Nga bằng các cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS). Theo đó, các trang web bị tấn công bằng cách làm quá tải lưu lượng truy cập khiến chúng ngoại tuyến. Đây là cách vô hiệu hóa nhiều trang web chính phủ Nga.
Caroline thấy thông điệp trong nhóm phiên bản tiếng Ukraina có hàng trăm bình luận trong vòng chưa đầy 1 giờ. Vì vậy, Caroline đã giúp đỡ nhóm dùng tiếng Anh bằng cách đối chiếu thông tin một trang web về cách hỗ trợ Ukraine và chống lại các chiến dịch thông tin sai lệch của Nga. “Tôi thích hoạt động như bộ lọc, như một cơn gió để đẩy cánh buồm đi đúng hướng”, cô nói.
Caroline dành hàng giờ mỗi ngày để chia sẻ thông tin trong cuộc trò chuyện Telegram để giúp đỡ rất nhiều người đăng ký. “Tôi không thể giải thích được. Tôi nhận ra mình không đặc biệt, vì vậy tất cả những gì tôi đang làm là thu thập tất cả thông tin này để cố gắng phá bỏ những chiến dịch thông tin sai lệch đang diễn ra”, Caroline thổ lộ.
Enrique (chuyên gia CNTT người Lithuania ngoài 30 tuổi) cảm thấy rằng việc tham gia nhóm Đội quân CNTT Ukraine là “điều đúng đắn phải làm”. Anh ít tập trung hơn vào việc phá hủy mạng internet Nga mà kêu gọi những người Nga bình thường đứng lên phản đối cuộc tấn công Ukraine.
Enrique được truyền cảm hứng từ lòng quả cảm của người dân Ukraine, gồm cả những người đã xuống đường để bảo vệ đất nước họ và “anh hùng bàn phím”. Ukraine có khoảng 290.000 người làm việc trong lĩnh vực CNTT và là nơi gia công phần mềm của thế giới. Trong khi nhiều người trong số họ đã từ bỏ công việc hàng ngày để chiến đấu cho quân đội, những người khác đã đăng ký vào nhóm Đội quân CNTT Ukraine. Trong số này có Sam, người làm việc cho một công ty công nghệ - quảng cáo toàn cầu. Anh đã sử dụng kiến thức chuyên môn của mình để gửi thông điệp phản đối cuộc chiến tới người Nga thông qua các nền tảng quảng cáo.
Ngành công nghiệp quảng cáo Ukraine đã gửi những video cho thấy những người lính Nga bị bắt khẩn cầu mẹ mình và cố gắng thuyết phục họ về thực tế chiến tranh ở Ukraine. Những người khác nhấn mạnh tác động từ các lệnh trừng phạt với Nga và sức mạnh của quân đội Ukraine. Sam nói: “Họ sẽ thúc đẩy mọi người hành động”.
Khoảng 100 chuyên gia quảng cáo từ 50 đại lý đang thiết kế và phổ biến quảng cáo để cố gắng nâng cao nhận thức ở Nga và Belarus về những gì Nga đang làm ở Ukraine.
Enrique đã rất ấn tượng về tinh thần đồng đội của đội quân CNTT tình nguyện: “Tôi chưa bao giờ thấy nhiều người muốn làm điều gì đó trong suốt cuộc đời mình như vậy. Bạn yêu cầu những người tham gia làm hỏng một thứ gì đó (đánh sập trang web) hoặc chạy một thứ gì đó và đã có điều đó”.
Tính tức thời của phương tiện truyền thông xã hội và cảm giác hồi hộp khi nhìn thấy kết quả tức thì đã cuốn hút nhiều người. “Mọi thứ đều trực tiếp. Mọi thứ đang được truyền trực tuyến đến mọi người. Mọi thứ đều trực tuyến và dễ hiểu thực hư thế nào”, Enrique kể.
Alex, kỹ sư phần mềm người Ukraine, cho biết nhóm Telegram chủ yếu được sử dụng cho các cuộc tấn công DDoS. “Tôi ước có nhiều việc phải làm hơn để giúp đỡ bộ phận CNTT trong cuộc chiến”, anh nói. Alex không muốn tách Nga khỏi internet, mà muốn tìm cách hiển thị hình ảnh về cuộc chiến cho người Nga.
Đây là những gì Anonymous, nhóm hacker đình đám thế giới, tuyên bố đã làm với các kênh truyền hình Nga trong tháng này.
Alex nói: “Cách lý tưởng của tôi là làm điều gì đó chứng minh sự thật cho người Nga. Tuy nhiên, các đề xuất về các cuộc tấn công DDoS đang được thực hiện ráo riết. Khi các liên kết về các trang web mục tiêu tăng lên trong nhóm Telegram, tất cả chúng đều không hoạt động trong vòng nửa giờ”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia an ninh mạng đang lo lắng. Alan Woodward, Giáo sư về an ninh mạng tại Đại học Surrey (Anh), cho biết: “Có một số rủi ro khi có đội quân tình nguyện này”. Ông lo ngại về việc thiếu trách nhiệm liên quan đến việc ai là người chỉ đạo kế hoạch chiến đấu và chiến lược tổng thể.
“Điều tốt nhất những gì họ đang làm là gây nhiễu. Nó có thể gây phiền toái cho người Nga, nhưng các cuộc tấn công mạng mà chúng tôi thấy đến nay không thực sự ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của Nga", Alan Woodward nhận định.
Alan Woodward nói một đội quân gồm 300.000 hacker sẽ luôn có một số mầm mống xấu.
Ông nói: “Những tình nguyện viên này có thể bắt đầu tấn công các mục tiêu không thực sự như những gì chính phủ Ukraine muốn. Điều này có thể là tình cờ. Bao lâu thì ransomware (mã độc tống tiền) sẽ được sử dụng và gây ảnh hưởng? Tôi không nghĩ có ai muốn điều đó. Bạn không bao giờ biết ai trong một nhóm tình nguyện viên. Họ không chỉ có thể làm điều gì đó không mong muốn nhân danh Ukraine mà còn có thể làm gì đó ảnh hưởng trực tiếp đến luận điệu của người Nga”.
Agnes Venema, học giả về an ninh quốc gia và tình báo tại Đại học Malta, bình luận: “Mức độ hữu ích của họ phụ thuộc vào mức độ bạn có thể kiểm tra họ. Bạn có thể điều phối họ tốt như thế nào và kỹ năng của họ ra sao. Đổi tên du thuyền của Putin thì dễ thương, nhưng việc hack các đài truyền hình Nga để phát bài quốc ca Ukraine có giúp người Ukraine đạt được mục tiêu chiến lược của họ không?”.
Bất chấp sự nghi ngờ của mình, Agnes Venema nhận thấy việc tập hợp được lực lượng tình nguyện viên rất đáng chú ý. Bà nói: “Tôi có thể nói rằng mức độ gắn kết dân sự này là chưa từng có”.
Tuy nhiên, Venema nói việc đó có thể nhanh chóng phản tác dụng. Ngay sau khi bắt đầu nhận lệnh từ quân đội Ukraine, hacker sẽ bỏ tư cách là dân thường và có thể được coi là chiến binh. “Điều đó có nghĩa là những người này là mục tiêu quân sự hợp pháp”, bà nói.
Liệu những người bảo vệ quyền tồn tại của Ukraine có biết hay lo lắng về điều đó không là câu hỏi khác.
“Tôi không quan tâm đến điều đó. Tôi chưa bao giờ lo lắng về điều đó”, theo Kali, người đang cố gắng DDoS một trang web tin tức của Nga mà các quản trị viên Đội quân CNTT Ukraine gắn cờ là một nguồn thông tin sai lệch.