Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ngày 12.12 đã có buổi làm việc với ông Nirav Patel - Tổng Giám đốc Công ty The Asia Group (TAG) của Mỹ, đang có chuyến công tác tại Việt Nam để tìm hiểu về cơ hội cho các nhà đầu tư Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng như thương mại, đầu tư, công nghệ cao...
The Asia Group hiện đang quan tâm và tích cực hỗ trợ các công ty hàng đầu của Mỹ đầu tư vào lĩnh vực chip bán dẫn, năng lượng, chuyển đổi năng lượng sạch, giảm phát thải khí của Việt Nam.
Ông Nirav Patel cho biết công ty mặc dù mới được thành lập từ năm 2013 nhưng hiện đã trở thành một trong những công ty có vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư của các công ty Mỹ hoạt động hiệu quả tại Việt Nam trong các lĩnh vực quan trọng như thương mại, dịch vụ, đầu tư, chuyển giao công nghệ và công nghệ cao, y tế.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ một số thông tin liên quan tới cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư có các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao chuyển đổi năng lượng có thể sẽ liên quan tới các kế hoạch phát triển của công ty trong tương lai.
Đồng thời bày tỏ mong muốn trong những năm tới đây, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng nhanh và mạnh cả vê quy mô và số lượng trong các lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn và quan tâm phát triển như khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, năng lượng xanh sạch, năng lượng tái tạo.
Mới đây, Tập đoàn Nvidia cũng mong muốn thiết lập "cứ điểm" để thu hút nhân tài khắp thế giới, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 10.12, ông Jensen Huang - Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Nvidia (Mỹ) - tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới (giá trị gần 1.200 tỉ USD) cho rằng "cứ điểm" sẽ góp phần thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển siêu máy tính, sản xuất phần mềm của tương lai.
"Việc này sẽ góp phần vào tương lai số hóa của Việt Nam và Nvidia rất hân hạnh tham gia vào quan hệ đối tác với Việt Nam", ông Jensen Huang nói, khẳng định quan hệ Việt - Mỹ đang có nền tảng thuận lợi để hợp tác lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Nvidia đánh giá cao cơ hội và chiến lược, cách tiếp cận trọng tâm của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đồng thời coi trọng nguồn nhân lực Việt Nam trong lĩnh vực này. Nếu thành công trên con sóng bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Việt Nam sẽ thành công ở những khâu, lĩnh vực quan trọng nhất của công nghiệp, công nghệ. "Người Việt Nam có năng lực phần mềm tốt và đang có vị trí tốt phát triển bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Nvidia xác định Việt Nam là thị trường quan trọng nên đã đầu tư 250 triệu USD", ông nói.
Ông John Neffeur - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) từng chia sẻ: "Mỹ đang trong cơn khát nhân lực chất bán dẫn. Ngay từ trong COVID-19, nguồn nhân lực Việt Nam đã là nguồn bù đắp quan trọng cho sự thiếu hụt này. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn và có thể đóng vai trò đối tác chiến lược trong cung cấp nguồn nhân lực". SIA cũng đánh giá Việt Nam có những bước tiến ấn tượng trong lĩnh vực này, trở thành điểm đến có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn.
Chủ tịch SIA cũng cho biết các doanh nghiệp Mỹ đang chờ đón chiến lược quốc gia về bán dẫn của Việt Nam, mong muốn Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhanh chóng tận dụng được những cơ hội mới đang mở ra, đặc biệt là khâu thiết kế chip vốn không đòi hỏi nhiều đầu tư so với sản xuất.
Trước đó, tại cuộc làm việc của Thủ tướng với Chủ tịch SIA và các lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp bán dẫn Mỹ vào tháng 9, hai bên thống nhất thúc đẩy các đoàn doanh nghiệp bán dẫn Mỹ thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam và hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp hai nước.
Hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ chip, bán dẫn, đổi mới sáng tạo từng được Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu khi thăm Việt Nam hồi tháng 9. Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ sau đó cũng đề cập tới hợp tác sản xuất chất bán dẫn, chip và lĩnh vực công nghệ cao. Hai nước cũng tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.
Theo thống kê của Cục Thống kê Dân số Mỹ, doanh thu chip từ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ tăng gần 75% trong một năm, đạt 562,5 triệu USD vào tháng 2.2023. Việt Nam cùng một số nước khu vực châu Á lọt vào top thị trường tăng trưởng mạnh nhất, theo Bloomberg. Số liệu từ công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Technavio cho thấy thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng đến 6,16 tỉ USD vào năm 2024.
Để tăng lợi thế trong thu hút các nhà đầu tư Mỹ vào công nghiệp bán dẫn, chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến 2030, tầm nhìn 2035 đang được xây dựng với trọng tâm là đẩy nhanh việc tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực, thu hút các doanh nghiệp trên toàn cầu hiện diện, sản xuất. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hòa Lạc (Hà Nội), Đà Nẵng cũng được thành lập, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư.