Ngày 31.12 sắp tới sẽ đánh dấu 2 năm kể từ khi ca mắc COVID-19 đầu tiên được báo cáo ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

Những thời khắc đáng nhớ trong đại dịch COVID-19 đã khiến 5,3 triệu người chết

Sơn Vân | 20/12/2021, 08:38

Ngày 31.12 sắp tới sẽ đánh dấu 2 năm kể từ khi ca mắc COVID-19 đầu tiên được báo cáo ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

Kể từ đó, đã có hơn 275 triệu ca mắc COVID-19 với hơn 5,3 triệu người tử vong được ghi nhận trên toàn cầu.

Để chống lại cuộc khủng hoảng y tế, các quốc gia trên toàn cầu đã sử dụng hơn 8,5 tỉ liều vắc xin COVID-19 và các hãng dược phát triển phương pháp điều trị mới.

nhung-thoi-khac-dang-nho-trong-dai-dich-covid-19-da-khien-hon-53-trieu-nguoi-chet.jpg
Hình ảnh trang trí Giáng sinh trên cửa sổ khi các nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) tại Bệnh viện Cộng đồng Havelhoehe ở Berlin, Đức ngày 6.12.2021 - Ảnh: Reuters

Dưới đây là một số thời khắc đáng nhớ của đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua:

Ngày 31.12.2019

Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đã báo cáo một loạt các trường hợp viêm phổi ở Vũ Hán (thủ phủ tỉnh Hồ Bắc), sau đó được xác nhận là mắc COVID-19.

Tháng 1.2020

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các nhà chức trách Trung Quốc đã xác định đợt bùng phát dịch do một loại coronavirus mới gây ra. Ngay sau đó, Thái Lan ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên bên ngoài Trung Quốc.

Ngày 23.1.2020, Trung Quốc đã thông báo phong tỏa Vũ Hán.

Cuối tháng 1.2020, WHO tuyên bố đợt bùng phát coronavirus mới là "tình trạng khẩn cấp đáng lo ngại về sức khỏe cộng đồng quốc tế".

Tháng 2.2020

WHO đặt tên cho loại coronavirus mới là SARS-COV-2, từ viết tắt của coronavirus gây hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng 2.

Cơ quan Liên Hợp Quốc đặt tên cho căn bệnh do SARS-COV-2 gây ra là COVID-19, viết tắt của Coronavirus Disease 2019.

Tháng 3.2020

WHO lần đầu tiên mô tả đợt bùng phát SARS-COV-2 là một đại dịch.

Vùng Lombardy của Ý trở thành điểm nóng về COVID-19 trên hành tinh, với hơn 3.000 ca tử vong làm lu mờ những người chết ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

"Toàn bộ nước Ý giờ đã phong tỏa" là dòng tiêu đề trên tờ báo Corriere della Sera sau khi thủ đô Rome áp đặt những biện pháp kiểm soát gắt gao nhất với một quốc gia phương Tây kể từ Thế chiến thứ hai.

Một số nước khác như Tây Ban Nha, Pháp, Thái Lan, Hàn Quốc, Úc và Malaysia cũng áp đặt các lệnh phong tỏa.

Ngày 13.3, Mỹ đã tuyên bố đại dịch là tình trạng khẩn cấp quốc gia để giải phóng 50 tỉ USD viện trợ liên bang. Cuối tháng đó, California trở thành bang đầu tiên của Mỹ ban hành "lệnh lưu trú tại nhà", trong khi New York đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu.

Ấn Độ đã thông báo phong tỏa trên toàn quốc vào 24.3.2020, cùng ngày Thế vận hội mùa hè 2020 ở Nhật Bản bị hoãn lại.

Ngày 27.3.2020, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Tháng 4.2020

Số ca mắc COVID-19 đã vượt qua con số 1 triệu người và WHO báo cáo bằng chứng cho thấy sự lây truyền từ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có thể xảy ra trước khi biểu hiện các triệu chứng.

Tháng 7.2020

Ngày 7.7.2020, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Cuối tháng đó, công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) và hãng dược Pfizer (Mỹ) đã tiến hành các thử nghiệm lâm sàng lớn với vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA của họ.

Tháng 9.2020

Số người chết do COVID-19 vượt 1 triệu, chưa đầy 1 năm sau khi vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện ở Trung Quốc.

Tháng 10.2020

Ngày 1.10, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, hơn 1 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống.

Tháng 11.2020

Pfizer và đối tác BioNTech (Đức) cho biết vắc xin COVID-19 thử nghiệm của họ có hiệu quả ngăn ngừa bệnh hơn 90%. Đây là dữ liệu tạm thời thành công đầu tiên về vắc xin COVID-19 từ thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn.

Moderna trở thành công ty Mỹ thứ hai báo cáo thử nghiệm thành công vắc xin COVID-19 khi mũi tiêm của họ có hiệu quả phòng ngừa bệnh là 94,5%.

Tháng 12.2020

Anh đã phê duyệt vắc xin COVID-19 của Pfizer để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, trở thành nước đầu tiên trên thế giới bắt đầu tiêm chủng đại trà chống lại SARS-CoV-2.

Ngày 11.12, Mỹ đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin Pfizer-BioNTech cho những người từ 16 tuổi trở lên khi số ca chết vì COVID-19 ở nước này gần 300.000.

Các biến thể SARS-CoV-2 mới được phát hiện ở Anh, Nam Phi và Ấn Độ. WHO đã phân loại biến thể từ Anh và Nam Phi là đáng lo ngại, sau đó đặt tên lần lượt là Alpha và Beta.

Tháng 1.2021

WHO đã phân loại P.1, được tìm thấy lần đầu tiên ở Brazil vào tháng 11.2020, là biến thể đáng lo ngại sau sự gia tăng số ca mắc COVID-19 và tử vong ở nước này. Sau đó, P.1 được đặt tên là biến thể Gamma.

Tháng 3.2021

Sao Paulo, bang đông dân nhất của Brazil, đã thông báo phong tỏa một phần để chống lại số ca COVID-19 đang gia tăng, một phần là do đợt triển khai vắc xin chắp vá.

Tháng 5.2021

WHO tuyên bố B.1.617.2, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, là biến thể đáng lo ngại ở cấp độ toàn cầu. Biến thể này đã thúc đẩy làn sóng dịch thứ hai ở Ấn Độ, khiến số ca mắc COVID-19 hàng ngày lên đến hơn 300.000 và làm tê liệt cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe nước này.

WHO sau đó đặt tên cho biến thể này là Delta.

Tháng 6.2021

Các ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên toàn cầu đã vượt qua con số 4 triệu khi biến thể Delta trở thành chủng vi rút SARS-CoV-2 thống trị thế giới.

Tháng 7.2021

Israel trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tăng cường nỗ lực chống lại biến thể Delta bằng cách tung ra mũi vắc xin Pfizer-BioNTech thứ ba cho những người trên 60 tuổi.

Tháng 8.2021

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt liều thứ ba của vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna cho những người bị suy giảm miễn dịch.

Tháng 9.2021

Các cơ quan quản lý Mỹ tiêm mũi vắc xin Pfizer-BioNTech tăng cường cho những người từ 65 tuổi trở lên, tất cả những ai có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và những người thường xuyên tiếp xúc với SARS-CoV-2.

Tháng 10.2021

Mỹ đã phê duyệt mũi vắc xin Moderna tăng cường cho một số bộ phận dân cư và liều thứ hai của Johnson & Johnson cho những người từ 18 tuổi trở lên. Mỹ cũng cho phép dùng vắc xin khác với loại ban đầu làm mũi tăng cường, chẳng hạn người từng nhận 2 liều Pfizer-BioNTech có thể tiêm mũi thứ ba là Moderna.

Cũng vào tháng này, các ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu vượt qua con số 5 triệu.

Tháng 11.2021

Ngày 4.11, Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt molnupiravir, loại thuốc uống kháng vi rút SARS-CoV-2 do Merck & Co (Mỹ) và Ridgeback Biotherapeutics (Đức) đồng phát triển.

Mỹ đã mở rộng khả năng đủ điều kiện để tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường cho tất cả người lớn, ngay cả khi WHO lên tiếng lo ngại về việc cung công bằng vắc xin trên toàn cầu.

Một biến thể SARS-CoV-2 mới, sau này gọi là Omicron, được phát hiện ở phía nam châu Phi và Hồng Kông, hiện đã lan ra hơn 90 nước và vùng lãnh thổ.

Tháng 12.2021

Ngày 12.12.2021, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, hiện đang hồi phục tốt.

Tính đến ngày 20.12.2021, số người chết do COVID-19 toàn cầu đã hơn 5,3 triệu.

Bài liên quan
Đã có 7 người chết do Omicron, số ca COVID-19 ở Anh có thể tăng lên 2 triệu/ngày
Tính đến ngày 16.12, đã có 7 người nhiễm biến thể Omicron ở Anh tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những thời khắc đáng nhớ trong đại dịch COVID-19 đã khiến 5,3 triệu người chết