Vài năm trở lại đây, tình trạng biển xâm thực, sóng đánh vào bờ gây sạt lở khiến chính quyền và người dân xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) hết sức lo lắng vì cánh rừng phòng hộ đang bị sóng “nuốt” dần.

Nỗi lo biển xâm thực ‘xóa sổ’ rừng phòng hộ

Quang Cường | 01/11/2022, 11:00

Vài năm trở lại đây, tình trạng biển xâm thực, sóng đánh vào bờ gây sạt lở khiến chính quyền và người dân xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) hết sức lo lắng vì cánh rừng phòng hộ đang bị sóng “nuốt” dần.

Hiện tượng biển lấn sâu vào bờ gây sạt lở kéo dài khoảng 2,5km bờ biển qua 3 thôn Tân Ninh Châu, Hội Tiến và Hội Thủy (xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân) đã xảy ra nhiều năm nay. Mỗi khi triều cường dâng cao hoặc có bão, sóng lớn lại đi sâu vào bờ, diện tích đất bị sạt lở càng tăng lên. Đặc biệt, cánh rừng phi lao chắn sóng trên bờ biển hiện đang bị sóng đánh cuốn đi hàng trăm cây có độ tuổi trên 30 năm.

sat-lo-bo-bien-nx-2.jpg
bien-xam-thuc-7.jpg
Khoảng 2,5km bờ biển qua các thôn Tân Ninh Châu, Hội Tiến và Hội Thủy (xã Xuân Hội) đang bị biển xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ "xóa sổ" rừng phòng hộ

Huyện Nghi Xuân có tuyến đê Hội Thống, là đê chắn sóng được đầu tư nâng cấp từ năm 2009, có tổng chiều dài 17,8 km với nhiệm vụ bảo vệ cho hơn 22.400 người dân và hơn 3.700ha đất tự nhiên tại các xã Xuân Hội, Đan Trường, Xuân Phổ, Xuân Hải và gián tiếp bảo vệ cho các vùng phụ cận.

Hiện nay, đoạn bờ biển qua thôn Tân Ninh Châu và thôn Hội Tiến (xã Xuân Hội) gần cửa sông Lam có chiều dài khoảng 2,5km chưa được đầu tư xây dựng kè chắn sóng dẫn đến sạt lở nghiêm trọng.

bien-xam-thuc-16.jpg
Hiện nước biển đã tiến sát vào rừng phòng hộ
bien-xam-thuc-15.jpg
Hơn 200 cây phi lao hơn 30 năm tuổi đã bị sóng đánh bật gốc và cuốn trôi

Theo ông Trịnh Quang Luật, Chủ tịch UBND xã Xuân Hội, thời gian gần đây, sóng biển làm sạt lở bờ lấn sâu vào rừng phòng hộ khoảng 15m. Chính quyền xã đã có báo cáo cụ thể lên huyện đề nghị có phương án ứng phó. Người dân địa phương cũng rất mong chờ chủ trương xây dựng công trình chắn sóng để ổn định cuộc sống và sản xuất.

Ông Trần Thanh Tường, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nghi Xuân cho biết, hiện tượng sạt lở bờ biển trên địa bàn xã Xuân Hội xảy ra đã nhiều năm. Qua mấy đợt mưa bão của năm nay, có hơn 200 cây phi lao thuộc rừng phòng hộ ven biển bị sóng đánh bật gốc và cuốn trôi. Đây là cánh rừng phòng hộ có vai trò chắn sóng, chắn cát.

“Rừng cây phi lao này có độ tuổi trên 30 năm, hiện nay có hơn 200 cây bị sóng đánh trôi. Giải pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn tình trạng biển xâm thực gây sạt lở và cuốn trôi rừng phòng hộ là xây kè chắn sóng chứ trồng cây mới cũng không trồng được, bởi vì bây giờ nước biển chỉ cách rừng cây khoảng 20m, nếu có bão thì sóng tràn lên sẽ tiếp tục cuốn trôi những cây phi lao”, ông Tường nói.

bien-xam-thuc-3.jpg
Những cây phi lao có đường kính hơn 20cm cũng bị sóng đánh trôi ra biển

Ông Lê Anh Đức, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghi Xuân cho biết, chiều dài bờ biển tại xã Xuân Hội bị sạt lở khoảng 2,5km. Hiện tại bờ biển đã bị sạt lở vào với chiều rộng khoảng 20-30m. Hiện tượng này bắt đầu xảy ra nghiêm trọng từ tháng 10.2020 đến nay.

Đây là khu vực sạt lở được xếp vào diện đặc biệt nguy hiểm. Sau khi tình trạng sạt lở nghiêm trọng xảy ra, chính quyền xã và huyện đã cắm biển cảnh báo, tuyên truyền, vận động người dân tránh hoạt động ở khu vực nguy hiểm, đồng thời đề xuất, kiến nghị lên UBND tỉnh xây dựng công trình chắn sóng.

bien-xam-thuc-10.jpg
bien-xam-thuc-2.jpg
Nếu không có kè chắn sóng, rừng phòng hộ sẽ bị biển "nuốt" dần theo thời gian

“Huyện đã báo cáo và đề xuất lên cấp trên về việc cần có dự án xây dựng công trình kiên cố chắn sóng, các đoàn kiểm tra của tỉnh và Bộ NN-PTNT cũng đã về kiểm tra trực tiếp. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn nên đến nay công trình chưa được đầu tư, mà ngân sách địa phương thì không thể đảm bảo”, ông Đức cho hay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lo biển xâm thực ‘xóa sổ’ rừng phòng hộ