Từ ngày 28.3, nhà nước khuyến cáo mọi người ở nhà, hạn chế ra đường, trừ khi mua thực phẩm để chống COVID-19 đang tinh quái ranh ma, rình rập tấn công con người.

Ở nhà tránh... 'Cô Vy'

29/03/2020, 15:34

Từ ngày 28.3, nhà nước khuyến cáo mọi người ở nhà, hạn chế ra đường, trừ khi mua thực phẩm để chống COVID-19 đang tinh quái ranh ma, rình rập tấn công con người.

Sau khi Việt Nam xuất hiện thêm nhiều ca dương tính với COVID-19 mới, người dân hạn chế ra đường ở nhà tránh dịch
Không chờ khuyến cáo, trẻ con đã được nghỉ học từ trước Tết, hơn cả hè.
COVID-19 mới xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc; công việc còn lai rai, cầm cự. Khi giặc mới tràn qua Hàn Quốc, Ý, Tây Ban Nha, Mỹ và cả thế giới thì mọi hoạt động đóng băng mà trước tiên là du lịch. Bắt đầu là bớt việc, bớt người; dần dà bớt cửa và đóng luôn văn phòng. Xe cộ, tàu hỏa, máy bay nằm chỏng chơ. Nhân viên thất nghiệp, không ở nhà thì chạy đi đâu. Không ở nhà thuê thì về nhà mình ở quê.
Mấy bữa nay, con trai tôi được học trực tuyến. Gặp lại cô và bạn bè trên máy tính, cũng đỡ buồn. Cháu nói với mẹ “Con muốn đi học ở trường, vui hơn. Được chơi đá banh với các bạn”. Hình như đó là tâm trạng của đa phần học sinh và cả sinh viên. Đi học riết, chán. Ước được nghỉ vài bữa. Nghỉ nhiều quá, càng chán, thèm được đi học lại.
Đi làm cũng vậy, tối mặt tối mũi. Cuối tuần cũng tất bật. Giờ xả trại mấy tháng liền thì buồn, nhớ cơ quan, nhớ đồng nghiệp, mấy quán ăn và những món ngon vặt. Ở nhà cứ ăn, xem tivi, lên mạng, chán rồi ngủ. Lại ăn toàn món ngon vì có nhiều thời gian chọn lựa, nấu nướng. Chẳng bù cho lúc đi làm. Ngày nào cũng vội vàng, qua quýt. Không chừng ai cũng tăng cân.
Không có việc làm thì không có thu nhập. Trợ cấp chẳng bõ bèn gì, chưa đủ đóng tiền thuê nhà và điện nước. Cứ “Tung cánh chim tìm về tổ ấm” ở quê với cha mẹ cho nó lành. Vừa giảm khả năng lây nhiễm, vừa đỡ tốn kém, lại có dịp gần gũi người thân mà lâu nay, vì công việc bận rộn nên nhiều khi quên béng. Những người Việt tha hương càng muốn tìm về nguồn cội với quê cha đất tổ.
Ở các thành phố chỉ còn nghề may khẩu trang và pha chế rồi bán dung dịch rửa tay khử khuẩn là ăn nên làm ra. COVID-19 buộc nhiều ngành đóng cửa nhưng với nghề nông, nghề cá thì không thể. Nông dân vẫn ra ruộng. Ngư dân vẫn ra biển. Lại có dịp về với nghề xưa. Cứ tưởng lên tỉnh là thoát ly kiếp “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Giờ ra ruộng, ra vườn, ra biển; hít thở không khí trong lành, sảng khoái; mới giật mình cám ơn trời đất, tổ tiên.
Người xưa nói “Nhất sĩ, nhì nông; hết gạo chạy rông; nhất nông, nhì sĩ”. Sĩ ngày nay là các ngành dịch vụ nên được đổi lại là “Nhất sĩ, nhì nông; COVID-19 tấn công, thất nghiệp, lương không; nhất nông, nhì sĩ”. Thời buổi này, có quê để về là nhất. Quê đúng nghĩa, có đất có vườn chứ không phải quê tỉnh. Quê ở xa quá cũng đành chịu, vì đi lại khó khăn, phải cân nhắc thiệt hơn.
Ở nhà, mọi người có nhiều thời gian và quan tâm đến nhau hơn. Từ việc trao đổi, tâm sự, chuyện trò cho đến việc dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa; làm bạn và chơi với con cái. Những người mê đọc, thích viết, khoái tự học thì đây là thời cơ vàng. Tha hồ đọc những gì mình thích. Thoải mái viết những gì mình muốn. Tự do học thêm những gì mình đang kém, nhất là ngoại ngữ.
COVID-19 cũng giúp nhiều bợm cai nhậu, không thể túm tụm la cà quán xá. Không thể nhậu mình... ên mà phải có chiến hữu. Vậy là vừa đỡ tốn tiền, vừa đỡ mất thời gian và hại sức khỏe. Dân thành phố bỗng siêng năng tập thể dục, vừa rèn luyện sức khỏe, chống lên cân do ăn ngủ vô tư, vừa tận dụng thời gian rảnh hợp lý. Đường phố vắng lặng, thông thoáng đến bất ngờ.
COVID-19 chấm dứt nạn kẹt xe trầm kha, bớt thương đau vì mỗi ngày, chỉ riêng Việt Nam, hàng chục người ra đường không bao giờ về lại mái nhà xưa. Đường vắng nên hầu như không có gì để cướp giật. Ở Trung Quốc, chỉ 2 tuần giữa tháng 2, COVID-19 cắt giảm được 1/4 khí thải, tương đương 100 triệu tấn CO2. Mỗi năm, nạn ô nhiễm làm chết 1.100.000 người ở đại lục. Giảm 25% khí thải là cứu được 275.000 người, với điều kiện duy trì được mức giảm ô nhiễm.
Tất cả đều sống chậm. Cả thiên nhiên và những phương tiện phuc vụ công cộng được nghỉ ngơi sau hàng thế kỷ quay cuồng chóng mặt. Con người trở nên hiền lành, dễ thương và đối xử chân tình với môi trường sống. Mọi thứ đều phải tính toán, tiết kiệm theo thu nhập một cách hợp lý nhất. Chỉ có thời gian là dư dả.
COVID-19 buộc mọi người ở nhà và giác ngộ ra nhiều thứ.
Nguyễn Vũ Mộc Thiêng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ở nhà tránh... 'Cô Vy'