Có tới 1/3 tổng số trẻ em tử vong do COVID-19 ở Mỹ xảy ra trong đợt bùng phát đại dịch Omicron.

'Omicron giết nhiều trẻ em Mỹ hơn các biến thể trước, lứa dưới 1 tuổi dễ bị bệnh nặng nhất'

Sơn Vân | 11/03/2022, 18:05

Có tới 1/3 tổng số trẻ em tử vong do COVID-19 ở Mỹ xảy ra trong đợt bùng phát đại dịch Omicron.

Trẻ em dường như đang phải đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng từ COVID-19 khi các quy định về đeo khẩu trang giảm trên toàn quốc và tỷ lệ tiêm vắc xin ở lứa tuổi này đang ở mức thấp đáng báo động.

Jake Kane, bác sĩ chuyên khoa nhi và phó giáo sư nhi khoa tại bệnh viện cho trẻ em của Đại học Chicago Comer (Mỹ), nói: “Chúng tôi đã chứng kiến ​​một lượng lớn trẻ nhỏ nhập viện trong đợt dịch Omicron chưa từng thấy trong những tháng trước của đại dịch”.

Từ đầu năm đến nay, 550 trẻ em đã chết vì COVID-19 ở Mỹ, so với 1.017 trẻ em trong 22 tháng trước đó, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Omicron lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi vào tháng 11.2021 và chỉ trong vài tuần đã trở thành biến thể thống trị tại Mỹ.

Dù gây bệnh ít nghiêm trọng hơn Delta nhưng Omicron lây nhanh hơn các biến thể trước đó từ 3-5 lần, theo nghiên cứu gần đây của CDC.

Biến thể Omicron cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ nhỏ theo những cách khác với các phiên bản SARS-CoV-2 trước. Omicron có xu hướng lây nhiễm sang đường hô hấp trên, vốn hẹp ở trẻ em, có khả năng chống lại đáp ứng miễn dịch tự nhiên ở trẻ em tốt hơn các biến thể trước và dễ gây kích ứng hơn.

Jake Kane nói: “Omicron thực sự làm một điều gì đó khác biệt so với Delta”. Ông đã chứng kiến ​​những bệnh nhân trẻ hơn mắc các chứng bệnh tương tự như viêm phổi và viêm tiểu phế quản, có thể nguy hiểm ở trẻ nhỏ với “đường thở có đường kính bằng một chiếc bút chì”.

Sẽ không còn công bằng khi nói bóng gió rằng COVID-19 không ảnh hưởng đến trẻ em, rằng cái chết do COVID-19 chỉ xảy ra ở trẻ em không khỏe mạnh hoặc các bé có các yếu tố nguy cơ cao. Điều đó không đúng, theo dữ liệu", Jake Kane khẳng định.

Nhóm dưới 5 tuổi có số ca nhập viện cao kỷ lục trong vài tháng qua. Theo nghiên cứu gần đây của CDC, tỷ lệ nhập viện của trẻ em dưới 5 tuổi đã tăng gấp 5 lần ở đỉnh làn sóng dịch Omicron so với đợt dịch Delta.

Trong tất cả lứa tuổi của trẻ em, những bé dưới 1 tuổi có thể phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh nặng cao nhất, nhưng không thể thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa như người lớn tuổi. Trẻ em dưới 2 tuổi thường không đeo khẩu trang và lứa dưới 5 tuổi chưa đủ điều kiện để tiêm vắc xin COVID-19.

Gần 5 triệu trẻ em ở Mỹ đã mắc COVID-19 đến nay trong năm 2022 và số ca bệnh đang giảm mạnh. Phần lớn trẻ em mắc COVID-19 là những trường hợp nhẹ, nhưng điều đó có thể thay đổi khi các biến thể mới xuất hiện - Jake Kane gọi đó là "câu hỏi triệu đô".

"Omicron rất tồi tệ với trẻ em. Chúng tôi không biết các biến thể trong tương lai sẽ gây ra tác dụng gì. Chúng tôi không có đủ hiểu biết về khả năng bảo vệ khỏi sự lây nhiễm từ trước, nó tồn tại bao lâu, nó mạnh mẽ như thế nào”, theo Julia Raifman, trợ lý giáo sư tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Boston, người đã ghi nhận sự tăng mạnh về số ca tử vong do Omicron gây ra.

Theo bà Julia Raifman, trong những tháng tới, chúng ta sẽ thấy nhiều ca mắc COVID-19 hơn và nhiều trường hợp hơn sẽ luôn đồng nghĩa với việc nhập viện cũng như tử vong nhiều hơn, đặc biệt là với tỷ lệ tiêm vắc xin thấp.

Vắc xin COVID-19 có hiệu quả cao trong việc chống lại bệnh tật nặng, nhập viện và tử vong cho trẻ em. Song chưa đến 30% trẻ em từ 5 đến 11 tuổi ở Mỹ đã tiêm vắc xin COVID-19 và nhiều hơn một chút 1/2 số trẻ em từ 12 đến 17 tuổi được tiêm chủng.

Julia Raifman cho biết các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang nên được áp dụng tại các trường học và nhà trẻ, cũng như nơi làm việc và phương tiện giao thông công cộng của cha mẹ để bảo vệ trẻ em trong thời gian vi rút SARS-CoV-2 đang lưu hành.

Bà nói: “Những đứa trẻ còn quá nhỏ để đeo khẩu trang thực sự cần những người khác làm vậy để giảm lây truyền bệnh xung quanh chúng”.

omicron-giet-nhieu-tre-em-my-hon-cac-bien-the-truoc.jpg
Phụ huynh cùng con cái xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Trường tiểu học Ohlone ở thành phố Hercules, bang California, Mỹ trong đợt dịch Omicron - Ảnh: EPA

Theo nghiên cứu của CDC công bố hôm 8.3, việc yêu cầu đeo khẩu trang tại các trường học trong đợt dịch Delta vào mùa thu năm ngoái đã giúp giảm 23% số ca mắc COVID-19.

Julia Raifman nói rằng chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em trên toàn quốc cũng rất quan trọng, đặc biệt là tập trung vào các cộng đồng có thu nhập thấp với tỷ lệ phủ vắc xin ít.

COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề hơn đến các cộng đồng bị thiệt thòi, với tỷ lệ tiêm vắc xin và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế có xu hướng thấp hơn.

Vắc xin cung cấp một số biện pháp bảo vệ chống lại nhiễm SARS-CoV-2, giúp ngăn vi rút lây lan, khả năng bảo vệ tuyệt vời chống lại nhập viện và tử vong.

Julia Raifman nói việc tiêm vắc xin COVID-19 và nhận mũi tăng cường cho những trẻ em đủ điều kiện cũng giúp bảo vệ những đứa trẻ còn quá nhỏ, cũng như mang lại những lợi ích quan trọng khác.

Chúng ta chưa bao giờ đạt được tỷ lệ tiêm vắc xin đủ cao ở Mỹ. Chúng ta tụt hậu xa so với các quốc gia khác và điều đó khiến chúng tôi thực sự dễ bị tổn thương khi tiếp tục có tỷ lệ tử vong cao, nhập viện, gián đoạn xã hội, kinh tế”, bà nhận xét.

Những cái chết chỉ là một thước đo cho tác động của COVID-19. Julia Raifman nói: “Tình trạng COVID-19 kéo dài cũng là mối quan tâm của trẻ em; số ca nhập viện cao kỷ lục đang liên quan đến trẻ em”.

Giữa sự sợ hãi và kiệt sức do đợt bùng phát dịch Omicron, cảm giác bao trùm của Jake Kane là sự thất vọng, bởi các biện pháp đã được chứng minh có sẵn để giữ cho nhiều trẻ em không bị bệnh nặng hoặc tử vong.

Trẻ em không nên chết. Trẻ em không nên chết”, ông nói.

Bài liên quan
Chiếm đa số mẫu xét nghiệm ở Hà Nội, biến thể Omicron ‘tàng hình’ nguy hiểm ra sao?
Bộ Y tế thống kê 20 trên 30 quận huyện của Hà Nội đã ghi nhận biến thể Omicron, trong đó 87% mẫu xét nghiệm là BA.2.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Omicron giết nhiều trẻ em Mỹ hơn các biến thể trước, lứa dưới 1 tuổi dễ bị bệnh nặng nhất'