Bộ Y tế thống kê 20 trên 30 quận huyện của Hà Nội đã ghi nhận biến thể Omicron, trong đó 87% mẫu xét nghiệm là BA.2.

Chiếm đa số mẫu xét nghiệm ở Hà Nội, biến thể Omicron ‘tàng hình’ nguy hiểm ra sao?

Sơn Vân | 05/03/2022, 19:05

Bộ Y tế thống kê 20 trên 30 quận huyện của Hà Nội đã ghi nhận biến thể Omicron, trong đó 87% mẫu xét nghiệm là BA.2.

Bộ Y tế cho biết đa số quận, huyện của Hà Nội đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron, đồng thời cảnh báo nguy cơ lây nhiễm tăng cao.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng về công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế thống kê 20 trên 30 quận huyện của Hà Nội đã ghi nhận biến thể Omicron. Trong đó, 87% mẫu xét nghiệm là BA.2 (hay còn gọi là Omicron “tàng hình”).

Một tháng qua, số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội tăng gấp gần 10 lần, từ gần 3.000 ca hôm 6.2 lên 25.013 ca ngày 5.3.

UBND TP đánh giá 326 xã, phường của Hà Nội ở cấp độ 3, tức khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, tăng gấp hơn 4 lần so với tuần trước.

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tập trung giảm tăng số nặng, tử vong thông qua một loạt biện pháp như lập và quản lý chặt danh sách nhóm nguy cơ cao gồm người cao tuổi, nhiều bệnh nền như cao huyết áp, suy thận mạn tính, chạy thận nhân tạo, suy giảm miễn dịch, ung thư; ưu tiên tiêm chủng, đặc biệt là tiêm bổ sung cho nhóm nguy cơ cao và xét nghiệm sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm ca chuyển nặng; quản lý tốt bệnh nhân tầng một là các F0 không triệu chứng hoặc nhẹ, chuyển tuyến kịp thời khi có dấu hiệu trở nặng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết gian gần đây số ca mắc COVID-19 tăng lên chủ yếu do BA.2 (đã xuất hiện ở gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ), chiếm gần 90% tổng số các mẫu phát hiện ở trong nước.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định vắc xin hiện nay đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện. Vì vậy, việc tiêm vắc xin COVID-19 phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khả năng gây tái nhiễm của Omicron là có nên vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Ông Long nói hệ thống y tế Việt Nam vẫn đang trụ vững, tăng cường năng lực hồi sức và điều trị các ca nặng.

chiem-da-so-mau-xet-nghiem-o-ha-noi-bien-the-omicron-tang-hinh-nguy-hiem-ra-sao.jpg
BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần so với BA.1

Nhiều người từng nhiễm biến thể Delta cho rằng mình có “giáp hộ thể” nên tỏ ra chủ quan, không đeo khẩu trang và không tiêm mũi vắc xin thứ ba để rồi nhiễm tiếp Omicron không lâu sau đó.

Theo Statens Serum Institut (SSI) – Cơ quan bệnh truyền nhiễm hàng đầu Đan Mạch, BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần so với BA.1 (biến thể Omicron ban đầu). Không những thế, BA.2 lây nhiễm mạnh hơn ở những người đã tiêm 2 hay 3 mũi vắc xin so với BA.1.

Nghiên cứu phân tích các ca mắc COVID-19 trong hơn 8.500 hộ gia đình Đan Mạch từ tháng 12.2021 đến tháng 1.2022, cho thấy những người nhiễm BA.2 có nguy cơ lây truyền vi rút cho người khác cao hơn khoảng 33% so với những ai nhiễm BA.1.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi kết luận rằng Omicron BA.2 về cơ bản có khả năng lây truyền cao hơn BA.1 và nó cũng sở hữu các đặc tính tránh miễn dịch, làm giảm thêm tác dụng bảo vệ từ việc tiêm vắc xin”.

"Nếu tiếp xúc với ca nhiễm BA.2 trong gia đình, bạn có 39% xác suất lây vi rút trong vòng 7 ngày. Thay vào đó, nếu tiếp xúc với ca nhiễm BA.1, xác suất là 29%", theo Frederik Plesner, tác giả chính của nghiên cứu.

Theo Troels Lillebaek - Chủ tịch Ủy ban giám sát của Đan Mạch về các biến thể SARS-CoV-2, BA.2 có 5 đột biến độc nhất nằm trên một phần đặc biệt của protein gai liên quan đến khả năng truyền nhiễm cao hơn. Tuy nhiên, những người đã tiêm 2 hay 3 mũi vắc xin ít nguy cơ lây truyền BA.2 so với những ai chưa được tiêm phòng COVID-19.

Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Statens Serum Institut (SSI), những người nhiễm BA.1 có thể nhiễm BA.2 sau đó, nhưng đây là trường hợp hiếm khi xảy ra.

Các tác giả nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi cung cấp bằng chứng cho thấy việc tái nhiễm Omicron BA.2 là rất hiếm nhưng có thể xảy ra tương đối ngắn sau khi nhiễm BA.1”.

Các nhà nghiên cứu Đan Mạch cho biết thêm, việc nhiễm BA.2 sau BA.1 phần lớn ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi chưa tiêm vắc xin và chỉ gây ra bệnh nhẹ, không có trường hợp nào dẫn đến nhập viện hoặc tử vong.

Nghiên cứu đã tìm thấy 1.739 trường hợp nhiễm BA.2 sau BA.1 trong khoảng thời gian từ ngày 21.11.2021 đến ngày 11.2.2022, trong đó bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính hai lần cách nhau từ 20 đến 60 ngày.

Trong khoảng thời gian đó, hơn 1,8 triệu ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận ở Đan Mạch.

Từ một nhóm mẫu nhỏ hơn, nghiên cứu tìm thấy 47 trường hợp tái nhiễm BA.2 ngay sau khi nhiễm BA.1. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ít vi rút hơn ở lần nhiễm BA.2, cho thấy một số khả năng miễn dịch đã được phát triển từ lần nhiễm đầu tiên.

BA.1 và BA.2 khác nhau tới 40 đột biến. BA.2 chiếm phần lớn các mắc COVID-19 mới được xác định ở 10 quốc gia: Đan Mạch, Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Brunei Darussalam, Guam, Montenegro, Nepal, Pakistan và Philippines.

Một số triệu chứng ban đầu với BA.2 đã được báo cáo, quan chức y tế bang Washington (Mỹ) - Francisco Velazquez nói vào tuần trước. Trong đó, chóng mặt và mệt mỏi là triệu chứng cần theo dõi. Điều quan trọng là phải cảnh giác với các triệu chứng bất thường. Thật không may khi nhiễm BA.1 trước đó dường như không có khả năng bảo vệ chống lại nhiễm BA.2, ông Francisco Velazquez nói. Thế nhưng, tiêm 2 hay 3 mũi vắc xin COVID-19 sẽ giúp bảo vệ khỏi bệnh nặng hoặc tử vong.

BA.1 có các đặc điểm di truyền cụ thể cho phép các quan chức y tế nhanh chóng phân biệt nó với Delta bằng cách sử dụng một xét nghiệm PCR nhất định. Trong khi BA.2 không có cùng đặc điểm di truyền này. Trong xét nghiệm, BA.2 trông giống như Delta.

Tiến sĩ Wesley Long (nhà nghiên cứu bệnh học tại Houston Methodist ở bang Texas, Mỹ) nói: “Không phải là xét nghiệm PCR không phát hiện ra BA.2, chỉ là nó không giống Omicron. Đừng có ấn tượng rằng Omicron 'tàng hình' có nghĩa là chúng tôi không thể phát hiện ra nó. Tất cả các xét nghiệm PCR của chúng tôi vẫn có thể phát hiện ra nó".

Bài liên quan
Trung Quốc cho tiêm mũi vắc xin thứ 3 khác công nghệ, hé lộ hiệu quả với Omicron
Trung Quốc đang cung cấp mũi vắc xin COVID-19 tăng cường sử dụng công nghệ khác với hai liều ban đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiếm đa số mẫu xét nghiệm ở Hà Nội, biến thể Omicron ‘tàng hình’ nguy hiểm ra sao?