Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình lần thứ hai trong chưa đầy hai tuần nhấn mạnh tầm quan trọng về phát triển năng lực trí tuệ nhân tạo (AI) của nước này, khi cuộc chạy đua công nghệ Trung - Mỹ ngày càng căng thẳng.
Trong cuộc họp quan trọng của Ủy ban Trung ương về Tài chính và Kinh tế hôm 5.5, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc nên tận dụng khả năng của mình trong AI để giúp hiện đại hóa hệ thống công nghiệp của đất nước, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin.
Ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc nên nắm bắt các cơ hội do những đột phá khoa học và công nghệ mới, chẳng hạn AI, để xây dựng một hệ thống công nghiệp hiện đại “toàn diện, tiên tiến và không gây hại”.
Đây là lần thứ hai trong chưa đầy hai tuần gần đây, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh đến sự phát triển của AI. Bình luận này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang có những động thái nhằm làm chậm quá trình phát triển AI của Trung Quốc bằng cách hạn chế xuất khẩu các chất bán dẫn tiên tiến sang quốc gia châu Á này như CPU và GPU, vốn rất quan trọng để huấn luyện các mô hình AI tinh vi.
“Đẩy nhanh việc xây dựng một hệ thống công nghiệp hiện đại được hỗ trợ bởi nền kinh tế thực là rất quan trọng để chúng ta giành được thế chủ động chiến lược trong tương lai phát triển và cạnh tranh quốc tế”, ông Tập Cận Bình nói trong cuộc họp có sự tham dự của các quan chức Trung Quốc cấp cao khác.
Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc họp riêng vào ngày 28.4 tổng kết cuộc họp hàng quý của Bộ Chính trị Trung Quốc về phát triển kinh tế và xã hội, Bộ Chính trị nước này đã kết luận rằng phải “chú ý đến sự phát triển của generative AI, tạo ra một hệ sinh thái cho sự đổi mới, nhưng đồng thời phải tính đến việc phòng ngừa rủi ro”.
Đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc đưa generative AI vào một tuyên bố của Bộ Chính trị, phản ánh tín hiệu khác nhau của quốc gia này với dịch vụ tương tự ChatGPT.
Dường như việc thúc đẩy tiến bộ của AI được khuyến khích, nhưng đồng thời cũng có những lo ngại về hậu quả từ việc làm này.
Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.
Chính phủ Mỹ cũng đang chú ý đến AI. Hôm 4.5, Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã gặp giám đốc điều hành các công ty AI hàng đầu, gồm cả Google, Microsoft, OpenAI và Anthropic, để nói rõ rằng họ phải đảm bảo sản phẩm của mình an toàn trước khi được triển khai ra công chúng.
Phó tổng thống Mỹ - Kamala Harris nói với các giám đốc điều hành rằng họ có nghĩa vụ về “đạo đức” để bảo vệ xã hội khỏi những nguy cơ tiềm ẩn từ AI.
Sau cuộc đàm phán, bà Kamala Harris cho biết các hãng công nghệ lớn “phải tuân thủ luật pháp hiện hành để bảo vệ người dân Mỹ cũng như đảm bảo an toàn và bảo mật cho các sản phẩm của họ”.
Tổng thống Joe Biden cũng nhấn mạnh vào điểm đó khi nói rằng: “Những gì bạn đang làm có tiềm năng to lớn và nguy hiểm cũng rất lớn. Tôi biết bạn hiểu điều đó. Tôi hy vọng bạn có thể giới thiệu cho chúng tôi về những gì bạn nghĩ là cần thiết nhất để bảo vệ xã hội cũng như sự tiến bộ”.
Nhà Trắng đã sử dụng cuộc họp hôm 4.5 để công bố các hành động mới nhằm “thúc đẩy sự đổi mới có trách nhiệm của Mỹ trong lĩnh vực AI”. Điều đó bao gồm cả việc cấp quỹ 140 triệu USD để mở rộng nghiên cứu AI và thiết lập một hệ thống đánh giá sẽ hợp tác với các hãng công nghệ lớn để “khắc phục sự cố”.
Vào đầu tuần này, nhà khoa học máy tính Geoffrey Hinton (có biệt danh là “Bố già của AI”) sau khi rời Google đã cảnh báo rằng sự cạnh tranh giữa các gã khổng lồ công nghệ đang thúc đẩy việc tung ra các công nghệ AI mới ở một tốc độ nguy hiểm, đe dọa việc làm và có thể góp phần lan truyền tin giả.
Có những đóng góp vào lĩnh vực AI từ nhiều thập kỷ trước, mở đường cho việc tạo ra các chatbot ngày nay, Geoffrey Hinton nói rằng giờ đây ông lo ngại công nghệ này có thể gây hại với loài người.
Các chuyên gia an ninh mạng cũng cảnh báo generative AI như ChatGPT sẽ được sử dụng như vũ khí bởi các kẻ lừa đảo trong cuộc chạy đua an ninh mạng.
ChatGPT, chatbot do OpenAI phát triển, đã trở thành thành công lớn nhất của AI trong thập kỷ qua, được nhiều người ca ngợi là “khoảnh khắc iPhone” của AI.
Khả năng hiểu ngôn ngữ của con người và thực hiện nhiều nhiệm vụ văn phòng đã làm dấy lên lo ngại rằng lực lượng lao động con người có thể sớm mất đi lợi thế cạnh tranh trước AI.
Ở Trung Quốc, các dịch vụ tương tự ChatGPT được nhắc đến nhiều trong giới doanh nhân, công ty khởi nghiệp và các hãng công nghệ lớn.
Khi ChatGPT vẫn chưa chính thức khả dụng tại Trung Quốc, các công ty trong nước đã chạy đua để tung ra các công nghệ tương tự chatbot của OpenAI.
Hãng tìm kiếm khổng lồ Baidu, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, hãng game NetEase và công ty AI SenseTime đều đã ra mắt các dịch vụ tương tự ChatGPT của riêng họ.
Bất chấp sự phấn khích về AI, việc phát triển công nghệ này ở Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều trở ngại do sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền với tự do ngôn luận, cũng như lệnh cấm Trung Quốc mua chip tiên tiến từ Mỹ.
Hồi tháng 4, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC), cơ quan giám sát internet nước này, đã tiết lộ một bộ quy tắc dự thảo mới nhắm mục tiêu vào các dịch vụ tương tự ChatGPT.
Các công ty cung cấp dịch vụ generative AI ở Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn nội dung phân biệt đối xử, thông tin sai lệch và nội dung gây hại cho quyền riêng tư cá nhân hoặc sở hữu trí tuệ, theo quy định đề xuất do CAC công bố.
CAC cho biết các doanh nghiệp cũng nên đảm bảo rằng các sản phẩm của họ tôn trọng giá trị xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc và không tạo ra nội dung gợi ý lật đổ chế độ, bạo lực, nội dung khiêu dâm hoặc phá vỡ trật tự kinh tế và xã hội.
Tất cả sản phẩm generative AI phải vượt qua đánh giá bảo mật của CAC trước khi phục vụ công chúng, theo yêu cầu từ quy định năm 2018 về các dịch vụ thông tin trực tuyến có khả năng gây ảnh hưởng đến dư luận.
Trang SCMP đã đánh giá về 4 chatbot ở Trung Quốc gồm Ernie Bot của Baidu, Tongyi Qianwen của Alibaba, Spark Desk của iFlyTek và SenseChat của SenseTime. Kết quả cho thấy tất cả các điều khoản sử dụng 4 sản phẩm này đều quy định rằng những người thử nghiệm ban đầu không được dùng chúng để phổ biến thông tin "gây hại đến an ninh quốc gia" hoặc "lật đổ chế độ" và phải "duy trì môi trường trực tuyến sạch và trong sáng'".
Các nhà phân tích nói rằng chính quyền Trung Quốc đang cố gắng cân bằng sự đổi mới và kiểm soát.
Hanna Dohmen, nhà phân tích nghiên cứu tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Đại học Georgetown (Mỹ), cho biết các quy định của Trung Quốc “trao cho chính phủ quyền hạn rộng lớn để hạn chế các hoạt động gây nguy hiểm cho lợi ích an ninh quốc gia, làm tổn hại hình ảnh quốc gia hoặc làm gián đoạn nền kinh tế”.
Tiến sĩ You Chuanman, Giám đốc Trung tâm Quy định và Quản trị Toàn cầu IIA thuộc Đại học Trung văn Hồng Kông, nhận xét: “Các cơ quan quản lý cũng phải đối mặt với áp lực xã hội và thể chế. Họ cần chứng tỏ rằng đang thực hiện quy định đáp ứng tất cả vấn đề mới này. Họ phải hành động theo cách này hay cách khác, dù điều đó có được thị trường hoan nghênh hay không”.
Theo You Chuanman, bất chấp những lo ngại, Trung Quốc vẫn đang thúc đẩy nghiên cứu cơ sở hạ tầng về AI, nhưng phần khó khăn là khi áp dụng công nghệ liên quan đến việc người tiêu dùng tiếp cận thông tin chưa được kiểm duyệt.
"Theo bản chất, điều đó liên quan đến nội dung mà generative AI tạo ra, thuộc vấn đề gây tranh cãi nhất trong quy định internet của Trung Quốc", ông nói.