Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã hoãn trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan đến các vấn đề ở Tân Cương để tránh làm ảnh hưởng các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Trung Quốc.
Được biết, thỏa thuận giai đoạn 1 mà Trung Quốc và Mỹ được ký kết vào tháng 1 là một thỏa thuận tạm thời với sự nhượng bộ lẫn nhau để tiếp tục giải quyết cuộc đối đầu thương mại. Theo đó, Mỹ cam kết hủy đợt áp thuế mới dự kiến vào tháng 12.2019, đồng thời giảm thuế với 120 tỉ USD hàng hóa xuống 7,5%. Còn Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ, trong đó có 40 tỉ USD nông sản.
Trong cuộc phỏng vấn của Axios hôm 21.6, khi được hỏi vì sao không ban hành các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các quan chức Trung Quốc có liên quan đến đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, ông Trump cho biết: "Chà, chúng tôi đang ở giữa một thỏa thuận thương mại quan trọng. Tôi đã áp thuế lên Trung Quốc, điều này còn tồi tệ hơn bất kỳ lệnh trừng phạt nào mọi người có thể nghĩ tới cho đến thời điểm này".
Liên Hợp Quốc hiện ước tính có tới hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại cải tạo ở Tân Cương, Trung Quốc. Tuy nhiên Bắc Kinh liên tục phủ nhận các cáo buộc, đồng thời khẳng định các trại giam quy mô lớn tại Tân Cương chỉ là “trung tâm giáo dục” hoàn toàn tự nguyện, và thường xuyên chỉ trích bất cứ ai lên tiếng hoặc kêu gọi đưa vấn đề này ra luật pháp.
Tuần trước, ông Trump đã ký luật kêu gọi trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Tân Cương, đe dọa đến các mối quan hệ, vốn đang xấu đi vì dịch COVID-19, giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đạo luật kêu gọi trừng phạt những người dính líu tới cáo buộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương.
Cụ thể, đạo luật yêu cầu Nhà Trắng đệ trình báo cáo lên quốc hội trong vòng 180 ngày, xác định những người được coi là chịu trách nhiệm ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ. Những cá nhân này sẽ bị trừng phạt bằng những hình thức như đóng băng tài sản ở Mỹ và bị từ chối nhập cảnh.
Ngoài ra, đạo luật cũng kêu gọi các công ty và công dân Mỹ đang hoạt động tại khu vực Tân Cương thực hiện các biện pháp để đảm bảo chuỗi cung ứng của họ không bị ảnh hưởng bởi lực lượng lao động “bị cưỡng ép” tại đây.
Trước đây, các quan chức Mỹ từng kiềm chế các biện pháp trừng phạt chống lại các quan chức Trung Quốc liên quan đến Tân Cương vì lo ngại về các vấn đề thương mại và ngoại giao.
Đáng chú ý, trong cuốn sách mới của mình, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã cáo buộc ông Trump khuyến khích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xây các trại cải tạo ở Tân Cương. Tổng thống Trump sau đó đã bác bỏ các cáo buộc được nêu trong cuốn sách của ông Bolton.
Trang Nhung (theo CNN)