Bộ Công Thương khẳng định việc cắt giảm các nhà máy năng lượng tái tạo là tình huống bắt buộc trong bối cảnh quá tải cục bộ hiện nay.

Phát triển quá 'nóng', bắt buộc phải cắt giảm điện tái tạo

Tuyết Nhung | 15/03/2021, 17:49

Bộ Công Thương khẳng định việc cắt giảm các nhà máy năng lượng tái tạo là tình huống bắt buộc trong bối cảnh quá tải cục bộ hiện nay.

Tại văn bản số 1226/BCT-ĐTĐL ngày 9.3.2021 gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết kiến nghị của Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam, Bộ Công Thương khẳng định việc cắt giảm các nhà máy năng lượng tái tạo hiện nay là bắt buộc.

dien-evn-nang-luong-tai-tao-15997298168041450125873(1).jpg
Điện mặt trời phát triển quá nóng thời gian qua - Ảnh: Internet

Bộ Công Thương lý giải: Sự phát triển nhanh với quy mô công suất lớn của các nguồn năng lượng tái tạo tập trung tại một số khu vực miền Trung, miền Nam đã gây ra hiện tượng quá tải cục bộ, quá tải lưới điện truyền tải liên kết miền và hệ thống điện dư thừa công suất phát so với nhu cầu phụ tải trong một số thời điểm, tình huống cụ thể. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu phụ tải điện tăng trưởng thấp, dẫn tới trong một số tình huống trong thời gian thấp điểm của hệ thống như các dịp lễ, tết, ngày cuối tuần hoặc thấp điểm trưa hàng ngày hệ thống điện dư thừa công suất phát so với phụ tải tiêu thụ.

Theo Bộ Công Thương, đây là các tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh hệ thống điện vì có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao, thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn bộ hệ thống điện quốc gia nếu không có ngay các mệnh lệnh điều độ chuẩn xác, được thực hiện kịp thời và các giải pháp khẩn cấp khác.

Mặc dù Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia (A0) đã thực hiện giảm phát các nguồn năng lượng truyền thống đến giới hạn kỹ thuật với cấu hình tối thiểu nhưng hệ thống điện vẫn dư thừa công suất, do đó A0 bắt buộc phải cắt giảm tiếp các nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo giữ tần số hệ thống điện trong giới hạn kỹ thuật cho phép, tránh sụp đổ hệ thống điện, gây tổn thất nghiêm trọng tới toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh tế và đời sông người dân trên cả nước.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương đã có hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và A0. Trong đó yêu cầu EVN và A0 tính toán và công bố mức điều tiết giảm công suất huy động của các nhà máy điện, chỉ huy thực hiện, phù hợp với cơ cấu nguồn điện đang phát, công suất truyền tải giữa các vùng/miền, mức dự phòng quay và dự phòng khởi động nhanh cần thiết... tại thời điểm phải điều tiết giảm, tuân thủ theo nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, thực hiện đồng đều giữa các loại hình, không phân biệt đó là các loại hình nguồn điện phải có giấy phép hoạt động điện lực hay được miễn trừ.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 478/QĐ-BCT (ngày 9.2.2021) về việc dịch chuyển giờ phát cao điểm các nhà máy thủy điện nhỏ nhằm tối ưu huy động các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện.

Bộ Công Thương cho rằng: "Việc cắt giảm các nhà máy năng lượng tái tạo là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện, việc tiết giảm được EVN/A0 tính toán, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng cho tất cả các nhà máy mà không phân biệt chủ đầu tư".

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch nhiều công trình lưới điện truyền tải nhằm tăng cường, đảm bảo giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo. Đồng thời Bộ Công Thương đã chỉ đạo, đôn đốc và thường xuyên giám sát EVN và các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình lưới điện nhằm đảm bảo giải tỏa công suất của các nguồn năng lượng tại tạo, hạn chế tối đa việc cắt giảm các nguồn năng lượng tái tạo.

Về phía EVN, ông Trần Đình Nhân – Tổng Giám đốc EVN khẳng định, Tập đoàn đã thực hiện giảm phát các nguồn năng lượng truyền thống như: thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí đến giới hạn kỹ thuật để ưu tiên cao nhất cho năng lượng tái tạo. Việc tiết giảm các nguồn điện được EVN triển khai công khai, minh bạch, công bằng với tất cả các chủ đầu tư và tuân thủ các nguyên tắc của vận hành hệ thống điện.

Cùng đó, EVN cũng đã kiến nghị và được Bộ Công Thương chấp thuận dịch chuyển giờ phát điện cao điểm các nhà máy thủy điện nhỏ từ khung thời gian 9 giờ 30 - 11 giờ 30 sang khung thời gian 6 giờ 00 - 8 giờ 00 trong các ngày từ thứ 2 đến thứ 7, nhằm đảm bảo nguồn năng lượng tái tạo được huy động tối đa.

Thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục báo cáo, đề xuất Bộ Công Thương, Chính phủ các giải pháp phát triển hệ thống điện đảm bảo cân bằng giữa nguồn và lưới; cân bằng giữa các vùng miền... Tập đoàn cũng đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ những dự án lưới điện truyền tải đã có trong quy hoạch; báo cáo Bộ Công Thương về cơ chế đầu tư pin tích trữ năng lượng.

Trong công tác vận hành, A0 đã thuê tư vấn nước ngoài tư vấn về vận hành hệ thống điện trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo tăng cao, đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.

Bài liên quan
TS Cấn Văn Lực: Có hiện tượng lách luật, chạy dự án năng lượng tái tạo
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng hiện tượng chạy dự án năng lượng tái tạo xuất hiện gần đây gây khó khăn cho các cơ quan quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển quá 'nóng', bắt buộc phải cắt giảm điện tái tạo