Nhân dịp kỷ niệm 4 năm phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hague về Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr tái khẳng định lập trường không thỏa hiệp và kêu gọi Trung Quốc nghiêm túc tuân thủ phán quyết này.
Trong một thông báo được đưa ra hôm 12.7, ông Locsin cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 về Biển Đông không chỉ là chiến thắng cho nước này mà còn là cho những quốc gia tuân thủ luật pháp.
"Tòa đã phán quyết rằng các đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong vùng biển… không có cơ sở pháp lý. Phillipines – với tư cách là một quốc gia luôn tuân thủ luật pháp, yêu hòa bình và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nhân dịp này tái khẳng định việc giữ vững phán quyết và thực thi mà không có khả năng thỏa hiệp hay thay đổi", ông Locsin nói.
Ngoại trưởng Philippines khẳng định phán quyết Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực là "không thể thương lượng", và kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết với "thiện chí", bằng tư cách của quốc gia đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982.
"Tuân thủ phán quyết một cách thiện chí sẽ là phù hợp với nghĩa vụ của Phillipines và Trung Quốc theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS mà hai nước đã ký kết", ông Locsin nhấn mạnh.
Tuyên bố được đưa ra nhân dịp 4 năm ngày Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) đưa ra phán quyết Biển Đông. Philippines đầu năm 2013 nộp hồ sơ kiện "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Ngày 12.7.2016, PCA ra phán quyết khẳng định "đường 9 đoạn" không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc từ chối tham gia vào tiến trình của vụ kiện và từ đó tới nay vẫn ngang ngược bác bỏ phán quyết. Bắc Kinh phớt lờ phán quyết bằng cách gia tăng các hành động khiêu khích với các quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong vài tháng qua, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông bằng cách lập đơn vị hành chính tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc còn tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông và Hoàng Hải, đồng thời Trung Quốc cấm các tàu dân sự đến gần khu vực quần đảo Hoàng Sa từ ngày 1 đến 5.7. Động thái này vấp phải sự lên án mạnh mẽ từ Mỹ và các quốc gia trong khu vực.
Trang Nhung (theo Globalnews, Rappler)