Một viện nghiên cứu của Đức đang theo dõi nguồn tài trợ chảy vào Kyiv từ các đồng minh khi cuộc chiến tại Ukraine kéo dài hơn 10 tháng.
Chỉ mới tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết hỗ trợ thêm 45 tỉ USD cho Ukraine – hiện đang được quốc hội nước này xem xét. Nếu đề xuất được thông qua sẽ là gói viện trợ thứ 4 của Mỹ dành cho Ukraine, nâng tổng số tiền phân bổ cho Ukraine kể từ tháng 2 lên con số gần 100 tỉ USD.
Con số đáng kinh ngạc này đã khiến nhiều nhà lập pháp Mỹ chỉ trích rằng Ukraine chỉ là "con tốt" trong “chiến tranh ủy nhiệm” do Mỹ tiến hành chống lại Nga. Tuy nhiên, nhiều học giả quan hệ quốc tế và các chuyên gia lại có quan điểm khác.
“Rõ ràng đây không phải là một cuộc chiến ủy nhiệm. Chiến tranh ủy nhiệm là chiến tranh gián tiếp, thường được tiến hành một cách bí mật, không thể phủ nhận và nằm ngoài giới hạn của luật pháp quốc tế. Quan hệ đối tác Mỹ-Ukraine là một trường hợp điển hình về hỗ trợ song phương về quân sự và kinh tế”, Vladimir Rauta, giảng viên chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Reading (Anh), nói với Al Jazeera.
Bên cạnh Mỹ, châu Âu đã đóng góp không nhỏ cho mối quan hệ đối tác kinh tế-quân sự với Ukraine nhưng rất khó để theo dõi chính xác số tiền được phân bổ cho Ukraine. Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW), một viện nghiên cứu của Đức, có khả năng cung cấp những con số khá chính xác dựa trên công cụ theo dõi sự trợ giúp quân sự, dịch vụ nhân đạo và viện trợ tài chính cho Ukraine từ phương Tây.
“Việc tính toán những con số này có thể là một thách thức”, Andre Frank, một nhà kinh tế tại IfW, nói với Al Jazeera. “Những trở ngại chính là sự sẵn có của thông tin, đặc biệt là thông tin chính thống và định giá các mặt hàng quân sự. Chúng tôi lấy thông tin từ các nguồn chính thức của chính phủ khi được đưa ra. Bất cứ khi nào không có thông tin chính thức, chúng tôi sẽ bổ sung bằng các báo cáo truyền thông đáng tin cậy”, ông nói.
Một vấn đề với phương pháp này là thông tin chính thức từ Mỹ hoặc Anh về viện trợ quân sự có thể không đầy đủ. “Công việc của chúng tôi chỉ có thể suôn sẻ chỉ khi thông tin chính thức được công bố một cách công khai”, Frank nói thêm.
Theo nhà kinh tế Andre Frank Viện Kinh tế Thế giới Kiel, các nước Đông Âu, Baltic và Scandinavi nhìn chung minh bạch khi công khai số lượng hạng mục và tổng giá trị các gói viện trợ quân sự cho Ukraine. Trong cùng hạng mục, các quốc gia như Tây Ban Nha, Ý và Bồ Đào Nha dường như lại "ẩn" thông tin.
Đức, nhà lãnh đạo thực tế của châu Âu đã bàn giao thiết bị quân sự từ các kho dự trữ đã ngừng hoạt động và do đó khó có thể đánh giá giá trị hiện tại. “Các quốc gia như Đức cung cấp một danh sách chi tiết về số lượng các mặt hàng đã cam kết và đã giao cho Ukraine, tuy nhiên, không có dấu hiệu nào về giá trị. Điều này khiến công việc của chúng tôi trở nên vô cùng khó khăn vì một số mặt hàng do Đức gửi đến là hàng dự trữ của quân đội Đức, vốn đã được sử dụng hơn 10 năm, khiến việc ước tính giá tốt gần như là không thể”, Frank nói.
Dựa trên số liệu của IfW, không có gì ngạc nhiên khi Mỹ đã cung cấp hỗ trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine. “Cho đến nay, nước đóng góp viện trợ quân sự lớn nhất là Mỹ với các cam kết hiện tại là 24,37 tỉ USD. Anh đã cam kết số tiền lớn thứ hai, 4,40 tỉ USD”, Frank nói.
London đã cung cấp hoặc cam kết với Ukraine bệ phóng tên lửa M270, hàng nghìn vũ khí chống tăng, hàng trăm tên lửa tầm ngắn, xe bọc thép và một số hệ thống phòng không Starstreak. Ngay sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng đã hứa cung cấp thêm 125 tên lửa phòng không.
Trong khi đó, Đức đứng thứ 3 sau Mỹ và Anh về dòng viện trợ quân sự, với 2,49 tỉ USD cho đến nay. London và Berlin chịu trách nhiệm về phần hỗ trợ lớn nhất của châu Âu. Theo IfW, các quốc gia thành viên EU đã cung cấp tổng cộng 9,18 tỉ USD cho viện trợ quân sự tại Ukraine. Chưa dừng lại ở đó, các quốc gia và tổ chức của EU còn quyết định từ tháng tới sẽ viện trợ Ukraine thêm hơn 19,17 tỉ USD. Như vậy, tổng số tiền mà châu Âu sẽ hỗ trợ cho Kyiv lên đến 55,4 tỉ USD.