Các nhà ngoại giao phương Tây đã bày tỏ lo ngại về chính sách tách riêng trẻ em nhiễm COVID-19 khỏi cha mẹ của chúng như một biện pháp không thể thiếu trong công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh tại Thượng Hải.
Dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt cùng chiến lược “Zero COVID” của Trung Quốc, bất kỳ ai được phát hiện dương tính với COVID-19, ngay cả khi họ không có triệu chứng hoặc chỉ nhiễm nhẹ, đều bắt buộc phải cách ly.
Chính sách này cũng được áp dụng đối với cả những trẻ em mắc COVID-19 nếu các thành viên còn lại trong gia đình không nhiễm bệnh. Chính sách này, được Ủy ban Y tế Thượng Hải xác nhận hôm 4.4, đã gây nên nhiều sự lo âu trên khắp thành phố.
Các nhà ngoại giao từ hơn 30 quốc gia đã viết thư cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các nhà chức trách không thực hiện chính sách này.
"Chúng tôi yêu cầu cha mẹ và con cái trong mọi trường hợp không được tách rời nhau", lá thư do lãnh sự quán Pháp tại Thượng Hải gửi cho văn phòng ngoại vụ Thượng Hải hôm 31.3 nêu.
Trong một bức thư riêng gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày, Đại sứ quán Anh tại Bắc Kinh cho biết họ lo ngại về "những trường hợp gần đây khi chính quyền địa phương tìm cách tách những trẻ vị thành niên có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 khỏi cha mẹ của chúng" và yêu cầu đảm bảo rằng điều này sẽ không xảy ra với các nhân viên ngoại giao.
Lãnh sự quán Pháp và đại sứ quán Anh đều cho biết họ đang viết thư thay mặt cho các quốc gia khác, bao gồm các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng như các quốc gia khác bao gồm Na Uy, Thụy Sĩ, Úc và New Zealand sau khi nghe về những khó khăn do việc phong toả tại Thượng Hải gây ra.
Những trường hợp nhiễm COVID-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng nên được gửi đến "một môi trường cách ly chuyên biệt với nhân viên y tế có thể giao tiếp bằng tiếng Anh", thư lãnh sự Pháp cho biết.
Hiện tại, các trường hợp nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc không có triệu chứng được gửi đến các trung tâm cách ly tập trung, một số trong số đó đã được mô tả là mất vệ sinh và quá đông đúc.
Đại sứ quán Anh cho biết có những lo ngại về điều kiện sinh hoạt và sự thiếu riêng tư trong các cơ sở cách ly tại Trung Quốc được triển khai gần đây.
Người phát ngôn của lãnh sự quán cho biết: "Tổng Lãnh sự quán Anh tại Thượng Hải đã và đang nêu quan ngại về các khía cạnh khác nhau của các chính sách đối phó với COVID-19 hiện nay có liên quan đến tất cả các công dân Anh tại Trung Quốc với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc".
Trong khi đó, lãnh sự quán Pháp và tổng lãnh sự quán Úc tại Thượng Hải từ chối bình luận về vấn đề trên song họ cho biết đã tham gia với chính quyền địa phương về các hạn chế COVID-19.
Tổng lãnh sự Mỹ tại Thượng Hải, Jim Heller, nói với các thành viên của một nhóm trò chuyện riêng dành cho công dân Mỹ rằng lãnh sự quán đã nhấn mạnh nhiều mối quan tâm trong bức thư của châu Âu với chính quyền Thượng Hải.
Người phát ngôn đại sứ quán Mỹ từ chối bình luận về nhận xét của Heller nhưng cho biết đại sứ quán đang tham gia vào chính sách liên quan đến COVID-19 với chính phủ Trung Quốc.
Các quốc gia khác như Na Uy, Thụy Sĩ và New Zealand, được đề cập trong các bức thư đã không đưa ra lời bình luận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào.
Ngày 4.4, quan chức Thượng Hải Wu Qianyu nói trong một cuộc họp báo rằng trẻ em có thể được ở cùng với cha mẹ nếu cha mẹ cũng bị nhiễm COVID-19, nhưng sẽ tách ra nếu không nhiễm bệnh. Ông cũng cho biết thêm rằng các chính sách vẫn đang được hoàn thiện.
Tính đến chiều ngày 4.4 (giờ địa phương), Thượng Hải đã ghi nhận 9.000 trường hợp nhiễm mới và là tâm chấn của đợt bùng phát lần này ở Trung Quốc.
Hiện khoảng 25 triệu người ở Thượng Hải, thành phố lớn nhất và là trung tâm tài chính của Trung Quốc, vẫn đang phải ở trong nhà vì lệnh phong tỏa, trong khi chính quyền thành phố cố gắng ngăn chặn đợt bùng phát nghiêm trọng nhất của thành phố.
Cùng ngày 4.4, chính quyền Trung Quốc cũng đã quyết định cử quân đội và hàng nghìn nhân viên y tế đến Thượng Hải để giúp quá trình xét nghiệm tầm soát cho tất cả 26 triệu cư dân ở đây.