Trong khi các nước trên thế giới cảnh báo công dân của họ tránh đến Ukraine trước khi xung đột quân sự sắp xảy ra thì Trung Quốc lại không có hành động đáng kể nào cho đến ngày Nga bắt đầu cuộc chiến.
Thay vào đó, Bắc Kinh đã làm giảm khả năng xảy ra xung đột, do đó bỏ lỡ cơ hội sơ tán công dân Trung Quốc một cách an toàn. Thông tin do Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine đăng tải cho thấy, phái đoàn ngoại giao Trung Quốc đã 3 lần thay đổi lập trường về cuộc khủng hoảng tại Ukraine trong vòng chưa đầy một tuần.
Ban đầu, Trung Quốc công nhận cuộc chiến Nga - Ukraine là một cuộc xung đột khu vực. Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine sau đó đã khuyến khích công dân Trung Quốc dán cờ Trung Quốc trên xe ô tô để giúp đảm bảo an toàn cho họ. Nhưng chỉ trong vòng 48 giờ, cơ quan này đã thay đổi giọng điệu và kêu gọi công dân Trung Quốc không tiết lộ danh tính do lo ngại về an ninh.
Ngoài ra, đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine chỉ bắt đầu đăng ký công dân của mình cho một cuộc di tản vào ngày 24.2, cùng ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội tiến vào Ukraine. Quá trình đăng ký có hạn chót là ngày 27.2, ba ngày sau khi Ukraine tuyên bố đóng cửa không phận đối với tất cả các chuyến bay thương mại. Ngược lại, Singapore bắt đầu khuyên công dân nước này nên rời đi sớm nhất là vào ngày 13.2 còn Đài Loan đã cập nhật thông tin tư vấn du lịch của mình để kêu gọi công dân không đến Ukraine vào ngày 16.2.
Mặc dù các dịch vụ lãnh sự Trung Quốc thường bị chỉ trích là có thái độ phục vụ không tốt, nhưng sự quản lý yếu kém mới nhất của đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine không chỉ là vấn đề về tính chuyên nghiệp và kỹ năng giao tiếp. Đó có lẽ là dấu hiệu thuyết phục nhất cho thấy Trung Quốc đã không chuẩn bị và bị bất ngờ trước việc Nga động binh. Điều này bất chấp thực tế là vào ngày 4.2, Trung Quốc và Nga đã có một cuộc họp mở rộng xoay quanh các vấn đề an ninh và quốc tế. Hai nước sau đó đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi hòa bình, phát triển và hợp tác.
Giờ đây, Trung Quốc đang cố gắng giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan ở Ukraine. Mặc dù có thể nhìn thấy những cảnh báo từ các quốc gia khác trên thế giới trong những tuần dẫn đến xung đột nhưng phái đoàn ngoại giao Trung Quốc tại Kyiv dường như biết rất ít về cuộc xung đột sắp xảy ra này.
Đầu tháng 1, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị còn tuyên bố rằng không có giới hạn khi nói đến quan hệ Trung Quốc - Nga. Song, lập trường của Trung Quốc kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự Ukraine cho thấy sự miễn cưỡng ủng hộ hoàn toàn hành động của Moscow mặc dù có lợi ích lãnh thổ tương tự. Trong khi không đứng về phía cộng đồng quốc tế lên án các hành động quân sự của Nga, Trung Quốc đã chọn bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án Nga, để Moscow một mình phủ quyết.
Thông điệp mâu thuẫn từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục cho thấy, Trung Quốc đã không chuẩn bị để thể hiện một lập trường rõ ràng trong bối cảnh chiến tranh Nga - Ukraine. Trung Quốc dường như đã thể hiện một lập trường phức tạp là kêu gọi các nước tôn trọng chủ quyền của Ukraine trong khi tôn trọng tính hợp pháp của các nhu cầu an ninh của Nga.
Trung Quốc đang ở giữa tình thế tiến thoái lưỡng nan về ngoại giao khi lợi ích kinh tế của họ chống lại lợi ích ý thức hệ và chính trị của họ.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine. Ukraine cũng là một đối tác quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đặc biệt là ở châu Âu. Năm 2021, Trung Quốc cũng trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU, bất chấp những khác biệt chính trị đáng kể giữa hai bên. Để tuân thủ các lệnh trừng phạt toàn cầu chống lại Nga, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã phải ngừng tài trợ cho các nỗ lực chiến tranh của Nga chống lại Ukraine hoặc có nguy cơ bị loại khỏi các thị trường béo bở nhất thế giới, đó là EU và Mỹ.
Ngược lại, liên minh Trung Quốc - Nga lại không mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho Trung Quốc. Theo dữ liệu do hải quan Trung Quốc công bố, tổng giá trị thương mại Trung - Nga là khoảng 147 tỷ USD, chiếm 2,4% tổng giá trị thương mại toàn cầu của Trung Quốc là 6,05 nghìn tỷ USD vào năm 2021.
Tuy vậy, quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Nga được thúc đẩy bởi những kẻ thù chung của hai nước. Trước sức ép đáng kể từ các cường quốc trên thế giới, Trung Quốc quyết định xích lại gần Nga. Tuy nhiên, đối với Nga, Trung Quốc không phải là một người bạn mà giống như một công ty con kinh tế để tài trợ cho bộ máy chiến tranh và quân đội của họ. Ngay trước khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine, Trung Quốc đã dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu lúa mì của Nga, bất chấp những lo ngại trước đó về khả năng gây hại cho cây trồng trong nước.
So với các liên minh như EU và NATO, quan hệ đối tác Trung - Nga có ít lợi ích chung hơn và có vẻ "mong manh". Hai quốc gia này coi nhau như công cụ và đòn bẩy chống lại các nước phương Tây và có những công cụ hạn chế để giúp nhau thành công trong việc phát triển nền kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của công dân hoặc nâng cao uy tín quốc tế của mỗi quốc gia.
Khi Nga bắt đầu một vòng đối đầu mới đối với Ukraine và châu Âu, Trung Quốc nhận thấy mình đang ở một thời điểm ra quyết định quan trọng khác. Đối mặt với nghèo đói, sự cô lập và những cuộc đối đầu ý thức hệ đáng kể trong những năm 1960, Trung Quốc quyết định giữ khoảng cách với Liên Xô cũ, điều này đã tạo nên thành công kinh tế sau này của nước này. Tuy nhiên, khi giới lãnh đạo Trung Quốc hướng tới việc xây dựng hình ảnh "người đàn ông mạnh mẽ" cho Chủ tịch Tập Cận Bình, người ta ít lạc quan hơn rằng Trung Quốc sẽ có thể lặp lại thành công ngoại giao của mình.
Bất chấp dư luận phản đối chiến tranh, Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng bộ máy tuyên truyền của mình để ủng hộ Nga và khuếch đại các thông điệp thân Nga.
Từ việc không nhận ra các mối đe dọa của xung đột quân sự đến việc không thể khẳng định lập trường rõ ràng đối với các lợi ích khu vực của mình, Trung Quốc đã tụt hậu sau những diễn biến mới nhất của cuộc chiến Nga - Ukraine và đã thất bại trong việc sử dụng đòn bẩy ngoại giao để thúc đẩy các lợi ích chiến lược của mình.
Trong khi Nga tiếp tục thể hiện sự cứng rắn hơn trên trường quốc tế thì Trung Quốc sẽ chỉ gặp khó khăn hơn trong việc duy trì sự cân bằng mong manh giữa lợi ích kinh tế và nhu cầu chính trị của mình.