Nhiều vụ tai nạn xe khách đã xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt mới đây, tai nạn nghiêm trọng của xe khách Thành Bưởi gây ra cho thấy cần phải siết lại quản lý với loại hình vận tải này.
Nhiều vụ tai nạn xe khách nghiêm trọng, tình trạng xe dù bến cóc công khai hoạt động tại nhiều địa phương... cho thấy cần siết lại quản lý với loại hình vận tải này. Liên quan đến tai nạn xe khách nghiêm trọng khiến 5 người chết tại Đồng Nai, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã yêu cầu kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với Công ty TNHH Thành Bưởi. Trong đó tập trung kiểm tra quy trình bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô của doanh nghiệp này.
Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội vừa đề xuất ra tay một cách quyết liệt tệ nạn "xe dù bến cóc", xe giả danh xe hợp đồng, xe limosine, xe ghép trên các tuyến... Theo đó, thực hiện đúng quy định của Bộ GTVT là xe hợp đồng không được trực tiếp bán vé cho khách, xe hợp đồng phải gửi danh sách đi xe về Sở Giao thông vận tải địa phương để quản lý. Xe tuyến cố định sau khi đón khách bằng xe trung chuyển phải làm thủ tục xuất bến.
Bên cạnh đó là quy hoạch lại hệ thống bến xe, bến xe phải gần dân, cho tăng thêm tần suất theo yêu cầu của thị trường, phải được sự đồng ý của địa phương và các bến xe sau khi được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
Hiệp hội cũng cho rằng muốn dẹp xe dù bến cóc thì Bộ Tài chính nên thay đổi thu thuế khoán cho địa phương quản lý. Xe đăng ký kinh doanh phải nộp thuế khoán tại quận, huyện quản lý. Việc làm này phải thống nhất trong cả nước, có mức thuế riêng cho từng vùng miền.
Theo quy định, xe hợp đồng không được bán vé tại điểm đón trả khách, danh sách hành khách phải gửi Sở GTVT trước một ngày. Hiệp hội cũng đề xuất nên quy hoạch lại bến xe phù hợp với sự phát triển hạ tầng, không nên đưa bến xe ra xa. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân cũng như các doanh nghiệp vận tải.
Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội đề nghị các cơ quan nhà nước sớm ban hành các quy định và quản lý giao thông vận tải, quy định trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, quan tâm đến sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
Trước đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã nhiều lần báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT tình trạng xe hợp đồng chạy tuyến cố định, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp xe khách, khó quản lý, gây cạnh tranh không lành mạnh với chính các doanh nghiệp xe khách.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp xe khách tuyến cố định đã bỏ bến ra ngoài chạy chui, vòng vo tìm khách, hoặc tự lập văn phòng đón/trả khách. Lượng khách các bến giảm từ 20 - 50% so với trước, nguy cơ bến xe phá sản đang hiện hữu. Các địa phương còn phát sinh loại xe cá nhân chở khách dưới dạng "xe ghép", không đăng ký kinh doanh vận tải…
Theo Bộ Giao thông vận tải, tình trạng trên có nguyên nhân do Nghị định 10/2020/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô còn bất cập. Đặc biệt, quy định về chế tài xử phạt vi phạm bằng thu hồi phù hiệu xe kinh doanh chưa cụ thể, có đơn vị vừa nộp lại phù hiệu đã lập tức xin cấp mới, hoặc không nộp phù hiệu cũng không có chế tài xử lý.
Ngoài ra, việc thiếu chế tài để thu hồi đăng ký tuyến của xe khách, dẫn tới nhiều xe đăng ký tuyến, đăng ký bến, nhưng thực tế không vào bến xe, mà ra ngoài chạy dù, lập bến cóc. Dù quy định quản lý xe qua hệ thống phần mềm giám sát hành trình, nhưng nhiều sở Giao thông vận tải phản ánh hệ thống của Bộ Giao thông vận tải được vận hành từ năm 2016 tới nay đã lạc hậu, không được cập nhật, khó khai thác dữ liệu để xử lý xe vi phạm.
Ngày 31.10, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết đã tiếp nhận văn bản đề nghị từ Công an TP.HCM liên quan đến việc tạm thời không thực hiện kê khai bổ sung thuế cho Công ty TNHH Thành Bưởi và các cá nhân liên quan để hỗ trợ công tác điều tra, xác minh nguồn tin về tội phạm.
Theo công văn này, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết đang điều tra tin báo về vụ việc có dấu hiệu trốn thuế xảy ra tại nhà xe Thành Bưởi (266 -268 Lê Hồng Phong, phường 4, quận 5, TP.HCM).
Quá trình điều tra, xác minh ban đầu của Công an TP.HCM, Công ty Thành Bưởi được thành lập vào tháng 3.2000. Sau 24 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, hiện công ty này có vốn điều lệ 80 tỉ đồng.
Công ty do 2 thành viên góp vốn gồm ông Lê Đức Thành góp khoảng 67,8 tỉ đồng, nắm 84,71% và ông Lê Dương góp 12,2 tỉ đồng, nắm giữ 15,29%. Trong đó ông Lê Đức Thành giữ vị trí Giám đốc, cũng là người đại diện pháp luật, còn ông Lê Dương giữ chức vụ Phó giám đốc.
Tại tỉnh Lâm Đồng, Công ty Thành Bưởi có chi nhánh tại số 6 Lữ Gia, phường 9, TP.Đà Lạt. Giấy phép hoạt động chi nhánh do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cấp vào 8.2001 và thay đổi lần thứ 5 vào tháng 6.2016.
Hiện công ty này đang thực hiện kê khai, báo cáo quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM và Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng.
Để phục vụ công tác điều tra nguồn tin về tội phạm, Công an TP.HCM đề nghị Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng tạm thời chưa giải quyết cho Công ty Thành Bưởi, các chi nhánh công ty cũng như các cá nhân liên quan thực hiện kê khai bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân cho đến khi có ý kiến khác bằng văn bản của cơ quan chức năng.