Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic trong bài phát biểu hôm 21.9 tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tố phương Tây áp dụng tiêu chuẩn kép cho Ukraine và Serbia.
Tổng thống Vučić bắt đầu bài phát biểu của mình với thái độ chỉ trích: “Tôi ở đây lần thứ mười một rồi. Khoảnh khắc mà chúng ta đang chứng kiến thật sự nghiêm trọng, buộc tôi phải chia sẻ với các vị những lời khó nghe nhưng chân thật. Mọi thứ chúng ta đang làm hôm nay dường như bất lực và nhạt nhoà. Thực tế là không ai thực sự lắng nghe ai ở đây, không ai nỗ lực để đạt được những thỏa thuận thực sự và giải quyết vấn đề, và hầu như tất cả mọi người đều chỉ quan tâm đến việc thỏa mãn lợi ích của mình, thường xuyên chà đạp các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong quá trình này, ném bỏ Hiến chương Liên hợp quốc và các tài liệu khác mà tổ chức này đặt nền tảng”.
Tổng thống Serbia đã phân tích các sự kiện toàn cầu của ông thành nhiều điểm: khôi phục hòa bình và duy trì ổn định toàn cầu; giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc được quốc tế công nhận, coi đó là nguyên tắc chủ yếu của luật công quốc tế và quan hệ giữa các quốc gia; an ninh năng lượng trong điều kiện khủng hoảng toàn cầu; an ninh tài chính của các nước nghèo và đang phát triển; và cung cấp lương thực trong bối cảnh các đường cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do chiến tranh.
Trọng tâm bài phát biểu của ông Vucic là việc các cường quốc thế giới phối hợp với nhau chặt chẽ để tấn công Serbia, quốc gia chưa bao giờ tấn công bất kỳ ai và làm tất cả những điều đó để đánh cắp một phần lãnh thổ của nước này: Kosovo. Ông Vucic cáo buộc chính các nước phản đối mạnh mẽ việc vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và yêu cầu rằng Hiến chương Liên hợp quốc được tôn trọng trong trường hợp của Ukraine, thì đáng ra họ cũng phải làm như vậy trong trường hợp của Serbia và ngừng phớt lờ Nghị quyết 1244 của Liên hợp quốc, trong đó xác định Kosovo là một phần không thể thiếu của Serbia.
Tổng thống Vucic cũng trích dẫn lời của mục sư Martin Luther King: ‘Bất công ở bất cứ nơi đâu đều là mối đe dọa đối với công lý ở mọi nơi’. Cuối cùng, Tổng thống Serbia hô "Serbia muôn năm!" để chốt lại bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc tại New York.
Trước đó, hồi tháng 4, tại cuộc họp với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc nhở rằng Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LNR) và Donetsk (DNR) tự xưng đã có nền độc lập tương tự như phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế về tình hình ở Kosovo. Ông Putin nói: "Cá nhân tôi đã đọc tất cả các tài liệu của Tòa án Công lý Quốc tế về tình hình ở Kosovo. Tôi nhớ rất rõ quyết định của tòa án quốc tế, trong đó nói rằng khi thực hiện quyền tự quyết, một lãnh thổ nhất định của bất kỳ quốc gia nào không có nghĩa vụ phải xin phép tuyên bố chủ quyền với các cơ quan trung ương của đất nước. Điều đó đã được áp dụng đối với Kosovo, và đây là quyết định của tòa án quốc tế. Mọi người cũng ủng hộ quyết định này".
Ông Putin nói thêm rằng DNR và LNR có quyền tuyên bố chủ quyền như thế mà không cần sự cho phép của chính quyền trung ương "vì một tiền lệ đã được đặt ra".
Và giờ Nga đang dùng tiền lệ đó không chỉ với Donetsk và Luhansk mà còn áp dụng thêm với Kherson và Zaporozhye. Kherson và Zaporozhye từ hôm nay đến 27.9 sẽ trưng cầu độc lập theo kiểu Kosovo và quyết luôn có gia nhập Nga sau khi độc lập không. Cũng trong thời gian này, Donetsk và Luhansk cũng tiến hành bỏ phiếu nhưng vì 2 khu vực này đã tuyên bố độc lập nên cử tri chỉ cần trả lời có “nhập Nga” hay không.