Siêu dự án khu đô thị Đại Ninh (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) có tổng mức đầu tư 25.000 tỉ đồng, sau 11 năm triển khai vẫn là đất hoang.

Siêu dự án khu đô thị hoang tàn giữa đại ngàn Tây Nguyên

Nam Phong | 02/07/2021, 17:08

Siêu dự án khu đô thị Đại Ninh (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) có tổng mức đầu tư 25.000 tỉ đồng, sau 11 năm triển khai vẫn là đất hoang.

Bánh vẽ siêu dự án và thực tế hoang tàn

Dự án Đại Ninh do Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn-Đại Ninh (gọi tắt là Saigon-Daininh Group) làm chủ đầu tư, diện tích 3.595ha nằm trên địa bàn các xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào cuối 2010, thời gian triển khai xây dựng 2010 - 2018.

Siêu dự án Đại Ninh còn có tên gọi khác là “Khu đô thị thương mại du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Nam Đà Lạt”, được quảng cáo rầm rộ trên nhiều website, giới thiệu bằng những từ hoa mỹ trên các bảng hiệu tại khu vực.

Được quảng cáo với tổng mức đầu tư lên tới hơn 25.000 tỉ đồng “với tiêu chí mang lại sự sang trọng bậc nhất như cuộc sống hoàng cung tại các phân khu biệt thự lâu dài, khu đô thị nghỉ dưỡng do Tập đoàn đa quốc gia Meinhardt và Công ty Sài Gòn-Đại Ninh cùng nhiều kiến trúc sư lừng danh của Pháp, Úc, Thụy Sĩ, Việt Nam tư vấn thiết kế. Nhóm kiến trúc sư danh tiếng này đã từng tư vấn thiết kế cho những tòa nhà nổi tiếng trên thế giới, các khách sạn 5 sao và nhiều dinh thự sang trọng dành cho các bậc thượng lưu, học giả, nhà tài phiệt, vua dầu mỏ...”.

Theo giới thiệu, “dự án phục vụ nhu cầu nhà ở nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, trung tâm chứng khoán… của thị trường trong nước và Đông Nam Á”, “dự kiến sẽ có 20 nghìn người đến đây nghỉ dưỡng, sinh sống làm việc”.

dai_ninh_lam_dong.png
Một phần phối cảnh "siêu dự án" Đại Ninh

Chủ đầu tư giới thiệu dự án có diện tích 3.595ha, trong đó đất rừng thông nghỉ dưỡng 1.428ha, lòng hồ Đại Ninh 1.954ha, quy hoạch thành 6 phân khu với 4.500 biệt thự lâu đài tráng lệ; 6 cụm khách sạn 6 sao gần 10.000 căn hộ khách sạn; 37 cao ốc cung cấp 4.000 căn hộ theo tiêu chuẩn nghỉ dưỡng 5 sao; 129 công trình tiện ích nội đô với đẳng cấp đỉnh cao tầm quốc tế.

Bản phối cảnh "siêu dự án" cho thấy dự án chạy dài bao bọc quanh hồ thủy điện Đại Ninh, nằm trên trục QL20 và QL28B.

Siêu dự án được quảng cáo là vậy, nhưng tận mắt thực địa mới thấy, "siêu dự án" chỉ là những chứng tích hoang phế, nếu không muốn nói giống như ổ chuột.

Sau gần 11 năm “đầu tư”, siêu dự án với tổng mức đầu tư 25.000 tỉ đồng chỉ tồn tại vài công trình: chủ đầu tư mới chỉ xây được 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng cho chuyên gia, 1 hội trường, 6 trạm dừng chân, khoảng 20km đường nội bộ... Cho tới nay, các công trình này theo thời gian đã trở nên hoang phế, cỏ mọc um tùm...

Tất thảy các công trình này đều được Thanh tra Chính phủ kết luận: từ khi triển khai dự án đã vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng hội trường không phép khoảng 560m2, 15 căn “nhà chuyên gia” không có trong quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt, không có giấy phép xây dựng.

img-309adfbcb7378c887f253a33b4871d5c-v.jpg
Toàn bộ dự án với vốn đầu tư hơn 25 nghìn tỉ đồng, sau 11 năm triển khai mới chỉ vỏn vẹn khu nhà điều hành dự án có diện tích 560m2 cùng chưa đầy 15 "chòi" chuyên gia được xây dựng rồi bỏ hoang

Không tiền nhưng vẫn ôm dự án

Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư Sài Gòn-Đại Ninh đối với siêu dự án này.

Cụ thể, dự án được đầu tư trên diện tích 3.595ha. Công ty Sài Gòn- Đại Ninh được thuê 1.432ha đất lâm nghiệp (trong đó 1.050ha rừng sản xuất) theo Quyết định 953/QĐ-UBND ngày 22.4.2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Ngày 7.2.2012, tỉnh có Quyết định 293/QĐ-UBND cho phép công ty chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án Đại Ninh, tổng diện tích đất chuyển mục đích là 323ha, trong đó đất ở 166ha (áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất); tổng số tiền sử dụng đất phải nộp hơn 226 tỉ đồng (theo Quyết định 737/QĐ-UBND ngày 16.4.2014 của UBND tỉnh). Sau khi miễn giảm 30%, số tiền sử dụng đất còn phải nộp là 158 tỉ đồng.

Đáng nói, dù đã được giảm 30% nhưng sau khi chuyển mục đích đất, Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn-Đại Ninh vẫn không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Từ năm 2014 đến 2018, dù được đôn đốc nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn không nộp; tính đến tháng 10.2018 tiền phạt chậm nộp là 104 tỉ đồng. Công ty còn nợ 6,6 tỉ đồng tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên, môi trường rừng.

img-336bb4138d37a1b26553f605fce1e47e-v.jpg
Siêu dự án hoang tàn, không một bóng người

Trước việc không đảm bảo năng lực tài chính nói trên, ngày 9.10.2018 tỉnh Lâm Đồng đã quyết định điều chỉnh, chưa thực hiện chuyển mục đích sang đất ở với diện tích 166ha thuộc sự án.

Thanh tra Chính phủ cũng kết luận rằng, trong quá trình quản lý, sử dụng đất, chủ đầu tư khi triển khai dự án đã vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng hội trường không phép khoảng 560m2, 15 căn “nhà chuyên gia” không có trong quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt, không có giấy phép xây dựng. Chủ đầu tư không quản lý được đất mà để người dân tái lấn chiếm, vi phạm Luật Đất đai.

Căn cứ Giấy chứng nhận đầu tư, đến hết năm 2018, dự án đã hết thời hạn đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn-Đại Ninh có nhiều vi phạm, tiến độ không theo đúng cam kết, nhưng UBND tỉnh Lâm Đồng, các ngành chức năng không có biện pháp cương quyết xử lý chấm dứt hoạt động dự án theo quy định tại Luật Đầu tư 2014.

Hệ quả của việc chậm trễ triển khai, nguyên nhân chính là năng lực tài chính của chủ đầu tư không đảm bảo đã dẫn tới tình trạng đất đai bị bỏ hoang, lãng phí tài nguyên quốc gia, trong khi nông dân địa phương cần đất trồng rừng, sản xuất.

Kiến nghị thu hồi dự án

Từ kết luận thanh tra nêu ở trên, Tổng thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất tại dự án Đại Ninh do có vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư.

Kết luận thanh tra còn chỉ rõ, trách nhiệm chính để xảy ra những sai phạm tại dự án KĐT Đại Ninh thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, Giám đốc Sở TN-MT, Giám đốc Sở KH-ĐT, Cục trưởng Cục Thuế, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ.

Chính vì thế, Tổng thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ kết quả thanh tra, nghiêm túc thực hiện kiểm điểm trách nhiệm của UBND tỉnh và cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó chủ tịch UBND tỉnh về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm có liên quan tới trách nhiệm quản lý, điều hành.
Căn cứ thẩm quyền, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo thủ trưởng các sở ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng kiểm điểm nghiêm túc, có hình thức xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân vì để xảy ra nhiều thiếu sót, tồn tại; đồng thời tập trung giải quyết, chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, khuyết điểm, tồn tại đã được nêu trong kết luận thanh tra.

Chủ Saigon-Daininh Group là ai?

Saigon-Daininh Group được thành lập vào đầu năm 2010, trụ sở chính tại phường 10, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ban đầu, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 600 tỉ đồng, trong đó Công ty TNHH Xây dựng kinh doanh nhà ở Phương Nam (Phương Nam Group) chiếm tới 85% cổ phần.

Đến tháng 8.2016, bà Phan Thị Hoa (63 tuổi) thay Phương Nam Group nắm giữ 85% cổ phần tại Saigon-Daininh Group. Điều đáng lưu ý là bà Hoa cũng là chủ sở hữu của Phương Nam Group.

Tới ngày 10.10.2017, Saigon-Daininh Group nâng mức vốn điều lệ lên 2.000 tỉ đồng, bà Phan Thị Hoa nâng cổ phần của mình tại Saigon-Daininh Group lên 88,5%.

Tới cuối tháng 1.2021, một diễn biến đáng chú ý tại Saigon-Daininh Group là bà Phan Thị Hoa không còn là người đại diện theo pháp luật, mà được thay bằng ông Nguyễn Cao Trí với vai trò tổng giám đốc.

Ông Trí được biết tới là doanh nhân với hệ sinh thái ở Tập đoàn Capella Holdings liên quan tới bất động sản, quán bar, nhà hàng, trung tâm hội nghị tiệc cưới, giáo dục.

Ngoài ra, ông Nguyễn Cao Trí cũng là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 1, TP.HCM (nhiệm kỳ 2018-2023) và Phó chủ tịch HĐQT Trường đại học Văn Lang.

Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Siêu dự án khu đô thị hoang tàn giữa đại ngàn Tây Nguyên