Quân đội Myanmar đã thua trong một cuộc chiến tranh giành quyền lãnh đạo phái bộ ở Liên Hợp Quốc và Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào các tập đoàn quân sự sau cái chết của hàng chục người phản đối cuộc đảo chính.
Bất chấp ít nhất 51 người đã chết, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình hơn ở Myanmar vào ngày 5.3 để phản đối việc lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi (75 tuổi).
Đám đông lớn đã diễu hành một cách ôn hòa qua thành phố Mandalay lớn thứ hai Myanmar và hô vang: "Thời kỳ đồ đá đã qua, chúng tôi không sợ hãi vì bạn đe dọa chúng tôi".
Các nhân chứng nói không có dấu hiệu ngay lập tức cho thấy cảnh sát nỗ lực chặn họ. Song tại thành phố Yangon lớn nhất Myanmar, cảnh sát đã bắn đạn cao su và ném lựu đạn gây choáng để giải tán những người biểu tình.
Một đám đông cũng tụ tập ở thị trấn Pathein, phía tây Yangon.
Hôm 4.3, cảnh sát Myanmar đã giải tán các cuộc biểu tình bằng hơi cay và súng đạn ở một số thành phố nhưng cuộc đàn áp của họ được kiềm chế hơn so với ngày trước đó, khi Liên Hợp Quốc cho biết 38 người đã thiệt mạng trong ngày biểu tình đẫm máu nhất.
Giám đốc nhân quyền của Liên Hợp Quốc - Michelle Bachelet yêu cầu lực lượng an ninh ngừng cái mà bà gọi là "cuộc đàn áp tàn ác với những người biểu tình ôn hòa". Michelle Bachelet cho biết hơn 1.700 người đã bị bắt, trong đó có 29 nhà báo.
Singapore là nước láng giềng ở Đông Nam Á có quan điểm rõ ràng nhất với Myanmar. Hôm 5.3, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore - Vivian Balakrishnan nói rằng việc các lực lượng vũ trang sử dụng vũ khí chống lại người dân của họ là “nỗi xấu hổ quốc gia”.
Ông Vivian Balakrishnan kêu gọi quân đội Myanmar tìm kiếm một giải pháp hòa bình nhưng thừa nhận áp lực từ bên ngoài sẽ chỉ có tác động hạn chế tình hình.
Hôm 16.2, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore nói không ủng hộ các biện pháp trừng phạt rộng rãi với Myanmar để đáp trả cuộc đảo chính vì có thể làm tổn thương các công dân bình thường.
Phát ngôn viên của hội đồng quân sự cầm quyền ở Myanmar không trả lời các cuộc điện đàm tìm kiếm bình luận từ Reuters.
Cuộc tranh chấp về người đại diện cho Myanmar tại Liên Hợp Quốc ở New York đã bị ngăn chặn sau khi người thay thế phía quân đội thôi chức và phái bộ Myanmar ở Liên Hợp Quốc xác nhận rằng Đại sứ Kyaw Moe Tun vẫn tiếp tục công việc.
Chính quyền của quân đội Myanmar đã sa thải Kyaw Moe Tun hôm 27.2 sau khi ông kêu gọi các nước tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sử dụng "bất kỳ phương tiện cần thiết nào" để đảo ngược cuộc đảo chính.
Tại Mỹ, không rõ liệu Đại sứ quán Myanmar có còn đại diện cho chính quyền quân sự hay không, sau khi họ ra tuyên bố lên án việc giết hại những người biểu tình thường dân và kêu gọi các nhà chức trách "hết sức kiềm chế".
Một nhà ngoại giao trong Đại sứ quán Myanmar ở Mỹ đã từ chức và ít nhất ba người khác cho biết trong các bài đăng trên mạng xã hội rằng họ đang tham gia phong trào bất tuân dân sự, các cuộc đình công chống lại chính phủ quân sự.
Hôm 4.3, một quan chức cấp cao của cảnh sát Ấn Độ nói với Reuters rằng ít nhất 19 cảnh sát Myanmar đã trốn sang Ấn Độ vì lo sợ bị đàn áp do không tuân lệnh.
Điều tra viên nhân quyền của Liên Hợp Quốc về Myanmar - Thomas Andrews đã thúc giục Hội đồng Bảo an (có cuộc họp để thảo luận về tình hình vào ngày 5.3) áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu và các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào chính quyền quân sự.
“Các quốc gia nên áp đặt các biện pháp trừng phạt với Doanh nghiệp Dầu khí Myanmar, hiện do quân đội kiểm soát và là nguồn doanh thu lớn nhất của nó”, ông Thomas Andrews nói.
Các nhà hoạt động Myanmar đang kêu gọi trả tự do cho Suu Kyi, người đã bị giam giữ vào sáng ngày diễn ra cuộc đảo chính hôm 1.2 và công nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 8.11.2020 của bà. Họ cũng phớt lờ lời hứa của quân đội về việc tổ chức các cuộc bầu cử mới vào một ngày không xác định.
Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã thắng trong cuộc bầu cử nhưng quân đội từ chối chấp nhận kết quả với lý do "có gian lận". Ủy ban bầu cử Myanmar cho biết cuộc bỏ phiếu là công bằng.
Các nguồn tin nói với Reuters rằng các nhà cầm quyền quân sự của Myanmar đã cố gắng chuyển khoảng 1 tỉ USD được giữ tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York vài ngày sau khi nắm quyền. Thế nhưng, các quan chức Mỹ đã đóng băng khoản tiền đó vô thời hạn.
Bộ Thương mại Mỹ đã chỉ định các biện pháp hạn chế giao dịch với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Myanmar cùng hai tập đoàn quân sự kiểm soát nền kinh tế, với các lợi ích khác nhau, từ bia đến bất động sản.
Tuy nhiên, các biện pháp này được cho là sẽ có tác động hạn chế do các thực thể không phải là nhà nhập khẩu lớn.
William Reinsch, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ, cho biết: “Một tác động lớn hơn là nhắm vào tài sản tài chính của các nhà lãnh đạo quân sự chỉ huy cuộc đảo chính”.
Liên minh châu Âu đình chỉ hỗ trợ phát triển các dự án để tránh cung cấp hỗ trợ tài chính cho quân đội Myanmar.
Trong dấu hiệu khác về sự cô lập với chính quyền Myanmar hiện tại, YouTube cho biết đã xóa 5 kênh của mạng truyền hình do quân đội điều hành. Tháng trước, quân đội Myanmar bị cấm sử dụng nền tảng Facebook và Instagram.
Các tướng lĩnh Myanmar từ lâu đã xem nhẹ áp lực từ bên ngoài. Chính quyền Biden đã nói rằng họ hy vọng Trung Quốc (nước vốn từ chối lên án cuộc đảo chính ở Myanmar) sẽ đóng một vai trò mang tính xây dựng. Dù vậy, Trung Quốc cho biết ổn định tình hình là ưu tiên hàng đầu của nước láng giềng chiến lược.