Trang Popular Science giới thiệu về quá trình của một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Carnegie Mellon đi thu thập dữ liệu về pleurocystitid - tổ tiên lâu đời nhất của nhím và sao biển - để phát triển robot mềm.
Rất nhiều robot lấy cảm hứng từ sinh vật đang tồn tại nhưng rất ít robo được mô phỏng từ những sinh vật đã tuyệt chủng. Để thiết kế "cỗ máy riêng" của mình cho hoạt động dưới nước, nhóm nghiên cứu Đại học Carnegie Mellon đã thực hiện quá trình tìm hiểu pleurocystitid - tổ tiên lâu đời nhất của nhím và sao biển.
Pleurocystitid hiện diện rất nhiều ở đại dương vào khoảng 500 triệu năm trước – thời điểm mà giới chuyên gia tin rằng sứa bắt đầu xuất hiện. Chúng là tổ tiên lâu đời của nhiều sinh vật không xương sống, có phần đuôi cơ bắp giúp di chuyển dưới nước tốt hơn. Nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu loài này bằng cách chụp CT mẫu hóa thạch rồi đưa vào chương trình máy tính nhằm xây dựng mô phỏng di chuyển.
Chưa ai biết rõ pleurocystitid di chuyển ra sao, tuy nhiên nhóm nghiên cứu nhận định phương thức hợp lý nhất là quẫy đuôi từ bên này sang bên kia dưới đáy đại đại dương – giả thuyết được củng cố bởi những thu thập hóa thạch đã chỉ ra, phần đuôi của chúng dài ra theo thời gian nhằm giúp chúng di chuyển nhanh hơn mà không cần tiêu tốn thêm năng lượng.
Dựa trên dữ liệu thu thập được, nhóm phát triển robot mềm dùng phương thức di chuyển tương tự pleurocystitid. Thiết bị nguyên mẫu vẫn còn khá chậm chạp, các phiên bản trong tương lai có thể nhanh nhẹn hơn phục vụ nhiều mục đích chẳng hạn như khảo sát vị trí địa chất nguy hiểm hay giúp sửa chữa máy móc đặt dưới nước. Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng phát minh của mình góp phần thúc đẩy ngành cổ sinh học chuyên nghiên cứu quá khứ của các loài trên Trái đất và kiến thức cổ sinh học có thể truyền cảm hứng cho nhiều sáng tạo trong tương lai.