Vi khuẩn có trong sữa mẹ giúp trẻ miễn dịch đối với bệnh tật và duy trì cần bằng các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Tuy các nhà khoa học chưa xác định được cách thức vi khuẩn từ người mẹ thâm nhập vào sữa.
Trong bài báo công bố trên tạp chí khoa học Journal of Pediatrics, nhà nghiên cứu Mandy Brown Belfort, Boston, Mỹ, khẳng định rằng qua phân tích bệnh án của những trẻ sinh trước 30 tuần tuổi trong các năm 2001- 2003, não trẻ sinh non càng phát triển tốt nếu được bú nhiều sữa mẹ trong 28 ngày đầu chào đời. Nhờ vậy, về sau, những trẻ này thông minh hơn và học giỏi hơn.
Nhà khoa học giải thích rằng những số liệu nghiên cứu khẳng định những kiến nghị hiện nay về việc dùng sữa mẹ để nuôi trẻ sinh thiếu tháng tại các khoa đặc biệt điều trị trẻ sơ sinh và trẻ đẻ non. Điều này quan trọng không chỉ đối với các bà mẹ, mà đối với cả bệnh viện và các bác sĩ.
Mandy Brown Belfort tiến hành so sánh các dữ liệu về việc nuôi con bằng sữa mẹ trong tháng đầu tiên với các dữ liệu chụp cộng hưởng từ và đánh giá trí lực của trẻ khi 1 tuổi và 7 tuổi. Kết quả phân tích cho thấy những trẻ bú sữa mẹ khi trưởng thành có nhiều chất xám trong não hơn.
Trước đó, theo Post Jagran, các chuyên gia cho rằng sữa mẹ là phương án tốt nhất để phát triển hệ miễn dịch và ống ruột - dạ dày.
Giáo sư Christophe Lacroix ở Viện thực phẩm Dinh dưỡng và Sức khỏe, Zurich, Thụy Sĩ, khẳng định rằng vi khuẩn từ ống ruột - dạ dày mẹ thâm nhập vào sữa rất cần thiết để ruột hoạt động bình thường đã được các nhà khoa học phát hiện trong sữa mẹ, phân của mẹ và con.
Như vậy, vi khuẩn có trong sữa mẹ giúp trẻ miễn dịch đối với bệnh tật và duy trì cần bằng các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Tuy các nhà khoa học chưa xác định được cách thức vi khuẩn từ người mẹ thâm nhập vào sữa.
Chỉ có một điều chính xác là phân tích di truyền cho thấy đó chính là những vi khuẩn giống nhau.
Vũ Trung Hương