Một bí ẩn đang bao trùm xứ sở Chùa Vàng: ai là thủ phạm vụ tấm bia dân chủ ở Thái Lan bị đánh cắp? Phe bảo hoàng bị đặt trong tầm nghi ngờ, theo báo The Wall Street Journal ngày 25.4
Tấm biển bằng đồng thau bị đánh cắp làmột tấm bia lịch sử, lưu niệm cuộc cách mạng vốn kết thúc vương triều Thái Lan hồi 85 năm trước. Tấm biển được đặt trên một con đường ở khu vực Cung điện Hoàng gia, gần tượng Vua Rama V, một vị vua Thái hồi thế kỷ 19.
Đấy là vị trí mà vào năm 1932, một nhóm sĩ quan quân đội và công chức chính phủ tuyên bố Thái Lan là một quốc gia quân chủ lập hiến, chuyển nhà vua thành một lãnh đạo không có quyền lực, chỉ có thể "góp ý" với các chính phủ dân cử và các chế độ quân sự vốn kéo dài đến ngày nay.
Nhiều ngày trôi qua, không ai để ý là tấm biển đồng không còn ở vị trí đó. Đến ngày 14.4, có thông tin tấm biển đồng lịch sử đã bị trộm, được thay bằng một tấm biển mới mang dòng chữ kêu gọi thần dân Thái Lan trung thành với tổ quốc, gia đình và với hoàng gia của Tân vương Maha Vajiralongkorn, người sẽ lấy hiệu là Vua Rama X.
Những nhóm bảo hoàng từng tiến hành những nghi lễ bên cạnh tấm biển đồng, cầu nguyện và tiếc nuối quá khứ. Bề mặt tấm biển thường bị xịt sơn.
Nhà hoạt động Chotisak Onsoong cùng những người ủng hộ dân chủ đang ráng vạch trần ai đánh cắp tấm biển lịch sử. Họ nói những người theo chủ nghĩa dân tộc và bảo hoàng là thủ phạm, nhằm tái lập lịch sử hoàng gia và xóa bỏ mọi truyền thống dân chủ.
Chotisaktừng bị đuổi khỏi một rạp chiếu phim vì ông từ chối đứng lên hát quốc ca hoàng gia Thái trước khi phim chiếu. Ông nói: “Thái Lan đang tiến vào thời kỳ mới, nơi mà sự chia rẽ chính trị sẽ càng nguy hiểm hơn, nghiêm trọng hơn”.
Nhà sử học Thepmontri Limpaphayorm xem tấm biển đồng là một sự xúc phạm hoàng gia Thái Lan. Cuối năm 2016, ông viết lời dọa trên Facebook của ông: “Nếu quý vị không đến đào nó đem đi trước ngày 30.12, tôi và bạn bè sẽ xem đó là vật vô chủ. Chúng tôi sẽ vứt hoặc tự phá hủy nó. Nếu quývị muốn giữ là vật kỷ niệm thì đến mà đem đi”.
Thepmontri từng viết một cuốn sách chỉ trích một cuộc nổi loạn chống chế độ quân sự. Cuốn sách mang tựa “Lột sạch mụn ghẻ 14.10: một con sâu trên mặt lịch sử Thái”. Ông khẳng định ông không hề trộm tấm biển đồng, nhưng ông khoái việc nó bị mất trộm.
Cảnh sát nói họ không biết ai lấy cắp tấm biển đồng. Các quan chức thủ đô Bangkok nói máy thu hình kiểm soát an ninh ở khu vực tấp nập này bị “đứt mạng” vì cần nâng cấp, vào đúng đêm mà tấm biển đồng bị lấy đi.
Các quan chức cũng nói họ sẽ không theo đuổi vụ việc, trừ phi người chủ ra mặt đòi quyền sở hữu, điều mà chính phủ quân sự của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha không làm.
Tướng Prayuthnói: “Làm ơn đừng buộc chúng tôi phải xử lý những vấn đề không phải là vấn đề sinh tử”.
Sau đó, ông cảnh cáo người biểu tình chớ nên xuống đường phản đối vụ mất cắp tấm biển đồng.
Nhưng khi Srisuwan Janya, một chuyên gia pháp lý trình một đơn thỉnh nguyện điều tra vụ trộm tới một cơ quan chính quyền, cách phản ứng của những người lính cầm súng với Srisuwan cho thấy việc ai trộm tấm biển đồng mang tính quan trọng hơn nhận định của Thủ tướng Prayuth.
Trước khi Sriwusantrình được đơn thỉnh nguyện, binh lính chặn ông ngay cổng và giải ông đến một căn cứ quân sự. Ở đó, ông bị thẩm vấn suốt 12 giờ, mãi đến khuya mới được thả về nhà.
Khi báo The Wall Street Journal (WSJ) phỏng vấn, ông Srisuwan cho biết binh lính cho ông hai bữa ăn, nhưng mục tiêu của họ rất rõ ràng: “Họ yêu cầu tôi lẳng lặng ra về. Quân đội không muốn thấy bất kỳ sự xung đột nào về chuyện này”.
Tân vương Maha Vajiralongkorn sẽ lên ngôi sau khi chủ trì lễ tang Vua cha Bhumipol vào ngày 26.10.2017
Theo WSJ ngày 25.4, vụ mất cắp tấm biển đồng là một vấn đề tranh luận tầm quốc gia về việc Vương quốc Thái Lan theo Phật giáo sẽ được lãnh đạo thế nào.
Hồi tháng 5.2014, các sĩ quan quân đội Thái Lan tiến hành cuộc lật đổ chính phủ nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái ruột ông Thaksin, người cũng bị hất khỏi ghế Thủ tướng hồi năm 2006.
Từ sức ép trong nước và quốc tế, các sĩ quan cầm quyền lên kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2018. Nhưng những thắc mắc vẫn là chính phủ Thủ tướngPrayuth sẽ nắm bao nhiêu quyền lực.
Vẫn theo WSJ, Thượng viện Thái Lan do quân đội chỉ định, sẽ có tiếng nói trong việc ai sẽ kế nhiệm tướng Prayuth, người chỉ huy cuộc lật đổ bà Yingluck. Không rõ liệu chế độ quân sựsẽ nới lỏng hay không những quyđịnh cấm tổ chức những cuộc tập hợp chính trị với sự tham gia của hơn 5 người trở lên.
Các nhà ngoại giao và phân tích chính trị nhận định: chế độ quân sự của Thủ tướng Prayuth đang ráng đề cao tinh thần dân tộc, phần nào nhằm khai thác việc dân kính trọng hoàng gia Thái, và từ đó cô lập ông Thaksin và bà Yingluck.
Cặp anh em này có sự ủng hộ đông đảo ở những vùng nông thôn, do họ có những chủ trương giúp đỡ người nghèo.Ông Thaksin hiện phải sống lưu vong, bà Yingluck đang kháng nghị những tội danh tham nhũng vốn khiến bà có thể phải ngồi tù nhiều năm. Bà khẳng định chẳng hề làm gì sai phạm.
+Hơn một năm sau khi băng hà, Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej sẽ được thiêu vào ngày 26.10 tới. Lễ tang sẽ diễn ra trong 5 ngày, với tổng chi phí 1 tỉ bath.
+ Nhà vua qua đời ngày 13.10, thọ 88 tuổi. Ông trị vì Thái Lan suốt 70 năm, là nhà vua ngự ngôi lâu nhất thế giới. Ông được dân Thái kính trọng như một vị bán thần kể từ khi lên ngôi năm 1946.
+ Thái tử Vajiralongkorn Bodindradebayavarangkun sẽ chủ trì lễ tang. Sau đó, Thái tử sẽ làm lễ đăng quang, chưa xác định ngày.