Chính phủ Tây Ban Nha đồng ý đề xuất từ đảng cánh tả Mas Pais cho phép các công ty thử nghiệm giảm giờ làm.

Tây Ban Nha triển khai thử nghiệm chỉ làm việc 4 ngày/tuần

Hoàng Phương | 15/03/2021, 18:41

Chính phủ Tây Ban Nha đồng ý đề xuất từ đảng cánh tả Mas Pais cho phép các công ty thử nghiệm giảm giờ làm.

4703.jpg
Chủ tịch đảng Mas Pais Inigo Errejon nói rằng tuần làm việc 4 ngày là "một ý tưởng đi đôi với thời đại"

Tây Ban Nha có thể trở thành một trong vài quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày sau khi chính phủ nước này đồng ý khởi động một dự án thử nghiệm khiêm tốn cho các công ty quan tâm đến ý tưởng ấy.

Đầu năm nay, đảng cánh tả nhỏ của Tây Ban Nha Mas Pais thông báo rằng chính phủ đã chấp nhận đề xuất của họ trong việc thử nghiệm ý tưởng. Các cuộc đàm phán đã được tổ chức kể từ đó, với cuộc họp tiếp theo dự kiến ​​sẽ diễn ra trong những tuần tới.

Ông Inigo Errejon thuộc đảng Mas Pais nói trên Twitter: “Với tuần làm việc 4 ngày (tổng cộng 32 tiếng đồng hồ), chúng tôi đang bắt đầu cuộc tranh luận nảy lửa của thời đại này. Đây là một ý tưởng đi đôi với thời đại”.

Từ New Zealand đến Đức, ý tưởng này đã và đang ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Được những người đề xuất ca ngợi như một cách để tăng năng suất, cải thiện sức khỏe, tinh thần của người lao động và chống lại biến đổi khí hậu, đề xuất này đã được nâng lên tầm cao mới khi đại dịch COVID-19 ngày càng tác đồng đến nhiều vấn đề, như an sinh, tình trạng kiệt sức, tìm kiếm cân bằng giữa công việc với cuộc sống...

Các đảng phái tả ở Tây Ban Nha, nơi cuộc đình công kéo dài 44 ngày ở Barcelona năm 1919 dẫn đến việc đất nước này trở thành một trong những nước đầu tiên ở Tây Âu áp dụng ngày làm việc 8 giờ, đã bắt đầu ý tưởng này. Ông Errejon nói: Tây Ban Nha là một trong những nước người lao động làm việc nhiều giờ hơn mức trung bình của châu Âu. Thế nhưng chúng tôi không nằm trong số những quốc gia làm việc hiệu quả nhất. Tôi cho rằng làm việc nhiều giờ hơn không có nghĩa là làm việc hiệu quả hơn".

Trong khi các chi tiết chính xác về việc thí điểm sẽ được hoàn thiện cùng với chính phủ, đảng của ông Errejon đã đề xuất một dự án kéo dài 3 năm, trị giá 50 triệu euro, cho phép các công ty thử nghiệm giảm giờ làm với rủi ro tối thiểu. Ví dụ chi phí của một công ty trong tuần làm việc 4 ngày có thể được bao trả ở mức 100% trong năm đầu tiên, 50% trong năm thứ 2 và 33% trong năm thứ 3.

“Với những con số này, chúng tôi tính toán rằng có thể có khoảng 200 công ty tham gia, với tổng số từ 3.000 đến 6.000 công nhân”, ông Héctor Tejero của đảng Mas Pais cho biết, “Lằn ranh đỏ duy nhất là chúng tôi muốn thấy việc giảm giờ làm thực sự xảy ra mà không bị trừ lương hay mất việc làm”.

Ông Tejero ước tính rằng thí điểm có thể được thực hiện sớm nhất là vào mùa thu năm nay. Ông nói: “Tây Ban Nha sẽ là quốc gia đầu tiên thực hiện thử nghiệm ở quy mô này. Một dự án thí điểm như thế chưa từng được thực hiện ở bất kỳ đâu trên thế giới". Đảng đã đề nghị việc thí điểm được hướng dẫn bởi một hội đồng chuyên gia, bao gồm đại diện chính phủ, công đoàn và các tập đoàn kinh doanh - những người cũng sẽ giúp phân tích kết quả.

Điều mà đảng Mas Pais hy vọng sẽ thấy là sự lặp lại kết quả từ kinh nghiệm của Software Delsol, một công ty ở miền nam Tây Ban Nha năm ngoái đã trở thành công ty đầu tiên trong nước thực hiện tuần làm việc 4 ngày. Ông Tejero nói: “Họ cho biết tình trạng vắng mặt giảm, năng suất tăng lên và công nhân nói rằng họ trở nên hạnh phúc hơn”.

Một nguồn tin của Bộ Công nghiệp Tây Ban Nha cho biết các cuộc đàm phán về dự án thí điểm đang ở giai đoạn đầu. Tại thời điểm này, mọi thứ vẫn cần phải được tranh luận, từ chi phí của thí điểm đến số lượng công ty tham gia và tiến trình.

Ý tưởng này đã vấp phải sự phản đối, trong đó một trong những nhà lãnh đạo từ các hiệp hội kinh doanh chính của đất nước mô tả là "điên rồ" trong khi đất nước đang diễn ra cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ thời nội chiến. “Để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này chúng ta cần có nhiều công việc hơn, chứ không phải ít hơn”, Ricardo Mur của CEOE phát biểu tại một diễn đàn vào tháng 12.2020.

Khi Tây Ban Nha tiến về phía trước với dự án thí điểm "chồi non" này, thì tiến trình của dự án đang được theo dõi chặt chẽ ở Anh cũng như trên toàn thế giới. Joe Ryle thuộc 4 Day Week Campaign nước Anh cho biết: “Theo như tôi hiểu thì đây sẽ là lần đầu tiên thế giới có thí điểm cấp quốc gia của tuần làm việc 4 ngày. Chúng tôi đang kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới noi gương Tây Ban Nha trong việc mở đường cho tuần làm việc 4 ngày”.

Ông mô tả việc giảm giờ làm việc là một lẽ đương nhiên, “rõ ràng cách chúng ta làm việc đang khiến mọi người căng thẳng, kiệt sức, làm việc quá sức và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần. Tuần làm việc 4 ngày sẽ tốt cho nền kinh tế, tốt cho người lao động và tốt cho môi trường. Có điểm gì mà lại không thích chứ".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tây Ban Nha triển khai thử nghiệm chỉ làm việc 4 ngày/tuần