Bành Súy, 35 tuổi, cựu vô địch đôi Wimbledon và Pháp mở rộng, hôm 2.11 vừa cáo buộc một người đàn ông 75 tuổi họ Trương đã gây áp lực buộc cô phải quan hệ tình dục
Cáo buộc #MeToo của ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Súy (Peng Shuai) liên quan một người họ Trương rất nổi tiếng, đã bị kiểm duyệt chặt chẽ khi mọi thông tin liên quan rất khó tìm kiểm trên mạng Trung Quốc.
Bành Súy, 35 tuổi, cựu vô địch đôi Wimbledon và Pháp mở rộng, hôm 2.11 vừa cáo buộc một người đàn ông 75 tuổi họ Trương đã gây áp lực buộc cô phải quan hệ tình dục, theo ảnh chụp màn hình của một bài đăng trên tài khoản đã được xác minh của Bành trên Weibo – mạng xã hội kiểu Twitter của Trung Quốc.
CNN cho biết họ không thể xác minh độc lập tính xác thực của bài viết hơn 1.600 từ trên Weibo nhưng đã bị xóa. CNN đã liên hệ với Bành cũng như Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc, nơi xử lý các yêu cầu của báo chí cho chính quyền trung ương để xác minh vụ việc. CNN cũng cho biết họ không thể liên lạc được với ông Trương và phu nhân vì họ là những người được bảo vệ nghiêm ngặt, không dễ tiếp cận.
Bức thư ngỏ ai oán
Trong bài đăng như một bức thư ngỏ của Bành gửi Trương, cô ấy cáo buộc một mối quan hệ không liên tục kéo dài ít nhất 10 năm. Bành nói những lời trách móc:
"Tại sao ông phải quay lại với tôi, đưa tôi đến nhà của ông để ép tôi quan hệ tình dục với ông? Vâng, tôi không có bất kỳ bằng chứng nào, và chỉ đơn giản là không thể có bằng chứng".
"Tôi không thể diễn tả được rằng mình đã kinh tởm như thế nào, và đã bao nhiêu lần tôi tự hỏi bản thân rằng liệu mình có còn là một con người không? Tôi cảm thấy mình giống như một xác chết biết đi. Mỗi ngày tôi đều diễn xuất, ai mới là con người thật của tôi?"
Phong trào #MeToo non trẻ của Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào các học giả, nhân viên tổ chức phi chính phủ và những người nổi tiếng trong quá khứ - với các kết quả khác nhau. Nhưng đây là lần đầu tiên nó đến được tới một quan chức cấp cao.
Lv Pin, một người nổi tiếng cho biết: "Chúng ta phải nhận ra rằng việc Bành Súy chọn cách nói ra là đáng chú ý như thế nào. Rất ít người có đủ can đảm để làm điều đó, bởi vì nó có thể phải trả giá bằng sự phiền phức cho bản thân và gia đình".
Khi các cáo buộc của Bành gây sóng gió trên mạng, việc kiểm duyệt đã bắt đầu với tốc độ và sự dữ dội chưa từng thấy trong bất kỳ trường hợp #MeToo nào trước đây ở Trung Quốc.
Bài dài của Bành được đăng sau 10 giờ tối hôm 2.11, đã bị xóa trong vòng chưa đầy 30 phút. Nhưng ảnh chụp màn hình của bài đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và trong các nhóm trò chuyện riêng tư, nhưng ngay sau đó chúng cũng bị kiểm duyệt, cùng với các bài đăng khác thảo luận về vụ việc.
Tài khoản đã được xác minh của Bành, có hơn nửa triệu người theo dõi, vẫn còn trên Weibo cho đến tối hôm qua 3.11 nhưng nó đã bị chặn tìm kiếm. Tất cả các phần bình luận dưới các bài viết trước đây của Bành cũng bị chặn.
Trong một dấu hiệu cho thấy mức độ kiểm duyệt chưa từng có, thậm chí một trang Weibo thảo luận về quần vợt đã bị đóng cửa. Và các tham chiếu tối nghĩa đến vụ bê bối cũng bị xóa.
Trên Douban, trang web đánh giá phim giống IMDB của Trung Quốc, trang của chương trình truyền hình lãng mạn Hàn Quốc "Prime Minister and I" đã bị kiểm duyệt, sau khi độc giả thảo luận về trường hợp của Bành trong phần đánh giá.
Việc kiểm duyệt nhanh chóng và kỹ lưỡng hoàn toàn trái ngược với phản ứng đối với các trường hợp #MeToo nổi tiếng gần đây, chẳng hạn như cáo buộc hiếp dâm liên quan ngôi sao nhạc pop người Canada gốc Hoa Kris Wu.
Vụ bê bối đó đã được phép thu hút rất lớn trên mạng xã hội, thống trị các chủ đề thịnh hành nhất trên Weibo trong nhiều ngày, còn truyền thông nhà nước khuếch đại cáo buộc, chỉ trích Wu suy đồi đạo đức.
Wu sau đó bị bắt vì tình nghi cưỡng hiếp. Trước khi bị tạm giam, Wu đã phủ nhận các cáo buộc trên tài khoản Weibo cá nhân của mình. Công ty của Wu cho biết họ đang theo đuổi hành động pháp lý chống lại người tố cáo anh, gọi những lời buộc tội là "tin đồn ác ý."
Ngay sau đó, chính phủ đã mở một cuộc phong sát đối với một loạt "những người nổi tiếng có hành vi sai trái".
Đó có phải mối tình?
Bành tuyên bố trong bài đăng của mình rằng lần đầu tiên cô quan hệ tình dục với Trương cách đây hơn 10 năm, khi Trương còn làm việc ở Thiên Tân. Nhưng Trương đã cắt đứt liên lạc sau khi ông được thăng chức lên Bắc Kinh. Bành không giải thích hoàn cảnh của lần quan hệ tình dục đầu tiên của họ.
Sau đó, Bành cho biết vào một buổi sáng cách đây khoảng 3 năm sau khi Trương đã nghỉ hưu, Bành bất ngờ được Trương mời chơi quần vợt ở Bắc Kinh. Trương và vợ đã đưa Bành về nhà của họ, nơi Bành tuyên bố cô đã bị áp lực phải quan hệ tình dục với Trương.
"Buổi chiều hôm đó, lúc đầu tôi không đồng ý và đã khóc suốt", Bành viết. Sau bữa ăn tối với Trương cùng phu nhân và sau nhiều lời thuyết phục từ Trương, cô đã xuôi lòng, theo bài đăng. "Tôi đã hoảng loạn và tôi sợ hãi, và tôi đã đồng ý điều đó với tình cảm của tôi dành cho ông từ bảy năm trước", bài đăng viết.
Bành cho biết sau đó cô bước vào mối quan hệ ngoài hôn nhân với Trương, nhưng cô phải chịu "quá nhiều bất công và xúc phạm." Cô ấy nói rằng họ đã cãi nhau vào tuần trước và Trương từ chối gặp cô ấy và biến mất.
Bành cho biết cô không có bằng chứng để chứng minh cáo buộc của mình, đồng thời khẳng định Trương luôn lo lắng rằng cô sẽ ghi lại mọi thứ.
Thông tin xung quanh cuộc sống cá nhân của các quan chức cấp cao Trung Quốc trước đây thường được che giấu trong bí mật. Tuy nhiên, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, những hành vi được cho là ngông cuồng và sai trái của một số quan chức bị hạ bệ do vướng vào chiến dịch chống tham nhũng đã được công bố rộng rãi.
Những lời ủng hộ
Bất chấp sự kiểm duyệt, nhiều người dùng mạng xã hội đã lên tiếng ủng hộ Bành, thường bằng những thuật ngữ mơ hồ.
"Cô ấy hẳn đã tuyệt vọng và bất lực biết bao", một blogger quần vợt nổi tiếng với hơn 200.000 người theo dõi đăng tải. "Mong cô bình an vô sự".
"Tôi không biết mình có thể nói gì khác ngoài việc cầu nguyện cô ấy sẽ bình an. Chúng tôi đã mặc định chấp nhận rằng sự cố này sẽ biến mất trên internet - bài đăng sẽ biến mất, tài khoản sẽ biến mất, công lý sẽ biến mất; chỉ có nỗi đau dày vò nạn nhân mới không biến mất, chỉ có nỗi sợ hãi về nạn nhân tiếp theo mới không biến mất”, một bình luận khác bày tỏ quan điểm.
Cả hai bài viết sau đó đã bị xóa.
Nạn nhân sau các vụ tấn công tình dục từ lâu đã phải đối mặt với sự kỳ thị và dè bỉu mạnh mẽ ở Trung Quốc. Nhưng trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều phụ nữ tập hợp xung quanh những nạn nhân, đã lên tiếng khi phong trào #MeToo thu hút sự chú ý.
Lv, nhà hoạt động nữ quyền ở New York, cho biết Bành đã thu hút sự đồng cảm rộng rãi của công chúng một phần vì cô ấy đã thành công vang dội trong sự nghiệp cầm vợt.
Năm 2013, Bành giành chức vô địch đôi nam nữ tại Wimbledon với đối tác đến từ Đài Loan. Năm 2014, bộ đôi này đã giành được danh hiệu Roland Garros. Bành cũng từng là người từng vào bán kết US Open.
"Cô ấy là một phụ nữ thực sự xuất sắc, là vinh quang của Trung Quốc, một người nổi tiếng thế giới. Ngay cả những phụ nữ như cô ấy cũng sẽ bị mắc kẹt trong tình trạng khó khăn như thế này", Lv nói. "Điều này cho thấy phụ nữ Trung Quốc phải vượt qua bao nhiêu trở ngại để theo đuổi sự bình đẳng và độc lập"
"Mọi người đều lo lắng cho cô ấy. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra với cô ấy. Tôi nghĩ sự chú ý của công chúng đến vụ việc là sự bảo vệ lớn nhất của cô ấy", Lv nói thêm.