Ngày 14.12, sau khi bị Bagdad phản đối trước Liên Hiệp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định rút một phần quân khỏi miền bắc Iraq.
Vào rạng sáng 14.12, Thổ Nhĩ Kỳ đã rút một số binh sĩ khỏi căn cứ Bachiqa gần thành phố Mossoul, nơi đang bị tổ chức khủng bố IS chiếm đóng. Tuy nhiên, theo hãng thông tấn The Wall Street Journal, một phần các đơn vị đồn trú tại Bachiqa đã đi về phía bắc để nhận nhiệm vụ mới, chứ không phải là rút khỏi Iraq.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết, động thái này được thực hiện để giải quyết các mối quan tâm của Bagdad. Ông Davutoglu khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không có kế hoạch rút quân về nước.
Thổ Nhĩ Kỳ không cho biết có bao nhiêu binh sĩ rời khỏi vị trí này. Cách đây 10 ngày, khoảng 20 xe bọc thép cùng với từ 150 đến 300 lính Thổ Nhĩ Kỳ đã tới đây.
Theo Ankara, lực lượng này có nhiệm vụ bảo vệ các cố vấn quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, đang huấn luyện các binh sĩ Iraq chống tổ chức khủng bố IS. Từ nhiều tháng nay, Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm huấn luyện các peshmerga, tức binh sĩ Iraq người Kurdistan, cũng như nhiều người Iraq tình nguyện khác tại căn cứ này.
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện cho ông Davutoglu và ca ngợi động thái rút quân một phần của Ankara là hành động tích cực để xoa dịu căng thẳng.
"Phó tổng thống khuyến khích chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đối thoại với Baghdad về các biện pháp bổ sung nhằm cải thiện quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq", Nhà Trắng cho biết nội dung cuộc điện đàm.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân tới gần Mossoul khiến quan hệ giữa Bagdad và Ankara trở nên căng thẳng. Iraq ngay lập tức gọi động thái của Thổ Nhĩ Kỳ là "hành động xâm lược" và yêu cầu Ankara ngay lập tức rút quân trong 48 giờ.
Đáp lại, Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ không rút quân. Ankara còn đưa ra lời kêu gọi kiều dân rời Iraq.
Thiên Hà (theo The Wall Street Journal)