Các quan chức cho biết Thái Lan sẽ bắt đầu sử dụng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca vào ngày 16.3 sau một thời gian trì hoãn ngắn do lo ngại về tính an toàn của nó, với thủ tướng và nội các của ông sẽ là những người đầu tiên được tiêm vắc xin này.
Hôm 12.3, Thái Lan là quốc gia đầu tiên bên ngoài châu Âu đình chỉ việc sử dụng vắc xin COVID-19 của hãng dược AstraZeneca (Anh). Các nhà chức trách ở Ireland, Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Hà Lan đã đình chỉ việc sử dụng vắc xin này vì vấn đề đông máu.
Hôm 14.3, AstraZeneca cho biết đã thực hiện "đánh giá cẩn thận" dữ liệu từ hơn 17 triệu người được tiêm vắc xin ở Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu, cho thấy "không có bằng chứng về việc tăng nguy cơ thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc giảm tiểu cầu".
Hôm 15.3, Natreeya Thaweewong, người phát ngôn văn phòng Chính phủ Thái Lan, hồi đáp các phóng viên trong tin nhắn văn bản rằng việc tiêm vắc xin AstraZeneca cho Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và các bộ trưởng của ông sẽ diễn ra vào sáng 16.3.
Sáng sớm hôm 15.3, Bộ trưởng Y tế Thái Lan - Anutin Charnvirakul cho biết vắc xin AstraZeneca sẽ được sử dụng nếu các chuyên gia y tế địa phương, những người đang họp vào thứ Hai, thông qua.
Ông Anutin Charnvirakul nói nhiều quốc gia đã xác nhận không có vấn đề về cục máu đông do tác dụng phụ của vắc xin AstraZeneca
và sẽ tiếp tục sử dụng nó.
“Ủy ban học thuật của chúng tôi nói rằng nó nên được đưa ra sử dụng và họ sẽ họp vào chiều nay để có thêm sự tự tin. Nếu không có thêm thông tin, nó sẽ được cung cấp vào ngày mai", Anutin Charnvirakul cho hay.
Chiến lược tiêm chủng hàng loạt của Thái Lan chủ yếu dựa vào vắc xin AstraZeneca, sẽ được sản xuất tại địa phương từ tháng 6.2021 để phân phối trong khu vực, với 61 triệu liều dự trữ cho người dân.
Hôm 8.3 vừa qua, Việt Nam đã bắt đầu triển khai tiêm vắc xin AstraZeneca cho các nhóm ưu tiên.
Hôm 14.3, truyền thông trong nước đưa tin tỉ lệ người Việt Nam được tiêm vắc xin COVID-19 gặp phản ứng tại chỗ (từ nhẹ đến nặng) là 26%, nhưng mức này được cho là tương đương các loại vắc xin khác.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế có văn bản gửi các sở y tế Gia Lai, TP.HCM và Hải Phòng yêu cầu xác minh thông tin, lập hội đồng đánh giá tai biến vắc xin sau tiêm chủng, kết luận nguyên nhân các trường hợp tai biến nặng sau tiêm và triển khai các hoạt động theo quy định.
Văn bản phát đi sau khi TP.HCM ghi nhận 6 trường hợp phản ứng phản vệ độ 2 sau tiêm, Hải Phòng ghi nhận 5 trường hợp và Gia Lai 1 trường hợp.
Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp phản ứng tương tự ở châu Âu (tăng huyết khối), đồng thời cũng chưa thấy các phản ứng được coi là nguy kịch sau tiêm vắc xin như sốt cao, co giật, sốc phản vệ...
Được biết, các trường hợp gặp phản ứng này đều đã ổn định.
Chiều 12.3, Bộ Y tế cho biết quy trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 được chỉ đạo hết sức chặt chẽ, tiêm đến đâu bảo đảm an toàn đến đấy. Vì thế, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tiếp tục triển khai tiêm vắc xin của AstraZeneca.
Thái Lan đã nhập khẩu một số liều vắc xin AstraZeneca bên cạnh 200.000 liều vắc xin Sinovac từ Trung Quốc cho nhân viên y tế và các nhóm nguy cơ cao.
Trên trang Facebook của mình, ông Anutin Charnvirakul cho biết 800.000 liều vắc xin Sinovac sẽ đến Thái Lan vào ngày 20.3.
Sáng 24.2, 200.000 liều vắc xin COVID-19 đầu tiên đến Thái Lan, tất cả là Sinova, được Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cùng các quan chức cấp cao tiếp nhận tại sân bay Suvarnabhumi.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha phát biểu: "Hôm nay là một ngày lịch sử với việc tiếp nhận lô vắc xin đầu tiên... Chính phủ đã cố gắng hết sức để nhận vắc xin theo lịch trình. Nếu không có bất kỳ sự cố ngoài ý muốn nào, các lô tiếp theo sẽ đến đúng kế hoạch. Chúng tôi sẽ có đủ vắc xin để phát triển khả năng miễn dịch cộng đồng”.
Lô hàng gồm 2 triệu liều vắc xin Sinovac trị giá 1,2 tỉ baht.
Nhóm được tiêm vắc xin COVID-19 ban đầu từ ngày 1.3 sẽ gồm nhân viên y tế và những người trong độ tuổi 18-59 tại 13 tỉnh (Samut Sakhon, Bangkok, Pathum Thani, Nonthaburi, Samut Prakan, Tak, Nakhon Pathom, Samut Songkhram, Ratchaburi, Chon Buri, Phuket, Surat Thani và Chiang Mai) làm nhiệm vụ kiểm soát COVID-19, thúc đẩy kinh tế.
Hôm 3.3, Chính phủ Thái Lan khẳng định không có chuyện phân phối vắc xin COVID-19 cho các nhóm ưu tiên, sau xuất hiện tin đồn không căn cứ về việc một nhóm VIP ở tỉnh Chiang Mai được tiêm vắc xin trước.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nói: "Chúng tôi chưa bao giờ có chính sách dự trữ vắc xin cho các nhóm VIP. Bộ Y tế khẳng định không có loại vắc xin nào cho nhóm người ưu tiên nào".